Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Ninh Thuận: Chú trọng thực hiện tốt công tác đảm bảo an toàn bức xạ, hạt nhân

(CL&CS) - Thời gian qua, công tác đảm bảo an toàn bức xạ, hạt nhân được chú trọng thực hiện nhằm góp phần bảo vệ sức khỏe con người và môi trường, phát huy hiệu quả trong các nghiên cứu, ứng dụng vào thực tiễn đời sống cũng như phát triển kinh tế - xã hội.

Theo đánh giá của Sở KH&CN, trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận có thể chịu ảnh hưởng từ các hoạt động vận chuyển nguồn phóng xạ, như: Vận chuyển nguồn phóng xạ khi nhập khẩu nguồn mới, sắt thép phế liệu và các hàng hóa nhiễm bẩn phóng xạ từ các cảng biển, các cảng hàng không quốc tế như sân bay Cam Ranh đến Ninh Thuận. 

Hình minh họa

Vận chuyển nguồn phóng xạ, hàng hóa và sắt thép bị nhiễm phóng xạ từ cảng Cái Mép, Cát Lái, Ba Ngòi đi theo Quốc lộ 1 qua Ninh Thuận để đến các tỉnh, thành phố khác trên toàn quốc.

Vận chuyển dược chất phóng xạ từ Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt qua Ninh Thuận đến các bệnh viện trên toàn quốc. Ngoài ra, hoạt động chụp ảnh phóng xạ do các cơ sở từ địa phương khác mang nguồn đến địa bàn tỉnh như sử dụng nguồn phóng xạ để kiểm tra chất lượng mối hàn, kiểm tra kết cấu bê tông (chụp ảnh phóng xạ) tại đập thủy điện Tân Mỹ trong thời gian trước đây có thể xảy ra nguy cơ tai nạn trên đường vận chuyển, rơi đổ nguồn phóng xạ hoặc mất nguồn phóng xạ. Hiện nay, các trạm kiểm soát trên Quốc lộ 1 đoạn qua địa bàn tỉnh không có thiết bị phát hiện chất phóng xạ, chưa được đào tạo kiến thức cơ bản về an toàn bức xạ.

Đối tượng xấu có thể vận chuyển nguồn phóng xạ bằng cách che giấu trong sắt thép, thiết bị và các hàng hóa khác. Từ đó, nguồn phóng xạ và hàng hóa nhiễm phóng xạ có thể được trung chuyển tới các tỉnh lân cận. Từ phân tích trên, áp dụng Thông tư số 25/2014/TT-BKHCN của Bộ KH&CN quy định việc chuẩn bị ứng phó và ứng phó bức xạ và hạt nhân, tỉnh Ninh Thuận hiện tại có nhóm nguy cơ IV.

Đồng chí Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Ninh Thuận, cho biết: Với vai trò là cơ quan Thường trực Ban Chỉ huy ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân tỉnh, thời gian qua Sở KH&CN đã phối hợp chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch chuẩn bị và ứng phó sự cố cấp cơ sở; kịp thời hỗ trợ trong trường hợp sự cố xảy ra vượt quá khả năng ứng phó của cơ sở.

Triển khai tổ chức đào tạo, tập huấn, thực tập, luyện tập, diễn tập chuyên đề về ứng phó sự cố bức xạ định kỳ theo kế hoạch được UBND tỉnh phê duyệt. Tổ chức và phối hợp thực hiện đánh giá và kiểm soát bức xạ trên địa bàn tỉnh. Phổ biến kiến thức an toàn bức xạ, chuẩn bị và ứng phó sự cố cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh. Lập kế hoạch xem xét các kịch bản ứng phó sự cố cũ và xây dựng, bổ sung các kịch bản phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh.

Kết quả nổi bật là ngày 15/12/2023 Sở KH&CN đã tham mưu tổ chức diễn tập ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân với kịch bản: “Phát hiện nguồn phóng xạ vô chủ tại một cơ sở phế liệu trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận”.

Qua đó, đã tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm về công tác bảo đảm an toàn bức xạ và an ninh nguồn phóng xạ của các cơ quan quản lý, các cơ sở tiến hành công việc bức xạ; góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy và tổ chức thực hiện giữa các lực lượng trong công tác ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân trên địa bàn tỉnh.

Kết quả, với sự nỗ lực, phối hợp chặc chẽ, tích cực, đồng bộ của các cơ quan, đơn vị chức năng thuộc Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, ngày 7/1/2024 thiết bị bị thất lạc tại xã Lợi Hải (Thuận Bắc) đã được tìm thấy trong tình trạng còn nguồn phóng xạ Ir-192 còn nguyên vẹn và được thu hồi và bàn giao cho Công ty THT lưu giữ theo quy định.

Để bảo đảm an toàn bức xạ, hạt nhân, trong thời gian tới Sở KH&CN tiếp tục phối hợp tổ chức kiểm tra, thanh tra tại các cơ sở sử dụng thiết bị bức xạ nhằm phát hiện các trường hợp sai phạm và có biện pháp can thiệp kịp thời; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật đến các cơ sở có hoạt động bức xạ để các cơ sở hiểu và thực hiện tốt trong quá trình hoạt động; thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho nhân viên, kỹ thuật viên trong lĩnh vực bức xạ.

Những hoạt động này sẽ góp phần duy trì việc đảm bảo an toàn bức xạ và hạt nhân trên địa bàn tỉnh, giúp hoạt động ứng dụng năng lượng nguyên tử tại tỉnh phát huy hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực, hạn chế tối đa nguy cơ đối với sức khỏe của con người và môi trường.

TIN LIÊN QUAN