Việc triển khai đồng tiền chung khu vực ASEAN còn nhiều khó khăn

(CL&CS) - Lợi ích của đồng tiền kỹ thuật số chung các nước ASEAN (CBDC) là rất rõ ràng nhưng việc triển khai vào thực tế vẫn còn nhiều thách thức.

Đồng tiền chung cho khối ASEAN, liệu có dễ dàng thực hiện?

ASEAN là khu vực kinh tế có quy mô lớn thứ 5 trên thế giới. Ưu tiên hàng đầu của khu vực trong bối cảnh hiện tại là tích hợp các nền tảng kỹ thuật số để thúc đẩy và đảm bảo tăng trưởng GDP, việc làm và đầu tư trong dài hạn. Đặc biệt khi cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) chính thức có hiệu lực thực thi từ ngày 31/12/2015 tạo điều kiện thúc đẩy sự hợp tác mạnh mẽ giữa các quốc gia trong khu vực. Theo đó, đã đến lúc ASEAN cần có kế hoạch về khả năng ra đời đồng tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC - Central Bank Digital Currency) tại các quốc gia và một đồng tiền kỹ thuật số chung cho khu vực.

Đồng tiền kỹ thuật số chung cho khu vực ASEAN sẽ mang lại nhiều lợi ích, nổi bật. Trước hết là giảm đáng kể thời gian và chi phí thực hiện các giao dịch và thanh toán xuyên biên giới. Việc thanh toán hàng hóa, dịch vụ diễn ra giữa người dân và doanh nghiệp của các quốc gia trong khu vực sẽ thuận lợi hơn khi sử dụng chung 1 loại tiền tệ để thanh toán thay vì phải quy đổi ra tiền tệ của đối tác như hiện nay. Trong bối cảnh khu vực đang có nhiều dự án mang tính kết nối chặt chẽ như Khu vực Thương mại tự do ASEAN (AFTA), Khu vực Đầu tư ASEAN (AIA) và lộ trình Kết nối ASEAN 2025...  việc triển khai đồng tiền này chắc chắn sẽ thúc đẩy nhanh quá trình thực hiện các cam kết, thỏa thuận hợp tác khu vực.

Sử dụng đồng tiền kỹ thuật số chung trong khu vực cũng là lực đỡ quan trọng cho sự phát triển hoạt động thương mại điện tử, hướng tới phát triển kinh tế số. Hiện ASEAN là khu vực có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử nhanh nhất thế giới, doanh thu từ hoạt động này tăng trưởng với tốc độ cao khi từ mức 31 tỷ USD năm 2015, lên mức 99 tỷ USD năm 2019, dự báo tăng lên mức 303 tỷ USD vào năm 2025. Với việc thương mại điện tử, kinh tế số thanh toán trực tuyến, không dùng tiền mặt là tiền đề quan trọng. Thanh toán diễn ra nhanh chóng, thuận lợi sẽ thúc đẩy người dân, doanh nghiệp hướng nhiều hơn tới việc thúc đẩy hoạt động này.

Đối với ASEAN, việc phát hành đồng tiền kỹ thuật số chung của khu vực sẽ mang lại nhiều lợi ích. Tuy vậy, cần có thời gian để đồng tiền này có thể được đưa vào triển khai thực tế, bởi các khó khăn từ cơ sở hạ tầng, đặc biệt là sự đồng nhất của các quốc gia trong khu vực về một hướng đi chung.

Hạ tầng kinh tế, kỹ thuật chưa đồng bộ hiện nay với việc thực hiện thanh toán thông qua hệ thống máy tính, điện thoại hoặc các thiết bị điện tử có kết nối internet đòi hỏi sự phát triển đầy đủ, đồng bộ của các chủ thể tham gia vào giao dịch thương mại. Tuy nhiên, trong khối vẫn còn nhiều khu vực kém phát triển về công nghệ hoặc tính kết nối thiếu ổn định.

Bên cạnh đó những nguy cơ đối với chủ quyền và an ninh tài chính. Chính phủ các quốc gia luôn đánh giá các nguy cơ có thể xảy ra khi đồng tiền mới xuất hiện một cách nghiêm túc và khắt khe nhất. Việc ra đời đồng tiền kỹ thuật số chung có thể sẽ khiến vai trò của đồng tiền vật lý bị ảnh hưởng, đồng thời làm tăng nguy cơ của các hoạt động rửa tiền, các loại tội phạm công nghệ cao khác liên quan đến tài chính - tiền tệ. Khi việc quản lý, vận hành đồng tiền dựa vào các thiết bị điện tử với tốc độ nhanh, quy mô lớn trong khi không có giới hạn về không gian và thời gian thì nguy cơ này sẽ tăng lên.

Đồng thời còn có những ánh nặng cho thực thi các chính sách của ngân hàng trung ương. Sự ra đời và vận hành đồng tiền kỹ thuật số sẽ gây thêm các khó khăn trong công tác quản lý của các ngân hàng trung ương vốn đang phải đương đầu với các thách thức từ sự biến động liên tục của thị trường tài chính, các cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính khu vực và thế giới...

TIN LIÊN QUAN