Theo Quy hoạch phát triển hệ thống du lịch giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, Đà Lạt được xác định là đô thị trọng điểm phát triển du lịch, gắn với hoạt động kinh tế ban đêm. Đây là định hướng phù hợp với tiềm năng và lợi thế của thành phố, hứa hẹn góp phần thúc đẩy du lịch Đà Lạt phát triển mạnh mẽ và bền vững trong tương lai.
Theo đó, Đà Lạt (Lâm Đồng) nằm trong 11 trung tâm phát triển du lịch gắn với các đô thị có tiềm năng và lợi thế nổi trội, bên cạnh các địa phương còn lại là: Đà Nẵng, Hội An (Quảng Nam), Hạ Long (Quảng Ninh), Ninh Bình (Ninh Bình), Huế (Thừa Thiên-Huế), Quy Nhơn (Bình Định), Nha Trang (Khánh Hòa), Vũng Tàu (Bà Rịa-Vũng Tàu), Cần Thơ, Phú Quốc (Kiên Giang). Những trung tâm du lịch này sẽ tập trung phát triển các sản phẩm dịch vụ, du lịch gắn với định hướng phát triển kinh tế ban đêm.
Lâm Đồng cùng với các tỉnh Tây Nguyên tiếp tục phát triển các sản phẩm du lịch trên cơ sở khai thác thế mạnh cảnh quan thiên nhiên, hệ sinh thái đa dạng và bản sắc văn hóa đặc trưng. Các sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng sẽ được ưu tiên phát triển, bao gồm: du lịch khám phá và trải nghiệm thiên nhiên của vùng đất cao nguyên, du lịch nghỉ dưỡng núi và du lịch sinh thái, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên; du lịch "Con đường xanh Tây Nguyên".
Ngoài ra, các địa phương cũng cần đẩy mạnh việc liên kết khai thác tài nguyên du lịch và tận dụng lợi thế về kết cấu hạ tầng theo các cụm như Đắk Lắk - Đắk Nông, Gia Lai - Kon Tum; Lâm Đồng hoặc liên kết với vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, với nước Lào theo hành lang du lịch Đông-Tây (miền Trung) và với vùng Đông Nam theo hành lang du lịch Bắc-Nam phía Tây.
Lâm Đồng cũng được xác định là một trong tám khu vực động lực du lịch trọng điểm của Việt Nam trong thời gian tới. Nơi đây sẽ được tập trung nguồn lực đầu tư, phát huy tối đa hiệu quả phát triển du lịch, lan tỏa và thúc đẩy lợi ích, giá trị của ngành du lịch địa phương.
Về danh mục địa điểm du lịch tiềm năng, Đan Kia - Suối Vàng được xác định là địa điểm có tiềm năng phát triển du lịch quốc gia theo quy hoạch. Điểm đến này sẽ được đầu tư phát triển hạ tầng đồng bộ, trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Về dự án đầu tư trọng điểm, Khu du lịch quốc gia Tuyền Lâm - Lâm Đồng thuộc nhóm dự án đầu tư phát triển hạ tầng các Khu du lịch quốc gia đã được công nhận. Dự án này sẽ tập trung cải thiện, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, phục vụ du lịch theo chiều sâu, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách.
Đà Lạt - thành phố 130 năm tuổi được mệnh danh là "tiểu Paris của Việt Nam" cũng nằm trong nhóm dự án đầu tư phát triển hạ tầng các trung tâm du lịch gắn với đô thị có tiềm năng và lợi thế. Đây là bước tiến quan trọng, hứa hẹn mang đến diện mạo mới cho thành phố ngàn hoa, thu hút du khách và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.