Phiên giao dịch ngày 25/12/2015 trở thành một phiên đáng nhớ của giới đầu tư khi một kỷ lục giao dịch của sàn UPCoM được xác lập. Chỉ trong 30 phút sau khi mở cửa,cổ đông Nhà nước là Bộ Công thương đã bán xong toàn bộ hơn 122 triệu cổ phiếu GEX, tương đương 78,74% vốn điều lệ, tổng giá trị hơn 2.100 tỷ đồng. Tại phiên giao dịch này, cổ phiếu GEX chủ yếu được khớp lệnh ở mức giá 17.700 - 17.800 đồng/cổ phiếu. Kết thúc phiên, cổ phiếu GEX đã tăng vọt lên 19.500 đồng/cổ phiếu.
Nhìn lại sự việc đó vào thời điểm này khi mà GEX đã không còn là cái tên ít biết mới thấy, con đường biến mình từ tập đoàn Nhà nước thành tư nhân, con đường thâu tóm hàng loạt doanh nghiệp nhà nước sau khi tư nhân hóa của Gelex là cả một hành trình khiến nhiều người ngỡ ngàng!
Từ một doanh nghiệp nhà nước điển hình
Ngày 24/12/2015, Bộ Công thương có văn bản gửi Ủy ban chứng khoán Nhà nước, HNX và GELEX về việc đăng ký thoái vốn khỏi công ty này, dự kiến thực hiện trong khoảng thời gian từ ngày 25/12/2015 đến ngày 22/1/2016. Ngay ngày hôm sau, 122 triệu cổ phiếu GEX đã được khớp lệnh chỉ trong vòng 30 phút sau khi mở cửa như một sự an bài đã sắp đặt từ trước dù là giao dịch thực hiện bằng khớp lệnh trên thị trường chứng khoán tức ai cũng có thể mua! Phải nói thêm rằng, nếu như thời điểm bây giờ những tổ chức có sẵn "cục tiền" nghìn tỷ để nắm bắt cơ hội là không hiếm nhưng thời điểm 2015 thì hơn 2.000 tỷ chuẩn bị sẵn để nắm bắt cơ hội là điều rất khó. Đó là chưa kể đến, đầu tư một khoản tiền lớn như thế chắc chắn phải trải qua rất nhiều suy tính chứ không thể chỉ vài phút ra quyết định!
Phiên giao dịch đó đánh một dấu hỏi lớn về việc liệu, thoái vốn của GEX-GELEX có minh bạch hay không. Nhưng, thời gian trôi qua và mọi việc rồi cũng trôi qua, những đồn đoán, những câu hỏi...của nhà đầu tư rồi cũng trôi vào quên lãng.
Đến doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh
Công ty cổ phần tập đoàn GELEX (Gelex - mã CK: GEX) tiền thân là Tổng công ty thiết bị kỹ thuật điện, được thành lập từ năm 1990 trên cơ sở tập trung các đơn vị sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nghiên cứu kỹ thuật điện do Bộ Công nghiệp nặng (nay là Bộ Công thương) quản lý.
Ngày 1/12/2010, Công ty chính thức hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần, trong đó, Bộ Công thương là cổ đông Nhà nước sở hữu gần 80% vốn điều lệ. Ngành nghề kinh doanh gồm: Sản xuất công nghiệp thiết bị điện và vật liệu xây dựng; Hạ tầng điện, nước, đầu tư phát triển bất động sản, khu công nghiệp và hệ sinh thái quanh khu công nghiệp…
Đến tháng 12/2015-sau thương vụ 122 triệu cổ phiếu GEX được chuyển giao gây rúng động sàn UpCOM- Bộ Công thương hoàn tất thoái vốn và GEX rơi vào tay tư nhân.
Sở dĩ câu chuyện của GEX được nhắc lại vào thời điểm này là vì, cổ phiếu GEX những ngày gần đây rơi vào trạng thái bị bán tống, bán tháo sau khi thiết lập đỉnh cao mọi thời đại vào hồi đầu năm 2022 này. Nhưng dù đã bị bán tống bán tháo thì cổ phiếu GEX so với giai đoạn năm 2015 khi Bộ Công thương thoái vốn cũng đã tăng khoảng 3,5 lần tính theo giá điều chỉnh. Còn nếu so với mức giá đỉnh cao hồi đầu năm 2022 này với giá Bộ Công thương đem thoái hồi cuối năm 2015 thì giá gấp khoảng 5 lần!
Kể cả khi cổ phiếu đang trải qua "sóng gió", giảm sâu 4 phiên liên tiếp và phiên cuối tuần qua bị giảm sàn thì vốn hóa của GEX hiện tại vẫn đạt ~29.000 tỷ đồng. Nếu đem hơn 78% vốn của Bộ công thương hồi thoái vốn cuối năm 2015 với mức giá khoảng 2.100 tỷ đồng mà so với con số 29.000 tỷ đồng hiện tại thì nhà đầu tư có thể thấy, thị trường chứng khoán đang định giá GEX cao hơn mức khoảng 6 năm trước đến gần 10 lần!
Liên tục thâu tóm các doanh nghiệp Nhà nước khác
Năm 2016, ngay sau khi Bộ công thương thoái 100% vốn thì Gelex đã đi được bước tiến đầu tiên là thành lập Công ty TNHH MTV Năng lượng Gelex. Sang năm 2017, Gelex tiếp tục phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ từ 1.550 tỷ đồng lên 2.320 tỷ đồng cho cổ đông hiện hữu. Năm 2017 cũng là năm công ty mở rộng tiếp hoạt động sản xuất kinh doanh sang lĩnh vực logistics khi M&A Sotrans (mua thành công 51,03% cổ phần Sotrans). Sau đó, Gelex lại phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu 100:15 để tăng vốn lên 2.668 tỷ đồng.
Năm 2018, Gelex tiếp tục mua cổ phần nắm giữ chi phối Nhà máy nước sạch Sông Đà và triển khai phân kỳ 1-giai đoạn 2 của dự án. Công ty cũng khởi công dự án điện mặt trời Ninh Thuận công suất 50MW. Năm 2018, Gelex cũng thực hiện chứng quyền và phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ lên 4.065,6 tỷ đồng.
Năm 2019, Gelex tiếp tục thực hiện chứng quyền và phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ lên 4.882 tỷ đồng.
Năm 2021, Gelex đã có "game" lớn khi tăng vốn gần gấp đôi bằng việc chào bán cổ phiếu tăng vốn điều lệ tỷ lệ 10:6 giá 12.000 đồng/cp và trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 100:9. Vốn điều lệ của công ty nhờ đó tăng vọt từ 4.882 tỷ đồng lên 8.515 tỷ đồng, sánh vai với những doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam về quy mô vốn. Cũng nhờ "game" hấp dẫn này, giá cổ phiếu GEX năm 2021 đã bứt phá mạnh mẽ từ nền giá khoảng 20.000 đồng (tính theo giá đã điều chỉnh) các năm trước đó lên vùng giá 40-45.000 đồng/cổ phiếu.
Tháng 4/2021, Gelex và đơn vị thành viên đã nắm được cổ phần chi phối tại một ông lớn khác: Tổng công ty Viglacera (mã CK: VGC). Viglacera là doanh nghiệp trực thuộc Bộ Xây dựng. "Ông Tổng" này không chỉ nổi tiếng về sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng, thiết bị vệ sinh mà doanh nghiệp này còn được xem là “ông trùm” phát triển hạ tầng khu công nghiệp phía bắc, với việc sở hữu nhiều khu công nghiệp như: Tiên Sơn, Yên Phong (Bắc Ninh); Hải Yên, Đông Mai (Quảng Ninh); Phong Điền (Thừa Thiên - Huế), Tiền Hải (Thái Bình), Phú Hà (Phú Thọ), Đồng Văn IV (Hà Nam)… với tổng diện tích lên tới hàng nghìn hecta. Viglacera cũng có hàng loạt dự án khu đô thị như: Khu đô thị Đặng Xá (Gia Lâm), Dự án số 671 Hoàng Hoa Thám, Dự án Khu nhà ở thấp tầng Đại Mỗ, Tây Mỗ, Nhà OCT2 Xuân Phương...
Ông lớn Viglacera chỉ là cái tên nổi trội trong hoạt động thâu tóm các doanh nghiệp nhà nước của Gelex. Gelex còn nổi danh khi thực hiện hàng loạt hoạt động M&A các doanh nghiệp gốc Nhà nước khác như Công ty Dây và Cáp điện Việt Nam (Cadivi), Công ty Thiết bị điện Việt Nam (Thibidi), Công ty CP Chế tạo điện cơ Hà Nội (HEM), Tổng công ty thiết bị điện Đông Anh (TBD)...
Tiền đâu để Gelex lớn mạnh?
Nguồn tài chính khổng lồ để Gelex vươn mình lớn mạnh và thâu tóm hàng loạt doanh nghiệp nhà nước tên tuổi đến từ đâu là một câu hỏi lớn của nhà đầu tư. Ngoài việc tăng vốn điều lệ thần tốc kể trên, GEX đang có dư nợ rất lớn từ nguồn vốn vay ngân hàng thương mại, phát hành trái phiếu doanh nghiệp với số lượng rất lớn.
Theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021, GELEX đang có dư nợ 40.691 tỷ đồng trên tổng tài sản 61.189 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán cuối năm 2021, ngoài dư nợ vay ngân hàng và các đối tượng khác hàng chục nghìn tỷ đồng cả ngắn và dài hạn thì Gelex hiện vẫn còn ~6.400 tỷ đồng trái phiếu đã phát hành.