Doanh nghiệp cần thực hiện đồng bộ các giải pháp tiết kiệm năng lượng từ công nghệ đến con người. (Ảnh minh họa)
Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam phát triển mạnh mẽ, nhu cầu sử dụng điện năng ngày càng gia tăng. Theo ông Nguyễn Quốc Dũng - Trưởng ban Kinh doanh - Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), 7 tháng đầu năm 2024 chứng kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, đồng thời nhu cầu điện cũng tăng trưởng ấn tượng ở mức 14%, cao hơn nhiều so với mức tăng hơn 4% của năm 2023. Tuy nhiên, đi đôi với sự phát triển này, yêu cầu về việc tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp ngày càng trở nên cấp thiết.
Mặc dù việc tiết kiệm năng lượng mang lại nhiều lợi ích to lớn nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng dễ dàng thực hiện. Ông Nguyễn Quốc Dũng cho biết, một số doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của tiết kiệm năng lượng. "Nhiều doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm hoặc chưa đủ khả năng tài chính và công nghệ để tiếp cận các giải pháp tiết kiệm năng lượng. Ngoài ra, dây chuyền và quy trình sản xuất của nhiều doanh nghiệp còn chưa được tối ưu, dẫn đến sử dụng năng lượng vẫn còn lãng phí", ông Dũng nhấn mạnh.
Việc không tối ưu hóa sản xuất không chỉ làm tăng chi phí mà còn giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Điều này trở thành rào cản lớn, đặc biệt là khi Việt Nam đang hướng đến mục tiêu phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Các ngành công nghiệp tiêu thụ năng lượng lớn như sản xuất thép, xi măng, hóa chất cần có những bước cải tiến mạnh mẽ để giảm tiêu thụ điện và phát thải khí nhà kính.
Theo báo cáo từ các tổ chức quốc tế, ngành công nghiệp sản xuất tại Việt Nam có tiềm năng tiết kiệm từ 20-30% năng lượng tiêu thụ. Thậm chí, theo Bộ Công Thương, con số này có thể lên đến 30-35%, đặc biệt trong các ngành tiêu thụ năng lượng lớn. Đây là những con số ấn tượng cho thấy dư địa tiết kiệm năng lượng của Việt Nam là rất lớn và việc tận dụng tiềm năng này có thể đem lại nhiều lợi ích về cả kinh tế lẫn môi trường.
Nhằm thúc đẩy việc sử dụng năng lượng hiệu quả, những năm qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách quan trọng. Nổi bật là Luật Sử dụng Năng lượng Tiết kiệm và Hiệu quả, có hiệu lực từ năm 2010, cùng hàng loạt thông tư, nghị định và tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan. Đến nay đã có khoảng 16 thông tư, 2 nghị định và 34 tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật được ban hành. Các văn bản này giúp quy định rõ ràng về quản lý năng lượng, yêu cầu các doanh nghiệp phải xây dựng hệ thống tiết kiệm năng lượng và áp dụng biện pháp công nghệ để tối ưu hóa quy trình sản xuất.
Ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, ngoài các quy định xử phạt doanh nghiệp không đáp ứng tiêu chí về quản lý năng lượng, Chính phủ cũng đang nghiên cứu cơ chế khuyến khích để hỗ trợ doanh nghiệp tiên phong trong việc quản lý năng lượng hiệu quả.
Việc tiết kiệm năng lượng không chỉ giúp giảm thiểu chi phí sản xuất mà còn mang lại nhiều lợi ích về kinh tế và môi trường. Theo ông Mạch Đình Khoa - Giám đốc Phát triển chiến lược kinh doanh của Schneider Electric Việt Nam, một số ngành công nghiệp hiện nay có chi phí điện chiếm từ 15-20% tổng giá thành sản xuất của mỗi sản phẩm. Khi thị trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt, việc tối ưu hóa chi phí điện năng trở thành yếu tố sống còn, giúp doanh nghiệp hạ giá thành sản phẩm hoặc giữ vững khả năng cạnh tranh.
Bên cạnh đó, các tiêu chuẩn khắt khe về phát thải carbon từ thị trường lớn như Mỹ, châu Âu và Nhật Bản đòi hỏi doanh nghiệp phải cải thiện quy trình sản xuất theo hướng tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính. Những doanh nghiệp có khả năng tuân thủ các tiêu chuẩn này sẽ có lợi thế khi tiếp cận thị trường xuất khẩu khắt khe.
Công ty Cổ phần Tôn mạ Vnsteel Thăng Long là một trong những doanh nghiệp điển hình trong triển khai các giải pháp tiết kiệm năng lượng. Bằng cách áp dụng công nghệ và phương pháp quản lý mới, công ty đã tiết kiệm được 469.806 kWh điện, tương đương với tỷ lệ tiết kiệm 16,2%. Ngoài ra, công ty đã xây dựng hệ thống quản lý năng lượng theo tiêu chuẩn ISO 500001:2018, giúp theo dõi và đánh giá hiệu quả sử dụng năng lượng một cách liên tục và khoa học.
Hay Công ty Phân lân Văn Điển cũng đạt thành tựu ấn tượng trong việc tiết kiệm năng lượng. Công ty đã tiến hành kiểm toán năng lượng toàn nhà máy, thay thế các động cơ phù hợp với tải trọng thực tế, lắp đặt hệ thống tụ bù và biến tần để tối ưu hóa hoạt động của các thiết bị điện. Nhờ những biện pháp này, công ty đã tiết kiệm được 5 triệu kWh điện mỗi năm, đồng thời giảm thiểu việc khai thác nước ngầm và thu hồi khoảng 3.500 tấn lân phụ phẩm, tiết kiệm khoảng 10 tỷ đồng chi phí.
Về phía Công ty TNHH Sản phẩm công nghiệp Toshiba Asia nổi bật với việc phát triển các dòng động cơ điện xoay chiều 3 pha thế hệ mới, giúp tối ưu hóa hiệu suất và giảm tiêu hao năng lượng. Nhờ sự kết hợp giữa công nghệ tiên tiến và thiết kế hiện đại, các sản phẩm của Toshiba không chỉ tiết kiệm năng lượng mà còn bền vững, đáp ứng yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn quốc tế.
Nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp thực hiện hiệu quả việc tiết kiệm năng lượng, ngoài quy định pháp lý, ông Trịnh Quốc Vũ đề xuất doanh nghiệp cần được hỗ trợ xây dựng hệ thống quản lý năng lượng tiên tiến. Điều này giúp doanh nghiệp không chỉ giảm tiêu thụ năng lượng mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh, bảo tồn nguồn tài nguyên quốc gia và góp phần giảm phát thải khí nhà kính.
Việc tiết kiệm năng lượng trong sản xuất không chỉ giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất mà còn góp phần quan trọng vào việc bảo vệ môi trường, đảm bảo phát triển bền vững. Với sự hỗ trợ từ chính phủ và các cơ quan quản lý, cùng nỗ lực từ phía doanh nghiệp, tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong ngành sản xuất công nghiệp của Việt Nam sẽ được khai thác triệt để, mang lại lợi ích to lớn cho cả doanh nghiệp và quốc gia.