Trong phiên 23/2, thị trường ngoại tệ khá lặng sóng. Chỉ một vài ngân hàng điều chỉnh tăng nhẹ hoặc giảm nhẹ đồng USD. Đa số các đơn vị còn lại đều chưa tác động tới tỷ giá. Tuy nhiên, tính chúng từ đầu năm mới Tân Sửu 2021 đến nay, tỷ giá USD/VND vẫn tăng mạnh, tăng tới 1%.
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam giữ nguyên tỷ giá ở mức: 22.940 đồng/USD - 23.100 đồng/USD. Tỷ giá tại Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) giao dịch ở mức: 22.940 đồng/USD - 23.100 đồng/USD, không đổi so với cuối ngày hôm qua.
Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) đã ngừng đà tăng tỷ giá. Tỷ giá tại VietinBank trao đổi ở mức: 22.925 đồng/USD - 23.125 đồng/USD. Tỷ giá tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) trao đổi ở mức: 22.925 đồng/USD - 23.125 đồng/USD, không đổi so với cuối ngày hôm qua. Tỷ giá tại Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cố định ở mức 22.940 đồng/USD - 23.100 đồng/USD.
Trong khi đó, tỷ giá tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) có phiên tăng thứ tư liên tiếp sau chuỗi ngày đứng im. Tỷ giá tại Vietcombank đang giao dịch ở mức: 22.940 đồng/USD - 23.120 đồng/USD, tăng 10 đồng/USD ở cả 2 chiều.
Tỷ giá tại Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) mua bán đồng USD ở mức: 22.935 đồng/USD - 23.115 đồng/USD, tăng 2 đồng/USD.
Còn trên thị trường tự do, tại Hàng Bạc, Hà Trung, những “phố vàng” của Hà Nội, tỷ giá đang được mua bán phổ biến ở mức: 23.750 đồng/USD - 23.850 đồng/USD, giảm 50 đồng/USD chiều mua vào, giữ nguyên giá bán ra. Nếu so với cuối năm Canh Tý 2020, giá USD đã tăng 230 đồng/USD, tương đương 1%.
Tỷ giá trên thị trường tự do “nóng” hơn tại hệ thống ngân hàng nên giá USD tự do cao hơn giá USD ngân hàng khoảng 750 đồng/USD chiều bán ra.
Tỷ giá trung tâm của Đồng Việt Nam với Đô la Mỹ, áp dụng cho ngày 23/02/2021 là 23.140 đồng/USD, tăng 15 đồng/USD. Tỷ giá áp dụng cho ngày 23/2 vẫn giữ nguyên chiều mua vào (23.125 đồng/USD) nhưng tăng mạnh chiều bán ra, tăng 15 đồng/USD lên 23.784 đồng/USD.
Chỉ số DXY (USD Index), thước đo giá trị của đồng đô la Mỹ (USD) so với giá trị của một rổ tiền tệ gồm các đối tác thương mại quan trọng nhất của Mỹ đang giao dịch ở mức 89,97 điểm, giảm 0,05 điểm, tương đương 0,05%. Như vậy, DXY đã thủng mốc 90.
Giải thích cho đà tăng của tỷ giá thời gian này, công ty chứng khoán SSI cho biết tâm lý lạc quan vẫn đóng vai trò chủ đạo trong 2 tuần vừa qua khi tình hình dịch bệnh có diễn biến tích cực với số ca nhiễm mới giảm, tốc độ tiêm vắc xin khá tốt (đạt khoảng 6,4 triệu liều/ngày - theo Bloomberg).
Biên bản cuộc họp tháng 1 của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cho thấy quan điểm nới lỏng tiếp tục được duy trì, cùng với đó, gói cứu trợ 1,9 nghìn tỷ USD của chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng đang tiến triển khả quan.
Các tài sản trú ẩn đều giảm giá khá mạnh: Vàng giảm giá 1,65% xuống 1.784 USD/ounce; lợi tức TPCP Mỹ tăng mạnh (11-17bps) ở các kỳ hạn; chỉ số DXY giảm từ 91,04 xuống dưới mốc 90. Cùng với xu hướng tăng của các thị trường chứng khoán, hầu hết các đồng tiền đều tăng giá so với USD trong đó mạnh nhất là GBP (+2,05%); KRW (+1.64%); SEK (+1.15%); CAD (+1.11%).
Tại Việt Nam, giá vàng trong nước - quốc tế tiếp tục giãn rộng (ước khoảng 6-7 triệu đồng) khiến tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do tăng mạnh 220 đồng/USD chiều mua vào và 230 đồng/USD chiều bán ra. Tỷ giá niêm yết của các ngân hàng thương mại cũng đi lên do chịu áp lực từ tỷ giá tự do và chênh lệch lãi suất VND - USD thu hẹp.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính từ đầu năm đến 16/2/2021, Việt Nam xuất siêu 2.63 tỷ USD, rất khả quan so với mức nhập siêu khiêm tốn của cùng kỳ năm ngoái. Ngân hàng Nhà nước cũng giãn tần suất mua ngoại tệ từ hàng ngày sang hàng tuần (từ 17/2) sau khi tuyên bố ngừng mua ngoại tệ giao ngay chuyển sang mua kỳ hạn 6 tháng.
Trong bối cảnh cung cầu ngoại tệ khá thuận lợi và Ngân hàng Nhà nước giảm dần can thiệp vào thị trường, tỷ giá USD/VND nhiều khả năng sẽ đi ngang trong ngắn hạn và có thể giảm nhẹ trong cả năm 2021.