Tổng Giám đốc VPBankS dự báo quá trình nâng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam

(CL&CS) - Thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ trở thành thị trường mới nổi (emerging market - EM) vào tháng 9/2025 theo tiêu chí của FTSE. Điều kiện của MSCI phức tạp và khó khăn hơn nên dự kiến tháng 6/2026, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ hoàn tất quá trình nâng hạng.

Ông Nguyễn Duy Linh, Tổng Giám đốc CTCP Chứng khoán VPBank (VPBankS).

Đó là dự báo của ông Nguyễn Duy Linh, Tổng Giám đốc CTCP Chứng khoán VPBank (VPBankS) về câu chuyện nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới tại Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2023 (Vietnam Investment Forum 2023) với chủ đề "Theo dấu dòng tiền”.

"Những năm qua, thị trường chứng khoán Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu như năm 2018, chúng được đưa vào danh sách xem xét nâng hạng của FTSE. Năm 2020, Việt Nam ban hành Nghị định 155 hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán, trong đó có một điểm quan trọng là thanh toán bù trừ CCP (Đối tác bù trừ trung tâm). Năm 2023, chúng ta vượt qua các yếu tố định lượng của MSCI (9/18 tiêu chí ) và 7/9 tiêu chí của FTSE”, ông Nguyễn Duy Linh nói.

Việc được nâng hạng thị trường hoàn toàn phụ thuộc vào tiến trình giải quyết các vấn đề vướng mắc mà FTSE và MSCI đề cập tới trong việc đánh giá, xem xét nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.

Theo đó, các vấn đề trọng yếu cần được từng bước hoàn thiện bao gồm: Cơ chế giao dịch, giới hạn sở hữu, bình đẳng với nhà đầu tư nước ngoài và sự phát triển của thị trường ngoại hối.  

Trước hết, một trong những điều kiện quan trọng nhất mà cả FTSE hay MSCI đều nhắc đến đối với hạn chế của Việt Nam chính là việc quy định phải có tiền trước khi giao dịch (prefunding).

Theo đó, Việt Nam yêu cầu nhà đầu tư chỉ được đặt lệnh khi có đủ tiền trên tài khoản, trong khi theo tiêu chí và thông lệ quốc tế, chỉ cần nhà đầu tư được công nhận là tổ chức tài chính, việc ký quỹ trước khi giao dịch là không cần thiết và họ chỉ yêu cầu có tiền ở thời điểm nhận cổ phiếu (T+2).

Vấn đề thứ 2, Việt Nam cần đáp ứng liên quan đến yếu tố nhà đầu tư nước ngoài. Cụ thể về tỷ lệ sở hữu, mức độ minh bạch và bình đẳng đối với nhà đầu tư nước ngoài. Trên thực tế, những ngành nghề được nhà đầu tư nước ngoài quan tâm thường có room hạn chế, trong khi đó số lượng doanh nghiệp nới room lên 100% cũng không nhiều do bị hạn chế bởi các luật liên quan và một phần do sự không đồng tình của cổ đông trong việc nới room. Điều này vô hình trung trở thành rào cản để thị trường chứng khoán Việt Nam thỏa mãn tiêu chí nâng hạng thị trường.

Một vấn đề khác là thủ tục đăng ký cấp mới cho nhà đầu tư nước ngoài còn mất nhiều thời gian, trong khi các quy định, văn bản pháp lý về thị trường chứng khoán và công bố thông tin của doanh nghiệp bằng tiếng Anh còn hạn chế và chưa đạt chuẩn quốc tế IFRS về báo cáo tài chính.

Hiện tại, chúng ta nhận thấy rằng Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang rất tích cực trong việc thực hiện cải tổ thị trường, thể hiện thông qua việc đưa hệ thống KRX vào vận hành trong cuối tháng 12/2023 sau một thời gian kiểm thử tại 76 công ty chứng khoán và đang lên kế hoạch nới lỏng các thủ tục thanh toán trên thị trường chứng khoán cho các nhà đầu tư nước ngoài. Theo đó, sẽ cho phép các công ty chứng khoán bảo lãnh cho nhà đầu tư nước ngoài khi thực hiện mua cổ phiếu - động thái được FTSE Russell đánh giá là một bước tiến và có thể giúp loại bỏ rào cản pháp lý đã cản trở quá trình nâng hạng thị trường trong nhiều năm.

Tuy nhiên, việc nâng hạng lên thị trường mới nổi của MSCI sẽ khó khăn hơn do tổ chức này có những yêu cầu khắt khe hơn so với FTSE, trong đó nổi bật liên quan đến tự do trên thị trường ngoại hối. Đây là yếu tố mà Việt Nam chưa đáp ứng được do VND là đồng tiền chưa tự do chuyển đổi bởi các giao dịch thanh toán và chuyển ngoại tệ đến và đi hay trong nước đều có chiệu sự kiểm soát. Khả năng chuyển đổi VND sang đồng tiền khác cũng không phải dễ mà nhiều khi phải thông qua ngoại tệ thứ ba.

Mặt khác, chính quy định các ngân hàng không được phép cấp tín dụng cho người nước ngoài cũng gây cản trở sự tham gia của dòng vốn ngoại và đang là yếu tố khiến quá trình xem xét nâng hạng của MSCI với Việt Nam gặp nhiều rào cản hơn.

Ông Nguyễn Duy Linh nhận định: “Với việc tích cực triển khai các hoạt động liên quan đến cải tổ thị trường, Việt Nam có thể được thông báo nâng hạng sớm nhất vào tháng 9/2024 theo các tiêu chí của FTSE, trước khi chính thức nâng hạng vào tháng 9/2025.

Đối với MSCI, Việt Nam có thể được đưa vào danh sách theo dõi nâng hạng trong kỳ đánh giá thường niên vào tháng 6/2025 khi những yếu tố liên quan đến nhà đầu tư nước ngoài dần được giải quyết và có thể được nâng hạng vào kỳ đánh giá tháng 6/2026”.

Rõ ràng, thị trường sẽ được hưởng lợi từ dòng vốn mới khi Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi. Theo ước tính của ông Nguyễn Duy Linh, khoảng 600 triệu USD có thể chảy vào từ các quỹ thụ động với giả định tỷ trọng của Việt Nam trong chỉ số thị trường mới nổi khoảng 0,7%. Đồng thời, ước tính các quỹ cũng sẽ đầu tư gấp 5 lần khi Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi của FTSE, mang lại cơ hội sinh lời cho các doanh nghiệp niêm yết trên sàn HOSE.

TIN LIÊN QUAN