Thúc đẩy hình thành thị trường dữ liệu, hỗ trợ phát triển sản phẩm dịch vụ dựa trên dữ liệu

(CL&CS) - Báo cáo tại phiên họp của Quốc hội chiều 22/10 về dự án Luật Dữ liệu, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cho biết, việc xây dựng dự án Luật Dữ liệu nhằm tạo sự thống nhất, đồng bộ, sử dụng hiệu quả dữ liệu phục vụ công tác quản lý Nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội; phục vụ phát triển Chính phủ số và cải cách, cắt giảm thủ tục hành chính; phát triển Trung tâm dữ liệu quốc gia.

Theo Bộ trưởng, hiện nay trên cơ sở các quy định pháp luật và khảo sát thực tiễn của Bộ Công an các bộ, ngành, địa phương đã triển khai xây dựng các cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý nhà nước, trong đó có 07 cơ sở dữ liệu quốc gia, gần 100 cơ sở dữ liệu chuyên ngành.Trong các luật đã rà soát, chỉ có một số luật có quy định về trách nhiệm của cơ quan chủ quản cơ sở dữ liệu trong việc xây dựng, thu thập, quản lý, vận hành, kết nối, chia sẻ, khai thác, sử dụng thông tin trong cơ sở dữ liệu.

Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV tại Nhà Quốc hội

Tuy nhiên, tất cả các luật đều không quy định cụ thể, thống nhất về việc xử lý, quản trị dữ liệu (như việc thu thập, số hóa, bảo đảm chất lượng, lưu trữ dữ liệu…); chưa quy định về nền tảng phát triển, ứng dụng công nghệ cao trong xử lý dữ liệu; chưa quy định việc tạo lập cơ sở dữ liệu được tổng hợp từ các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ công tác chỉ đạo điều hành, hoạch định đường lối, chính sách, phát triển kinh tế - xã hội, cải cách thủ tục hành chính, dịch vụ công, bảo đảm lợi ích của tổ chức, cá nhân; chưa quy định sản phẩm, dịch vụ liên quan đến dữ liệu đang phát triển trên thế giới như sàn giao dịch dữ liệu, dịch vụ trung gian dữ liệu, dịch vụ phân tích, tổng hợp dữ liệu…

Trong khi đó, việc thiết lập thị trường dữ liệu, xây dựng và phát triển các sản phẩm, dịch vụ liên quan đến dữ liệu hiện nay lại có vai trò rất quan trọng, nó được xem là yếu tố đột phá để từng bước tạo lập và thúc đẩy mở thị trường dữ liệu, lấy thị trường dữ liệu làm động lực phát triển dữ liệu và kích thích, thúc đẩy chuyển đổi số các ngành, các lĩnh vực, tăng năng lực cạnh tranh, bảo đảm cho tiến trình chuyển đổi số ở nước ta.

Nghị quyết số 175/NQ-CP ngày 30/10/2023 của Chính phủ phê duyệt Đề án Trung tâm dữ liệu quốc gia đã xác định đến quý IV/2025, Trung tâm dữ liệu quốc gia sẽ đi vào hoạt động, là nơi lưu trữ, tổng hợp, phân tích, điều phối dữ liệu, cung cấp hạ tầng cho các bộ, ngành, địa phương. Do vậy, việc xây dựng Luật Dữ liệu là hết sức quan trọng, cần thiết, cấp thiết để bảo đảm bao quát đầy đủ các nội dung, nhiệm vụ mà Chính phủ đã xác định trong công tác chuyển đổi số; tăng cường sử dụng hiệu quả thông tin trong các cơ sở dữ liệu để phục vụ công tác quản lý nhà nước, vừa khai thác, ứng dụng dữ liệu trong phát triển kinh tế - xã hội, vừa thắt chặt quản lý dữ liệu cá nhân và dữ liệu phi cá nhân, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin.

Báo cáo thẩm tra dự án Luật Dữ liệu, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, Ủy ban Quốc phòng và An ninh cơ bản nhất trí sự cần thiết ban hành Luật Dữ liệu với những cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ.

Liên quan đến phí khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia và cơ sở dữ liệu khác do cơ quan nhà nước quản lý, Ủy ban Quốc phòng và An ninh cơ bản nhất trí với quy định của dự thảo Luật, nhằm tạo nguồn tài chính để đầu tư, phục vụ hoạt động xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia và cơ sở dữ liệu khác do cơ quan nhà nước quản lý. Ủy ban cũng đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định cho phép các tổ chức, cá nhân khác được phép khai thác miễn phí trên cơ sở đóng góp, cung cấp dữ liệu cho các cơ sở dữ liệu này, nhằm khuyến khích các chủ thể cung cấp, chia sẻ dữ liệu để tạo nguồn dữ liệu phong phú, đầy đủ.

Về Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia, hiện nay đã có nhiều cơ sở dữ liệu quốc gia, dữ liệu chuyên ngành được xây dựng, khai thác phục vụ công tác quản lý nhà nước. Vì vậy, Ủy ban đề nghị làm rõ sau khi Luật có hiệu lực thi hành, các cơ sở dữ liệu hiện nay phải được xử lý như thế nào để không chồng chéo với quy định của Luật này. Đồng thời, đánh giá tác động về chi ngân sách nhà nước cho hoạt động của Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia; việc đầu tư cho cơ sở hạ tầng, kỹ thuật công nghệ và nhân lực quản lý đáp ứng yêu cầu đặt ra.

Đối với sản phẩm, dịch vụ liên quan đến dữ liệu, thị trường dữ liệu và sàn giao dịch dữ liệu, Ủy ban Quốc phòng và Anh ninh cho rằng, đây là những nội dung đang được điều chỉnh bởi một số luật liên quan như: Luật Giao dịch điện tử, Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin mạng, Luật Viễn thông và đặc biệt là dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số. Do đó, Ủy ban đề nghị cân nhắc, làm rõ mối quan hệ giữa các quy định của dự án Luật này với quy định của các luật hiện hành và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số để phân định phạm vi điều chỉnh bảo đảm phù hợp, tránh chồng chéo...

"Đây là lĩnh vực mới, đặc thù, để có sự quản lý chặt chẽ, bảo đảm an ninh, an toàn thì có thể cân nhắc áp dụng thí điểm về Sàn giao dịch dữ liệu. Do đó, trước mắt không cần thiết quy định quá chi tiết trong luật này mà giao Chính phủ tổ chức triển khai thí điểm và có báo cáo Quốc hội", Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho hay.

TIN LIÊN QUAN