Đây là ý kiến được Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Hoàng Giang nhấn mạnh như trên tại Họp báo thường kỳ quý I/2024 của Bộ KH&CN tổ chức. Ông Nguyễn Hoàng Giang cho biết, căn cứ chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và kế hoạch công tác của Bộ, trong Quý II/2024, Bộ tập trung hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật về khoa học, công ghệ và đổi mới sáng tạo, cụ thể: Tiếp tục phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, trình Chính phủ xem xét, cho ý kiến trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Tập trung hoàn thiện, trình Chính phủ hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật KH&CN (sửa đổi). Tiếp tục hoàn thiện hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Tại buổi họp báo, bà Nguyễn Thị Ngọc Diệp, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ KH&CN) đã trả lời câu hỏi của báo chí về quy định chấp nhận rủi ro khi sửa đổi Luật KH&CN tới đây. Bà cho biết, việc nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, chính sách vượt trội, cơ chế thử nghiệm chính sách mới, rủi ro đã được thể hiện xuyên suốt trong các chỉ đạo của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội. Đặc thù của hoạt động KH&CN là nghiên cứu tìm những cái mới, chúng ta đặt ra mục tiêu nhưng trong quá trình nghiên cứu, có thể không đi đến kết quả.
Do đó, Luật KH&CN 2013 đã có quy định liên quan đến chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu KH&CN, thể hiện ở Điều 23 về ưu đãi trong việc sử dụng nhân lực, nhân tài KH&CN. Theo đó, người được bổ nhiệm vào chức danh nghiên cứu khoa học, chức danh công nghệ được hưởng ưu đãi được miễn trách nhiệm dân sự trong trường hợp xảy ra thiệt hại, rủi ro gây ra cho Nhà nước trong quá trình thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ do nguyên nhân khách quan, mặc dù đã thực hiện đầy đủ quy trình, quy định về nghiên cứu khoa học.
Tại hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật KH&CN (sửa đổi), Bộ KH&CN dự kiến có 15 nhóm chính sách lớn và đang xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội để tiếp tục hoàn thiện.Trong đó, nội dung về chấp nhận rủi ro được thể hiện ở trong 3 chính sách, liên quan đến tổ chức KH&CN, chương trình nhiệm vụ KH&CN, cá nhân hoạt động KH&CN.
"Nội dung về chấp nhận rủi ro đã được mở rộng hơn so với Luật KH&CN 2013. Bên cạnh đó, nội dung này cũng cần được hoàn thiện đồng bộ với các hệ thống pháp luật có liên quan, chứ không chỉ ở Luật KH&CN", bà Nguyễn Thị Ngọc Diệp phát biểu.
Trước vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang cho biết, một trong những điểm nghẽn của hoạt động KH&CN lâu nay vẫn là cơ chế chấp nhận rủi ro, độ trễ trong nghiên cứu. Do đó, Bộ KH&CN sẽ quyết liệt sửa đổi toàn diện Luật KH&CN 2013 với nhiều điểm mới, đột phá, trở thành hành hành lang pháp lý quan trọng thúc đẩy mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong thời gian tới.
Ngoài ra, tại họp báo cũng đưa ra những ý kiến đóng góp về Dự thảo Luật KH&CN sửa đổi, chính sách thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; thu hút đội ngũ trí thức người Việt Nam ở nước ngoài trong lĩnh vực KH&CN, bảo hộ chỉ dẫn địa lý, tiếp nhận và phê duyệt các đơn đăng ký sở hữu trí tuệ, chính sách liên quan đến AI, định giá tài sản nghiên cứu KH&CN...