Đây là một lưu ý được đưa ra trong Ấn phẩm báo cáo kinh tế vĩ mô thường niên đánh giá kinh tế Việt Nam 2020 vừa được Trường Đại học Kinh tế quốc dân công bố. Ấn phẩm nghiên cứu này mang tựa đề “Ứng phó và vượt qua đại dịch COVID-19 hướng tới phục hồi và phát triển”.
Thách thức lớn nhất là khả năng chống chịu của nền kinh tế
Trong ấn phẩm này, các chuyên gia và các nhà khoa học của NEU nhận định rằng trong bối cảnh diễn biến của đại dịch COVID-19 còn rất khó lường thì mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% đặt ra cho năm 2021 này là một thách thức lớn. “Và thách thức lớn nhất đối với kinh tế Việt Nam năm 2021 là khả năng chống chịu của nền kinh tế nếu làn sóng lây nhiễm dịch bệnh trở lại với sự xuất hiện của biến thể virus mới thì. Sức chịu đựng của nền kinh tế phụ thuộc rất lớn vào dư địa của các chính sách hỗ trợ của Chính phủ”. PGS.TS. Nguyễn Hồng Chương – Hiệu trưởng NEU phát biểu.
Để gia tăng sức chống chịu và sự phục hồi của nền kinh tế, các chính sách và giải pháp kích thích kinh tế mới đang được nghiên cứu. Để có chính sách tốt hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp và người dân, đồng thời chuẩn bị những điều kiện cơ bản để phục hồi và phát triển trong giai đoạn tiếp theo, NEU đã đánh giá các chính sách ứng phó đối với đại dịch COVID-19 của Chính phủ trong năm 2020.
Nghiên cứu này một lần nữa nhấn mạnh ngay khi đại dịch COVID-19 bùng phát Chính phủ Việt Nam đã lường được tác động nặng nề của đai dịch và đã phản ứng nhanh với tốc độ nhanh chóng và quyết liệt đã đưa với chính sách chống dịch và hỗ trợ chưa từng có trong lịch sử. Nhờ đó dịch bệnh được kiểm soát, tác động tiêu cực đến nền kinh tế được giảm thiểu và vẫn đạt được tăng trưởng dương.
Nhưng việc ban hành và thực hiện các chính sách hỗ trợ vẫn chưa thực sự mang lại hiệu quả chưa mong muốn và các chính sách được đưa ra cũng có nhiều ràng buộc.
Đơn cử như chính sách tiền tệ, theo NEU, trong một thập kỷ qua, chính sách tiền tệ của việt Nam đã đạt được những thành quả nhất định, đặc biệt là việc kiểm soát tỷ lệ lạm phát ở mức thấp, ổn định tỷ giá, nâng cao tín nhiệm và giữ được sự ổn định của môi trường kinh tế vĩ mô.
Ứng phó với đại dịch COVID-19 chính sách tiền tệ cũng được ban hành sớm nhất và có tác dụng tức thì.
Nhưng theo PGS.Tô Trung Thành (đại diện nhóm nghiên cứu và là đồng chủ biên của ấn phẩm nghiên cứu này), chính sách tiền tệ cũng có nhiều ràng buộc và còn rất nhiều vấn đề tồn tại, chưa được giải quyết. Số doanh nghiệp tiếp cận được chính sách hỗ trợ cũng hạn chế không đạt được mục tiêu đặt ra.
Tính đến 14/12/2020, các tổ chức tín dụng mới có khoảng 270 nghìn khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 với dư nợ gần 355 nghìn tỷ đồng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ.
Quan ngại rủi ro bong bóng tài sản và nợ xấu
Đáng lưu ý là tăng trưởng cung tiền và tín dụng cao hơn nhiều so với tăng trưởng kinh tế khiến sức ép lạm phát và bong bóng giá tài sản luôn thường trực nên nền kinh tế luôn phải đối mặt với sức ép tiềm ẩn về lạm phát hoặc bong bóng tài sản. Dấu hiện này biểu hiện qua những cơn sốt với giá chứng khoán và bất động sản tăng bất thường trong năm 2020. Tỷ lệ M2/GDP và tín dụng/GDP của Việt Nam đang lần lượt tiệm cận mốc 200% và 150%, vượt xa so với các nước trong khu vực ASEAN-5.
“Đó chính là những tác động không mong muốn của chính sách tiền tệ”, PGS.TS.Phạm Thế Anh đồng chủ biên ấn phẩm này phát biểu.
“Đây cũng chính là những nguyên nhân khiến dư địa chính sách tiền tệ hạn hẹp khi nền kinh tế gặp phải cú sốc cần hỗ trợ”, PGS.TS.Tô Trung Thành phát biểu.
Và đã có nghi vấn về đích đến cuối cùng và hiệu quả của dòng tiền và tín dụng trong nền kinh tế khi mà tăng trưởng cung tiền và tăng trưởng tín dụng năm 2020 không thấp hơn quá nhiều so với năm 2018 và 2019 nhưng tăng trưởng kinh tế chỉ bằng chưa đầy 2/5 so tăng trưởng trung bình của hai năm đó.
Ngoài ra, vai trò của sự mở rộng tiền tệ - tín dụng trong năm 2020 thiên về hỗ trợ đầu tư công và kéo dài sự tồn tại/chống đỡ hơn là thúc đẩy đầu tư tư nhân và tạo ra sự tăng trưởng mới của các doanh nghiệp.
Theo nhóm nghiên cứu của NEU, rất có thể, một phần tăng trưởng tín dụng chỉ để giúp duy trì sự tồn tại của doanh nghiệp, hơn là để tạo ra hàng hóa và dịch vụ mới. Thêm nữa, tăng trưởng tín dụng cao có thể là nhờ việc cơ cấu lại nợ, mua trái phiếu Chính phủ chứ không trực tiếp đi vào sản xuất mà do nhiều cách khác nhau tín dụng đi vào giao dịch tài sản như vàng, chứng khoán, bất động sản, ô tô…
NEU đưa ra phân tích rất đáng chú ý về tác động của chính sách tiền tệ đến giá cả và các thị trường tài sản. Theo NEU, mặc dù giá cả tiêu dùng khá ổn định nhưng bong bóng giá tài sản (bên cạnh nợ xấu) là một rủi ro đáng quan ngại khi chính sách tiền tệ được nới lỏng.
NEU khuyến cáo NHNN cũng cần giám sát chặt chẽ dòng tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro, phi sản xuất để đảm bảo cơ cấu tín dụng lành mạnh và an toàn hệ thống trong tương lai.
Một điểm cần lưu ý nữa là xử lý nợ xấu, mặc dù đã đạt được một số kết quả ban đầu nhưng còn nhiều khó khăn liên quan đến việc thu hồi nợ. Khi thời hạn cơ cấu lại nợ hết hiệu lực, rất có thể nhiều khoản nợ xấu sẽ bộc lộ. NEU khuyến cáo.