Tập đoàn Kido vừa báo cáo lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2018, trong đó chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế giảm mạnh, chỉ đạt 47 tỷ đồng, bằng một phần mười cùng kỳ.
Lợi nhuận ngày càng giảm
Theo giải trình của Kido, lợi nhuận nửa đầu năm thấp chủ yếu do trích chi phí khấu hao lợi thế thương mại từ việc hợp nhất Tổng CTCP Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex). Kido hiện sở hữu 51% Vocarimex. Việc này cũng góp phần khiến lợi nhuận công ty mẹ lỗ gần 54 tỷ đồng trong quý 2/2018.
Tuy nhiên, việc lợi nhuận của Kido giảm và thua lỗ không chỉ mới xuất hiện. Tập đoàn đã có nhiều quý kinh doanh lỗ lã trước đây. Chẳng hạn, quý 1/ 2018, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ Kido lỗ gần 12 tỷ đồng. Trước đó, quý 4/2017, dù đang là mùa cao điểm kinh doanh hàng tiêu dùng, nhưng Kido cũng lỗ hơn 34 tỷ đồng.
Trong năm 2018, Kido đặt mục tiêu đạt 12.000 tỷ đồng doanh thu và 800 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Đáng nói, mức lợi nhuận này còn cao hơn cả mức Kido còn mảng bánh kẹo là 660 tỷ đồng. Nhưng với tình hình kinh doanh hiện tại, liệu Kido có dễ dàng đạt được kết quả kinh doanh khả quan như kế hoạch?
Đặt cược quá lớn vào thị trường dầu ăn có biên lợi nhuận thấp khiến lợi nhuận Kido chưa được như kỳ vọng. |
Thách thức mức lợi nhuận “khủng”
Còn nhớ vào giữa năm 2015, Kido bán đi mảng bánh kẹo - vốn được xem là “nồi cơm” của tập đoàn, đã khiến các cổ đông lo ngại về tương lai sau này của Kido. Lúc đó, lãnh đạo Kido đưa ra cam kết “trong vòng 2 năm Kido sẽ quay lại doanh số 5.000 tỷ đồng, trong vòng 3 năm, Kido sẽ quay lại con số lợi nhuận 600 tỷ đồng”. Nay hạn 3 năm đang đến gần.
Nếu nhìn kỹ vào cơ cấu sở hữu của Kido sẽ thấy, tập đoàn đã lỡ đặt cược quá sức vào ngành dầu ăn, khiến lợi nhuận chưa như ý muốn. Sau khi bỏ hàng ngàn tỷ đồng thâu tóm Vocarimex và Tường An trong năm 2017, Kido đang có tham vọng thâu tóm luôn Công ty Dầu ăn Golden Hope Nhà Bè.
Ngành dầu ăn đang đi vào giai đoạn trưởng thành, thương hiệu không còn nhiều giá trị để cạnh tranh. Cuộc chiến giữa các công ty dầu ăn đang nghiêng về giá nhiều hơn. Nguyên nhân là Việt Nam không chủ động được về nguyên liệu dầu ăn, mà phải nhập đến 90% từ nước ngoài, chủ yếu là Malaysia - một nước nằm trong vùng miễn thuế.
Kể từ ngày 7/5/2017, thuế nhập khẩu dầu ăn về 0%, khiến các doanh nghiệp nước ngoài ồ ạt rót vốn đầu tư và tăng nhập khẩu sản phẩm vào Việt Nam. Áp lực cạnh tranh từ dầu nhập ngoại ngày càng khốc liệt. Do đó, nếu muốn chiếm thị phần của nhau, phải tăng đầu tư cho hoạt động marketing. Hoạt động này tốn rất nhiều tiền nhưng chưa hẳn là bền vững trong dài hạn. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận Kido ngày càng giảm.
Áp lực cạnh tranh và biên lợi nhuận thấp của ngành, buộc Kido phải thâu tóm thêm nhiều doanh nghiệp cùng ngành khác để gia tăng thị phần. Dầu thực vật Cái Lân (Calofic) hiện chiếm lĩnh thị trường dầu ăn miền Bắc và chiếm 40% thị phần toàn ngành. Trong khi đó, tổng thị phần của Kido khoảng 30%, vẫn kém Cái Lân trên thị trường có giá trị hơn 30.000 tỷ đồng này.
Theo ông Đỗ Hòa, Giám đốc Công ty Tinh hoa Quản trị, nếu có thị phần lớn sẽ giúp Kido dễ dàng chi phối được giá bán, qua đó gia tăng lợi nhuận. Tuy nhiên, do không có lợi thế về nguồn nguyên liệu, khi Kido nâng giá bán thì ngay lập tức sẽ có đối thủ mới tham gia vào thị trường. Đối thủ mới chủ yếu đến từ nước ngoài với lợi thế về nguồn nguyên liệu và giá bán thấp. Để dễ chịu hơn về mặt cạnh tranh, Kido phải chấp nhận giá bán thấp, kèm theo là tỷ suất lợi nhuận thấp.
Trong nỗ lực gia tăng lợi nhuận cho tập đoàn, ngoài việc thâu tóm các công ty dầu ăn khác, Kido cũng mở rộng sang nhiều ngành hàng mới. Với mảng kem, Kido đã đặt tủ đông vào cả các nhà thuốc tây hiện đại. Ngoài ra, Kido quyết tham gia vào thị trường thịt chế biến trị giá 9 tỷ USD qua việc liên doanh với Tập đoàn Dabaco. Để đi nhanh hơn, Kido cũng tham vọng hợp tác với nhà đầu tư Thái Lan để phân phối sản phẩm nước uống. Nhưng các sản phẩm mới phần lớn chưa hiện diện trên thị trường. Bởi vậy, mục tiêu lợi nhuận “khủng” năm 2018 của Kido đang khiến nhà đầu tư nghi ngờ.
Dương Nguyễn