Thị xã cổ có lịch sử hơn 500 năm
Theo Thư tịch cổ (Đại Nam nhất thống chí), Sơn Tây xuất hiện cách đây hơn 500 năm. Năm 1469 (thời vua Lê Thánh Tông), Trấn sở Sơn Tây đóng tại xã La Phẩm, huyện Tiên Phong, Phủ Quảng Oai (nay thuộc xã Tản Hồng, Ba Vì, Hà Nội), thời kỳ đó gọi là Sơn Tây Thừa Tuyên.
Đến thời vua Lê Cảnh Hưng (1740-1786), Trấn sở được dời về xã Mông Phụ, huyện Phú Lộc, Phủ Quảng Oai (nay thuộc xã Đường Lâm, Sơn Tây), năm Minh Mạng thứ 3 (1822), Trấn sở dời về thôn Thuần Nghệ, huyện Minh Nghĩa (nay là nội thành Sơn Tây). Năm 1831, Trấn Sơn Tây đổi thành tỉnh Sơn Tây và trấn lỵ trở thành tỉnh lỵ.
Năm 1942, thực dân Pháp đổi tỉnh lỵ thành thị xã Sơn Tây. Thị xã Sơn Tây là thủ phủ của tỉnh Sơn Tây (bao gồm 6 huyện: Quốc Oai, Quảng Oai, Tùng Thiện, Phúc Thọ, Thạch Thất, Bất Bạt) với diện tích 150 mẫu Bắc Bộ và số dân là 6.116 người.
Tháng 6/1965, thực hiện Quyết định của Chính phủ, thị xã Sơn Tây cùng với các huyện của tỉnh Sơn Tây sát nhập với tỉnh Hà Đông thành tỉnh Hà Tây. Năm 1979, thực hiện Quyết định của Hội đồng Bộ trưởng, thị xã Sơn Tây cùng một số huyện của tỉnh Hà Sơn Bình chuyển về TP. Hà Nội. Tháng 10/1991, thị xã Sơn Tây được tách và chuyển về trực thuộc tỉnh Hà Tây.
Ngày 13/4/2006, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã có Quyết định số 655/QĐ-BXD công nhận thị xã Sơn Tây là đô thị loại III. Đặc biệt, ngày 02/8/2007, Chính phủ đã có Nghị định số 130/NĐ-CP về việc thành lập TP. Sơn Tây trực thuộc tỉnh Hà Tây.
Ngày 01/8/2008, thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, TP. Sơn Tây trở về với thủ đô Hà Nội. Ngày 8/5/2009, Chính phủ đã ban hành nghị quyết chuyển TP. Sơn Tây thành thị xã Sơn Tây thuộc TP. Hà Nội.
Cổng TTĐT thị xã Sơn Tây nêu rõ, thị xã này là cửa ngõ phía Tây của Thủ đô, cách trung tâm Hà Nội 42km về phía Tây Bắc. Thị xã Sơn Tây có nhiều đường giao thông thuỷ, bộ nối với trung tâm thủ đô Hà Nội, các vùng đồng bằng Bắc Bộ, với vùng Tây Bắc rộng lớn của Tổ quốc như: sông Hồng - sông Tích, đường quốc lộ 32, quốc lộ 21A, đường tỉnh lộ 414, 413…
Địa phương có tổng diện tích tự nhiên là 113,46km2, dân số khoảng 240.000 người, được chia làm 15 đơn vị hành chính gồm 9 phường, 6 xã; có 53 cơ quan, doanh nghiệp, bệnh viện, trường học và 30 đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn.
Thị xã này phía Đông giáp huyện Phúc Thọ, phía Tây giáp huyện Ba Vì, phía Nam giáp huyện Thạch Thất, phía Bắc giáp huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc với sông Hồng là ranh giới tự nhiên.
Nơi có "mỏ vàng" văn hóa, lịch sử
Trong suốt chiều dài lịch sử, thị xã Sơn Tây từ lâu giữ vai trò quan trọng trấn thủ phía Tây kinh thành Thăng Long, đồng thời là trung tâm của xứ Đoài. Nhờ đó, thị xã Sơn Tây đã tích luỹ được trầm tích văn hoá, lịch sử giàu có, đa dạng, độc đáo.
Với truyền thống văn hóa được bồi đắp qua nhiều thế hệ, mảnh đất của trung tâm xứ Đoài hiện có 193 di tích, công trình tôn giáo, cơ sở thờ tự tín ngưỡng, di tích lưu niệm cách mạng, kháng chiến và hơn 300 ngôi nhà cổ. Trong đó, đã có 68 di tích được xếp hạng (gồm 15 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 53 di tích xếp hạng cấp tỉnh, thành phố).
Nhiều di tích nổi tiếng mà tên gọi gắn liền với tên đất và con người Sơn Tây như: hồ Đồng Mô, thành cổ Sơn Tây, làng Việt cổ đá ong Đường Lâm, chùa Mía…
Làng cổ Đường Lâm
Di tích kiến trúc - nghệ thuật cấp Quốc gia làng cổ Đường Lâm là một quần thể với 50 di tích có giá trị được xếp hạng, gần 100 ngôi nhà cổ có niên đại trên 100 năm và gần 1.000 ngôi nhà truyền thống nông thôn vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Sau Hội An, phố cổ Hà Nội - những phố cổ nơi đô thị thì Đường Lâm là ngôi làng cổ điển hình hiện còn bảo tồn được khá nguyên vẹn những dấu tích của làng Việt cổ ở vùng Đồng bằng châu thổ sông Hồng.
Ngày nay, đến với làng cổ Đường Lâm, du khách được đắm chìm trong không gian văn hóa làng quê Bắc Bộ với cây đa, giếng nước, sân đình. Người dân làng cổ Đường Lâm vẫn gìn giữ văn hóa truyền thống, nổi tiếng trong số đó là nghề làm tương, chè lam, bánh tẻ hấp dẫn du khách. Đây là lợi thế để làng cổ Đường Lâm trở thành điểm du lịch cộng đồng, du lịch làng nghề đặc sắc gần thủ đô Hà Nội.
Đây còn là mảnh đất địa linh, nhân kiệt, nơi duy nhất "một ấp sinh hai vua": vua Phùng Hưng và Ngô Quyền. Đường Lâm cũng là nơi có Văn Miếu Trấn Sơn Tây - biểu tượng của truyền thống hiếu học, truyền thống tôn sư trọng đạo được thể hiện qua hai tấm bia đá ghi tên 288 vị khoa giáp từ thời nhà Lý đến cuối thời nhà Mạc ở Trấn Sơn Tây xưa.
Thành cổ Sơn Tây
Thành cổ Sơn Tây là một trong bốn vùng đất phên giậu của Thăng Long - Hà Nội, vừa có chức năng che chở, bảo vệ, vừa tạo thế bàn đạp để vươn ra cai quản, nắm giữ các vùng biên cương Tổ quốc. Thành được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 3 (1822) hoàn toàn bằng đá ong, loại vật liệu đặc sắc của xứ Đoài, đáp ứng được yêu cầu bền chắc của một công trình phòng thủ.
Bên cạnh đó còn có Đền Và (Đông cung) - một trong hệ thống tứ cung nổi tiếng của xứ Đoài; đền Măng Sơn (Nam cung điện)... và rất nhiều di tích lịch sử, văn hóa đặc sắc.