Thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch, bệnh COVID-19

(CL&CS)- Ngày 14-5, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với Bộ Công thương đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch, bệnh COVID-19. Các Thứ trưởng Bộ NN&PTNT: Lê Quốc Doanh và Trần Thanh Nam chủ trì hội nghị.

Bước vào quý II năm 2021, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường, lan rộng toàn cầu gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh tế, xuất nhập khẩu, lưu thông, vận chuyển hàng hoá, một số ngành, lĩnh vực sản xuất dịch vụ trong đó lĩnh vực nông nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề.

Tuy nhiên, những tháng đầu năm thời tiết thuận lợi khiến cho sản xuất nông, lâm, thủy sản đang dần hồi phục, thị trường tiêu thụ đối với nhiều mặt hàng vẫn được khơi thông với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 17,15 tỷ USD, tăng 24,2% so với cùng kỳ và tăng ở các nhóm ngành hàng chính, nhiều thị trường xuất khẩu trọng điểm.

Hội nghị đã nêu ra 6 khó khăn, nút thắt cần tiếp tục giải quyết, là: Nút thắt về vốn tín dụng; Áp lực chi phí sản xuất, thuế, phí; Hệ thống Logistic kho lạnh phục vụ bảo quản nông sản còn hạn chế; Tình hình giao thương, thông quan hàng hoá nông sản tại các cửa khẩu biên giới chậm; Thiếu hụt nguồn cung về nguyên liệu cho đầu vào sản xuất và cơ chế vận hành kết nối giữa sản xuất, tiêu thụ chưa thông suốt, liên tục.

Trước những khó khăn, thách thức trên, Bộ NN và PTNT kiến nghị các bộ, ngành, các địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp chủ động điều chỉnh sản xuất nông nghiệp, tăng cường chế biến, bảo quản, lưu thông để linh hoạt thích ứng với bối cảnh dịch bệnh. Cộng đồng doanh nghiệp, các nhà máy chế biến tăng cường công suất, tập trung phân khúc hàng khô, sơ chế, sản phẩm cấp đông, thủy sản đồ hộp… chuẩn bị nguồn hàng cung cấp cho thị trường sau dịch bệnh; tăng cường liên kết sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa, tận dụng tốt nguồn lao động tại chỗ giúp nông dân tiêu thụ nông sản phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu…

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN và PTNT Trần Thanh Nam đề nghị trong điều kiện hiện nay, Nhà nước, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ thuế, tín dụng cho khu vực sản xuất, chế biến, bảo quản và xuất khẩu nông, lâm, thủy sản. Ngành Ngân hàng triển khai mạnh mẽ, hiệu quả các gói tín dụng đặc thù để đối phó với dịch COVID-19, trong đó có chính sách hỗ trợ riêng cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân thuộc diện chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Triển khai các giải pháp gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất trong ngành Nông nghiệp. Các bộ, ngành tăng cường phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố biên giới tăng cường các biện pháp hỗ trợ thương mại, tạo thuận lợi thủ tục thông quan, không để xảy ra tình trạng ứ đọng nông sản tại các cửa khẩu; tích cực tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại nông, lâm, thủy sản phát triển, mở rộng thị trường. Đồng thời thúc đẩy toàn diện hoạt động tiêu thụ nông sản trong nước thông qua việc đa dạng hóa các biện pháp phân phối sản phẩm, hàng hóa, kích cầu tiêu dùng nông sản. UBND các tỉnh, thành phố áp dụng nhanh các chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng cơ sở bảo quản lạnh khi nông sản gặp khó khăn trong tiêu thụ; thành lập các trung tâm thu mua nông sản cơ động, kiểm soát tốt việc thu mua để điều hành đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu ngay khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát. Các hiệp hội ngành hàng tăng cường mở rộng các hình thức liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông, lâm, thủy sản góp phần ổn định giá bán và bảo đảm đầu ra cho bà con nông dân.

Trung Kiên

TIN LIÊN QUAN