Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội thoại với hơn 50 doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam

(CL&CS) - Ngày 6/3, tại Hội trường Thống Nhất (TPHCM), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi tọa đàm với đại diện các doanh nghiệp, trí thức với chủ đề “Đối thoại 2045”.

Phát biểu khai mạc Đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Doanh nhân, trí thức đóng góp quan trọng cho sự phát triển đất nước. Do đó, đối thoại này nhằm lắng nghe tiếng nói từ giới tinh hoa, từ các trí thức, các doanh nghiệp.

Đại hội XIII đã đặt ra nhiều mục tiêu phát triển của Việt Nam đến năm 2045. Triển khai Nghị quyết Đại hội, Thủ tướng Chính phủ chủ trì toạ đàm "Đối thoại 2045" lần này nhằm biểu dương những đóng góp to lớn của đội ngũ doanh nhân và trí thức với các thành tựu của đất nước qua 35 năm đổi mới. Đồng thời mong muốn tiếp tục lắng nghe các ý kiến để đưa Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển, có thu nhập cao.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Muốn dân giàu, nước mạnh, chúng ta phải chú trọng phát triển quốc kế dân sinh. Muốn vẻ vang, sánh vai với cường quốc năm châu chúng ta phải có những doanh nghiệp lớn mạnh, những thương hiệu có sức cạnh tranh khu vực và toàn cầu, đặc biệt có nguồn nhân lực xuất sắc để đảm đang những công việc lớn của đất nước". 

Đại diện doanh nghiệp đầu tiên phát biểu, ông Võ Quang Huệ - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup phụ trách Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh VinFast chia sẻ, sau khi học ở nước ngoài, ông về làm việc trong nước và khi được giao phụ trách dự án sản xuất ô tô VinFast, ông rất hạnh phúc bởi đây là một trong những dự án có thể coi là dấu mốc của ngành công nghiệp sản xuất ô tô Việt Nam. Từ ngành công nghiệp dẫn đầu này sẽ thúc đẩy công nghiệp phụ trợ của Việt Nam phát triển đột phá, mang lại giá trị lớn cho nền kinh tế.

"VinFast mong muốn sẽ lan tỏa được tinh thần "Mãnh liệt Việt Nam" đến cho cộng đồng. Với sức mạnh của tinh thần Việt Nam, chúng ta sẽ cùng nhau xây dựng một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, tự tin sánh vai với các cường quốc trên thế giới" - ông Huệ nhấn mạnh.

Hiện tại đã có hơn 40.000 ô tô thương hiệu VinFast lăn bánh trên đường phố Việt Nam. Nếu tính từ thời điểm bàn giao chiếc xe thương mại đầu tiên cho khách hàng vào tháng 6/2019, VinFast mới chỉ có vẻn vẹn 20 tháng chính thức tham gia thị trường. Báo chí trong và ngoài nước, cộng đồng gọi việc VinFast đưa vào vận hành nhà máy sản xuất hiện đại bậc nhất khu vực, ra 3 mẫu xe đầu tiên với kiểu dáng đẹp và chất lương đạt tiêu chuẩn quốc tế chỉ sau 21 tháng khởi công và đã đạt doanh số tốt như vậy trong thời gian ngắn là những “kỳ tích”. Nhưng kỳ tích chỉ có thể lập nên khi chúng ta có khát vọng làm những điều lớn lao cho đất nước, có bản lĩnh dám nghĩ dám làm, có tinh thần chiến đấu không lùi bước trước mọi khó khăn, có ý chí quyết tâm mãnh liệt để đi đến cùng con đường của mình.

Đại diện cho doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực tiêu dùng, ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch Công ty Masan, cho biết đang trên đà tìm hướng phát triển doanh nghiệp ngày càng hùng mạnh, góp phần vào công cuộc kiến thiết đất nước.

"Vấn đề then chốt để đẩy mạnh phát triển nền kinh tế là hạ tầng cung ứng và phân phối. Chi phí công đoạn sản xuất đến tiêu dùng chiếm khoảng 30% giá thành. Nếu giảm thiểu chi phí trong lưu thông hàng hóa, sẽ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, DN tiết kiệm được chi phí, hàng hóa lưu thông tốt hơn, doanh nghiệp có năng lực tìm kiếm lợi nhuận tốt hơn" - ông Quang khẳng định.

Trong buổi đối thoại trực tiếp với Thủ tướng, đại diện Thaco, ông Trần Bá Dương đại diện doanh nghiệp chiếm hơn 35% thị phần ô tô nội địa cho hay, hiện nay gánh nặng của doanh nghiệp là rất lớn, vừa chi phí sản xuất, vận hành và cả lương thưởng cho hàng nghìn lao động cùng nhiều chi phí khác nên mỗi doanh nghiệp phải có chiến lược dài hạn cho mình. Cụ thể, Thaco luôn đặt ra tầm nhìn phát triển 10-20 năm.

"Thaco đặt mục tiêu tăng trưởng hằng năm từ 10% đến 20%, Năm 2021, dự kiến sản xuất và tiêu thụ trong nước hơn 110.000 xe; xuất khẩu 2.500 xe và xuất khẩu 30 triệu USD linh kiện phụ tùng; đa dạng hóa hoạt động kinh doanh như đầu tư vào ngành nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa; tập trung phát triển logistics để phục vụ chuỗi cung ứng cho 2 ngành ô tô và nông nghiệp." - Chủ tịch Tập đoàn Thaco nói.

Quan tâm về phát triển lĩnh vực nông nghiệp xanh, sạch cho Việt Nam trong thời gian tới, bà Thái Hương, Chủ tịch TH True Milk tự tin rằng Việt Nam đang phát triển và năm 2045 sẽ là một quốc gia phát triển, văn minh, môi trường được bảo vệ, xã hội an lành. Nền tảng con người phải có trí tuệ với sức khỏe, do đó, phải có ngành nông nghiệp xanh, sạch, hữu cơ, với một thế hệ doanh nhân hướng tới phát triển bền vững, các sản phẩm thực phẩm không gây hại cho sức khỏe con người.

Bên cạnh nhiều chia sẻ cụ thể của từng doanh nghiệp, nhiều đại diện Hiệp hội, ngành nghề cũng đưa ra đóng góp, kiến nghị trực tiếp với Thủ tướng với mong muốn ngày càng cải thiện môi trường kinh doanh Việt Nam bằng thể chế công bằng, minh bạch. Đồng thời các khó khăn, vướng mắc chung cũng được các doanh nghiệp mạnh dạn chia sẻ với mong muốn được sự nắm bắt và hỗ trợ kịp thời từ Chính phủ.

Thực tế, như cam kết của Thủ tướng ngay từ đầu nhiệm kỳ về việc chỉ đạo các bộ, ngành cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp, trong giai đoạn 2016-2020, đã có 3.893 trong tổng số 6.191, tức hơn 63% số điều kiện kinh doanh được cắt giảm. Tương tự, 6.776/9.926, tương đương 68% dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành đã được cắt giảm, đơn giản hóa. Các bộ, ngành đã có phương án xử lý 1.500 mặt hàng có chồng chéo về thẩm quyền. Các việc cắt giảm đó đã giúp tổng chi phí xã hội tiết kiệm hơn 18 triệu ngày công/năm, tương đương khoảng 6.300 tỷ đồng. Và quan trọng hơn cả, điều đó mang lại niềm tin của doanh nghiệp, người dân và xã hội với Chính phủ, với Đảng, Nhà nước ta. 

Được biết, ước tính sơ bộ, tổng doanh thu của các doanh nghiệp tham dự Hội nghị khoảng hơn 26 tỷ USD một năm.

Cuộc đối thoại này đã diễn ra vào thời gian cuối của nhiệm kỳ Chính phủ khóa này. Tuy nhiên tinh thần của người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo là các thành viên Chính phủ làm việc, cống hiến hết mình đến giờ phút cuối cùng trên cương vị và nhiệm vụ được giao, trách nhiệm trong xử lý những công việc thuộc thẩm quyền để đảm bảo tính liên tục trong phục vụ doanh nghiệp, người dân và đất nước. Điều đó tiếp tục khẳng định chỉ đạo xuyên suốt của Thủ tướng ngay từ đầu nhiệm kỳ, đó là phải vượt qua tư duy nhiệm kỳ và lợi ích cục bộ. Chỉ có tính liên tục mới đảm bảo đi đến thành công trong thực hiện các mục tiêu lớn lao 2045 của đất nước.

Đại dịch Covid-19 từ năm 2020 đã cướp đi nhiều cơ hội của doanh nghiệp và người dân trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Thủ tướng động viên doanh nghiệp, người dân rằng “Lửa thử vàng, gian nan thử sức. Khó khăn bằng hai thì chúng ta phải cố gắng bằng ba để vượt qua”. Trong rất nhiều các cuộc họp Chính phủ, Thủ tướng đều chỉ đạo các bộ, ngành phải thấu hiểu sự mất mát của người dân và doanh nghiệp để tiếp tục ban hành các gói hỗ trợ mới kịp thời hơn.

Cách đây gần 5 năm, ngày 29/4/2016, chỉ sau ít ngày nhậm chức Thủ tướng Chính phủ, cũng tại Hội trường Thống Nhất TP.HCM, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc đối thoại với khoảng 300 doanh nghiệp và hàng nghìn doanh nhân, doanh nghiệp khắp cả nước qua các đầu cầu truyền hình trực tuyến.

Đây được coi là “Hội nghị Diên Hồng” đối với doanh nghiệp để người đứng đầu Chính phủ truyền đi thông điệp “Chính phủ mở đường cho đoàn quân tiên phong về kinh tế”. Chỉ sau đó ít ngày, Chính phủ lần đầu tiên ban hành Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp.

Suốt 5 năm qua, Thủ tướng thường xuyên dành thời gian đối thoại với doanh nghiệp, trí thức, không chỉ trong các cuộc đối thoại chính thức mà còn cả các hội nghị xúc tiến đầu tư. Và cho đến nay, phương châm Chính phủ hành động, kiến tạo đã được lan tỏa, đã giảm bớt tình trạng trên nóng, dưới lạnh; hay trên nóng, dưới nóng, giữa lạnh.

TIN LIÊN QUAN