Vay tiền không trả bị xử lý như thế nào?

(CL&CS) - Vay nợ là vấn đề dân sự được điều chỉnh bởi Bộ luật Dân sự, tùy theo trường hợp cho vay, người phạm tội lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản có thể bị phạt tù.

Vay nợ là vấn đề dân sự được điều chỉnh bởi Bộ luật Dân sự 2015. Hợp đồng vay tiền là một trong những hợp đồng dân sự phổ biến hiện nay, tồn tại rất nhiều trong đời sống xã hội cho dù là ở thành thị hay ở nông thôn. Khi đến hạn mà người vay không trả tiền, ngoài các trường hợp là vi phạm nghĩa vụ dân sự thông thường thì có thể liên quan đến trách nhiệm hình sự khi người vay thực hiện một số hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Nếu bạn là người vay hoặc người cho vay ở trường hợp trên, bạn cần có kiến thức pháp luật để không thực hiện các hành vi phạm tội.

Vay tiền nhưng không trả có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

Theo Luatvietnam, tại Điều 466 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thoả thuận khác. Như vậy, trả nợ khi đến hạn là nghĩa vụ của người đi vay. Nếu đến hạn trả nợ nhưng bên vay không trả, có 2 trường hợp xảy ra như sau:

Trường hợp 1: Bên vay không trả nợ do không có khả năng chi trả và không có dấu hiệu bỏ trốn hay dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản thì đây sẽ là tranh chấp dân sự. Để đòi lại được tiền, bên cho vay có thể đến Tòa án dân sự để thực hiện thủ tục kiện đòi tài sản.

Trường hợp 2: Nếu bên vay có thể trả nợ nhưng không trả mà cố tình dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn nhằm chiếm đoạt tài sản thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Như vậy, theo các phân tích trên cho thấy, vay tiền nhưng không trả có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

TIN LIÊN QUAN