Trung tâm Phục vụ hành chính công của TP Hà Nội có gì đặc biệt?

(CL&CS) - TP Hà Nội là địa phương đầu tiên trên cả nước hoàn thành Đề án thí điểm và thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Sẽ tối đa hóa phạm vi tiếp nhận thủ tục hành chính tại một địa điểm theo hướng tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính, dịch vụ công không phụ thuộc vào địa giới hành chính. Ảnh minh họa: VGP

Không phụ thuộc vào địa giới hành chính

UBND TP Hà Nội vừa có tờ trình gửi HĐND TP Hà Nội về việc xem xét thông qua Đề án thí điểm và thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công TP Hà Nội. Dự kiến, HĐND TP Hà Nội sẽ thông qua đề án này tại kỳ họp khai mạc ngày 30/9/2024.

Theo đề án, Trung tâm Phục vụ hành chính công TP Hà Nội sẽ vận hành trên cơ sở Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính TP kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia, các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, các hệ thống nền tảng dùng chung. Trung tâm sẽ tiếp nhận thủ tục hành chính không phụ thuộc vào địa giới hành chính; giảm đầu mối bộ phận "một cửa", đổi mới cách thức tiếp nhận thủ tục hành chính.

TP Hà Nội cũng đã triển khai ứng dụng iHanoi trên các nền tảng số để hỗ trợ người dân giải quyết những TTHC đơn giản. Ngoài ra, phần mềm tiện ích này cũng cung cấp những thông tin hữu ích về giao thông, y tế, văn hóa, xã hội. Đặc biệt, người dân có thể tăng cường tương tác với chính quyền thông qua chức năng phản ánh hiện trường.

Trên cơ sở rút kinh nghiệm từ mô hình Trung tâm Hành chính công tỉnh Quảng Ninh, tỉnh Bắc Ninh và mô hình Trung tâm Hành chính công thuộc các sở, ngành của UBND 56 tỉnh, TP trực thuộc trung ương, Trung tâm Phục vụ hành chính công TP Hà Nội được xây dựng là một mô hình cải tiến toàn diện, nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế của các mô hình đã triển khai tại các địa phương trên cả nước.

Với tính độc lập trong tổ chức, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin và quy trình số hóa, mô hình Trung tâm Phục vụ hành chính công TP sẽ góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ công, tăng cường tính chuyên nghiệp, hiệu quả trong giải quyết thủ tục hành chính.

Cụ thể, quá trình tiếp nhận và xử lý hồ sơ xác định được số hóa hoàn toàn, từ khâu tiếp nhận đến trả kết quả, giúp tối ưu hóa thời gian và công sức. Quy trình này được tự động hóa và liên thông giữa các sở, ban, ngành và UBND các cấp, bảo đảm theo dõi, giải quyết thủ tục hành chính nhanh chóng, minh bạch.

Điều này tạo sự khác biệt với quy trình của Trung tâm Hành chính công nhiều tỉnh, thành khác. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và số hóa. Mô hình của Hà Nội nhấn mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin và số hóa toàn bộ quy trình tiếp nhận và giải quyết hồ sơ.

Đồng thời, sẽ tối đa hóa phạm vi tiếp nhận thủ tục hành chính tại một địa điểm theo hướng tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính, dịch vụ công không phụ thuộc vào địa giới hành chính; giảm đầu mối bộ phận một cửa riêng lẻ tại các cơ quan nhà nước, bảo đảm mỗi người dân đều có thể tiếp cận với các dịch vụ công được cung cấp trong bán kính dưới 30 phút di chuyển hoặc trong vòng bán kính không quá 5 km, phục vụ 24/7. Tăng khả năng tiếp cận, tạo thuận tiện cho tổ chức, cá nhân trong tìm hiểu, thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, đặc biệt là người có kỹ năng công nghệ thông tin thấp.

Giảm số lượng bộ phận "một cửa"

UBND TP Hà Nội cho biết, điểm nhấn của mô hình Trung tâm phục vụ hành chính công là sẽ góp phần khắc phục những hạn chế, bất cập của mô hình Bộ phận Một cửa “truyền thống” như: thiếu tính độc lập; chưa có cơ quan chuyên trách cấp TP với đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và công cụ để điều phối, giám sát, kiểm soát việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính công khai, minh bạch; chưa thực sự chú trọng đến cải thiện mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân.

Như vậy, việc thành lập Trung tâm sẽ giảm số lượng bộ phận "một cửa" (giảm từ 673 bộ phận "một cửa" còn 30 chi nhánh); giảm số lượng công chức, viên chức tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận "một cửa" (giảm từ 2.768 nhân sự còn 184 người), giúp tiết kiệm hơn 13,3 tỷ đồng/tháng ngân sách nhà nước trong trả lương, phúc lợi và các chi phí liên quan.

Theo UBND TP Hà Nội, việc thí điểm thành lập Trung tâm sẽ giúp tăng cường hiệu quả công tác kiểm soát thủ tục hành chính, theo dõi, giám sát việc thực hiện thủ tục hành chính, hỗ trợ phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của lãnh đạo UBND TP; bảo đảm đáp ứng các chỉ tiêu chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến được giao.

Toàn bộ các dịch vụ công trực tuyến của TP sẽ được thiết kế, thiết kế lại; tái cấu trúc quy trình, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm các thành phần hồ sơ đã sử dụng dữ liệu dân cư; giảm chi phí, thời gian giải quyết thủ tục hành chính, giảm thủ tục hồ sơ, giảm bước xử lý trong tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính. Nâng cao tính chuyên nghiệp, độc lập trong tiếp nhận, số hóa, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính; bảo đảm linh hoạt trong bố trí cán bộ một cửa phù hợp.

Chuyển cho doanh nghiệp, các tổ chức xã hội đảm nhiệm những nhiệm vụ và dịch vụ hành chính công mà Nhà nước không nhất thiết phải thực hiện. Không làm thay chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính của các sở, ngành, UBND các cấp, cơ quan, đơn vị liên quan; tăng cường mối quan hệ phối hợp ngang, bảo đảm không chồng chéo, trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền.

Trung tâm Phục vụ hành chính công TP Hà Nội sẽ tiếp nhận thủ tục hành chính không phụ thuộc vào địa giới hành chính; giảm đầu mối bộ phận "một cửa". Đồng thời, đổi mới cách thức tiếp nhận thủ tục hành chính, bảo đảm mỗi người dân có thể tiếp cận với các dịch vụ công trong bán kính dưới 30 phút di chuyển hoặc trong vòng bán kính không quá 5km, tiếp nhận và giải quyết 24/7.

TIN LIÊN QUAN