Sở Công Thương Hà Nội: Triển khai công tác bảo đảm ATTP trong năm 2021

(CL&CS)- Sở Công Thương đẩy mạnh và đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về ATTP trong lĩnh vực Công Thương

Thực hiện Kế hoạch số 251/KH-UBND ngày 30/12/2020 của UBND Thành phố về công tác An toàn thực phẩm thành phố Hà Nội năm 2021, Sở Công Thương Hà Nội đã ban hành kế hoạch công tác bảo đảm An toàn thực phẩm (ATTP) lĩnh vực Công Thương năm 2021, kế hoạch triển khai công tác bảo đảm ATTP các dịp cao điểm, triển khai công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn Thành phố.

Sở Công Thương đẩy mạnh và đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về ATTP trong lĩnh vực Công Thương; hướng dẫn sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn; điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị dụng cụ sơ chế, chế biến thực phẩm; vệ sinh cá nhân trong việc phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm; các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, từng bước tạo chuyển biến trong nhận thức của người sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng trong công tác bảo đảm ATTP, phòng ngừa, ngăn chặn sản phẩm không bảo đảm chất lượng lưu thông trên thị trường.

Sở Công Thương Hà Nội trriển khai công tác bảo đảm ATTP trong năm 2021 (Ảnh minh họa)

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Sở Công Thương Hà Nội đã xây dựng và triển khai các phương án về đảm bảo nguồn cung, điều phối lương thực, thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu phục vụ đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân phòng chống dịch Covid-19 phù hợp với các diễn biến tình hình dịch. Bên cạnh đó, công tác giao thương, kết nối cũng được đẩy mạnh nhằm tạo nguồn cung sản phẩm an toàn phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô: Triển khai điểm bán trái cây, nông sản mùa vụ, sản phẩm an toàn của 04 tỉnh Sơn La, Bắc Giang, Bắc Kạn, Lai Châu tại các quận nội thành của Hà Nội; hỗ trợ kết nối, tiêu thụ sản phẩm nông sản, mùa vụ của 22 tỉnh, thành phố thông qua các kênh phân phối hiện đại của Thành phố (TTTM, siêu thị, chuỗi…), các sàn TMĐT (Lazada, Amazon, Shopee, Sen đỏ, Tiki)… trên địa bàn; kết nối các doanh nghiệp sản xuất với các doanh nghiệp chế biến lớn trên cả nước; kết nối thông qua hoạt động của các tổ chức đoàn thể (thanh niên, phụ nữ); kết nối đưa vào tiêu thụ tại kênh phân phối của nước ngoài: AEON, LOTTE, MM Market…, kết quả kênh phân phối, siêu thị, chuỗi thực phẩm Hà Nội hỗ trợ kết nối tiêu thụ lượng hàng từ các tỉnh, thành phố gần 200.000 tấn, nhiều sản phẩm OCOP của các tỉnh, Thành phố đã được kết nối đưa vào 35 điểm giới thiệu bán sản phẩm OCOP của Thành phố Hà Nội.

Triển khai thực hiện đề án “Tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh trái cây trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2020-2025”. Qua rà soát, trên địa bàn Thành phố có 1.872 cửa hàng kinh doanh trái cây thuộc đối tượng của đề án. Sở Công Thương phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã hướng dẫn các cửa hàng kinh doanh trái cây hoàn thiện các điều kiện theo quy định tại Đề án để được cấp biển nhận diện, đến nay đã cấp biển nhận diện cho 246 cửa hàng đáp ứng yêu cầu của đề án. Ngoài ra, nhằm từng bước quản lý công tác bảo đảm ATTP tại chợ, Sở Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng Đề án “Quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025”, hiện đang chờ UBND Thành phố phê duyệt để tổ chức thực hiện.

Bên cạnh việc đảm bảo ATTP của ngành Công Thương Hà Nội, Sở Công Thương đã hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố về việc triển khai ứng dụng phần mềm hỗ trợ thủ tục và tự công bố sản phẩm thực phẩm thuộc lĩnh vực sản xuất. Trước đây, việc các doanh nghiệp, đơn vị thực hiện tự công bố sản phẩm phải gửi hồ sơ tới Sở Công Thương. Sau đó, theo trình tự, Sở Công Thương sẽ đăng kết quả lên website. Nhưng gần đây, trong điều kiện đại dịch cách ly xã hội, để hạn chế tối đa các thủ tục và hạn chế đi lại cho người dân và tăng cường ứng dụng công nghệ, Sở Công Thương đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và thí nghiệm việc doanh nghiệp tạo tài khoản và nộp hồ sơ trực tiếp trên website, sau đó gửi các bản chứng thực tới Sở. Việc này giúp tăng tính chính xác và việc truy cập thông tin được dễ dàng.

Ngoài ra Sở Công Thương đã cấp 177 giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP theo thẩm quyền quản lý cho lĩnh vực sản xuất và lĩnh vực kinh doanh và tiếp nhận 6.003 bản tự công bố sản phẩm (trong đó 400 sản phẩm của các cơ sở sản xuất và 5.603 sản phẩm nhập khẩu của các doanh nghiệp kinh doanh). Tổ chức  hướng dẫn các cơ sở kinh doanh thực phẩm trên địa bàn thực hiện  nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm vừa đảm bảo quy định về an toàn thực phẩm theo quy định hiện hành, vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn.

Trong thời gian không thực hiện giãn cách xã hội, Sở Công Thương và UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, lưu thông sản phẩm thực phẩm và chủ động thực hiện biện pháp phòng, chống dịch Covid-19; triển khai các hoạt động kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn, trong đó tập trung ưu tiên các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh kẹo, chợ đầu mối...

Sở Công Thương và UBND các quận, huyện, thị xã xử lý nghiêm các hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm và công khai tên cơ sở, địa chỉ, sản phẩm vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng; trong quá trình triển khai phải tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 phù hợp với tình hình thực tế.

TIN LIÊN QUAN