Trên 30.000 người mắc COVID-19 không có triệu chứng hoặc thể nhẹ tại Bangkok cùng các tỉnh lân cận được đội ngũ y tế hướng dẫn điều trị tại nhà.
Thái Lan điều trị F0 COVID-19 tại nhà như thế nào?
Trong tháng 8, Thái Lan tuyên bố sẽ tăng số trường hợp mắc COVID-19 cách ly và điều trị tại nhà lên 100.000 người khi các cơ sở y tế của nước này có nguy cơ quá tải. Tổng giám đốc Cục Dịch vụ Y tế (DMS) Natthapong Wongwiwat vừa tuyên bố: “Hiện có 60.000 người mắc COVID-19 cách ly tại nhà và chúng tôi dự kiến tăng con số này lên 100.000”.
Ông cho biết người mắc COVID-19 điều trị tại nhà được nhận thuốc men, thực phẩm, thiết bị y tế và số điện thoại tham vấn với các bác sĩ. Trong trường hợp trở nặng thì họ sẽ được chuyển đến bệnh viện dã chiến hoặc bệnh viện. Khi ở nhà, họ thường xuyên được kiểm tra và hướng dẫn từ xa bởi bệnh viện lân cận trong 14 ngày, và được nhận thuốc kháng virus Favipiravir.
Có tổng cộng 5.000 giường bệnh tại các trung tâm cách ly cộng đồng do Tòa thị chính Bangkok điều hành. Bên cạnh đó là 100 trung tâm tương tự do do các nhóm dân sự và tổ chức từ thiện vận hành, được hỗ trợ về thiết bị y tế cũng như dịch vụ dọn dẹp rác thải y tế.
Khoảng 2.000 nhà thuốc đã tham gia vào chương trình cách ly và điều trị người mắc COVID-19 tại nhà, sẽ cung cấp bộ xét nghiệm nhanh kháng nguyên COVID-19, thuốc men và tư vấn cho người mắc COVID-19 không triệu chứng hoặc thể nhẹ cách ly, điều trị tại nhà. Tên và số điện thoại của nhà thuốc được đăng tải công khai để bệnh nhân có thể liên hệ và đề nghị tư vấn hoặc cung cấp thuốc, bộ xét nghiệm…
Dân chúng Bangkok chờ tiêm vaccine COVID-19 ngày 26/7 (Ảnh: Reuters)
Tình hình COVID-19 tại một số nước ASEAN
Theo Bộ Y tế Lào, diễn biến dịch tại nước này đang tiếp tục phức tạp và đáng lo ngại khi số ca lây nhiễm trong cộng đồng đang tăng trở lại trên khắp cả nước. Đáng chú ý, Savannakhet vẫn là tỉnh có nhiều ca mắc trong cộng đồng nhất cả nước với 21 ca, tiếp đến là tỉnh Champasak (13 ca), các ca còn lại ghi nhận rải rác tại các tỉnh khác của nước này.
Trước sự gia tăng của các ca lây nhiễm trong cộng đồng, thủ đô Viêng Chăn và nhiều tỉnh của Lào đã yêu cầu ngừng tổ chức lễ hội Hor Khao Padapdin truyền thống hay còn gọi là lễ “cúng vong” tại các chùa vào ngày 6/9.
Campuchia thông báo đã thực hiện tiêm ít nhất 1 mũi vaccine phòng bệnh cho tổng cộng 11,2 triệu người dân, tương đương 70% dân số. Trong đó, 8,87 triệu người (55% dân số) đã được tiêm đủ 2 mũi và hơn 660.000 người được tiêm mũi thứ 3 hay mũi tăng cường.
Campuchia bắt đầu triển khai tiêm phòng diện rộng từ hồi tháng 2, với mục tiêu tiêm cho gần 12 triệu người (75% dân số) vào cuối năm nay để đạt miễn dịch cộng đồng, sử dụng đa số vaccine của các hãng dược Trung Quốc gồm Sinovac và Sinopharm.
Ngày 5/9, Campuchia ghi nhận 461 ca mắc mới, nâng tổng số ca lên 95.300, trong đó có 1.957 ca tử vong. Malaysia cũng ghi nhận 20.396 ca mắc mới, nâng tổng số ca lên hơn 1,84 triệu ca. Phần lớn các ca mắc mới (20.388 ca) là các ca lây nhiễm trong nước.
Indonesia thông báo ghi nhận thêm 5.403 ca mắc mới trong 1 ngày qua, nâng tổng số ca lên hơn 4,12 triệu. Tổng số ca tử vong cũng tăng lên mức 135.861 ca, thêm 392 ca so với 1 ngày trước đó.
Philippines tiếp tục ghi nhận thêm hơn 20.000 ca mắc mới, nâng tổng số lên hơn 2,08 triệu ca, và một ngày qua ghi nhận thêm 173 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong trên cả nước lên 34.234 ca…
Nhiều nước trong ASEAN cũng thực hiện cho F0 tự điều trị ở nhà.