SHB trình phương án gia nhập "câu lạc bộ" nhà băng có lợi nhuận chục nghìn tỷ đồng

(CL&CS) - SHB sẽ trình cổ đông thông qua kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2022 tối thiểu 11.686 tỷ đồng, tăng 87% so với thực hiện năm 2021. Nếu hoàn thành kế hoạch này, đây sẽ là lần đầu tiên SHB gia nhập "câu lạc bộ" nhà băng có lợi nhuận chục nghìn tỷ đồng.

Ông Đỗ Quang Vinh - con trai cả của Chủ tịch Đỗ Quang Hiển, cũng nằm trong danh sách nhân sự bầu thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2022-2027 của ngân hàng này.

Con trai bầu Hiển tham gia vào HĐQT nhiệm kỳ mới

Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (HNX: SHB) vừa bổ sung tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2022, dự kiến diễn ra ngày 20/4 tới đây. Trong đó, SHB đã bổ sung tờ trình về việc cơ cấu, số lượng nhân sự và bầu thành viên HĐQT, Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2022-2027.

Trong nhiệm kỳ tới, HĐQT SHB dự kiến vẫn bao gồm 7 thành viên (trong đó có 1 thành viên HĐQT độc lập). Đáng chú ý, ngoài những nhân sự từ nhiệm kỳ trước gồm ông Đỗ Quang Hiển, Võ Đức Tiến, Nguyễn Văn Lê, Thái Quốc Minh, danh sách nhân sự dự kiến bầu thành viên HĐQT nhiệm kỳ mới của SHB đã bổ sung thêm 3 thành viên mới là ông Đỗ Quang Vinh, bà Nguyễn Thị Mai Sương và ông Đỗ Văn Sinh.

Trong đó, ông Đỗ Quang Vinh - Phó Tổng Giám đốc SHB - con trai cả của Chủ tịch Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển), cũng nằm trong danh sách nhân sự bầu thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2022-2027 của ngân hàng này.

Theo SHB, ông Vinh sinh năm 1989, có bằng Thạc sĩ Tài chính - Quản trị và là người có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Tại SHB, ông Vinh hiện giữ các chức vụ quản lý cấp cao như Phó Tổng Giám đốc, Giám đốc Khối ngân hàng số, Phó Giám đốc Khối ngân hàng bán lẻ.

Bên cạnh đó, ông Vinh còn là Phó Chủ tịch thường trực HĐTV Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội. Ông cũng đang là Giám đốc Đầu tư tài chính quốc tế tại CTCP Tập đoàn T&T.

Về 2 nhân sự mới còn lại, bà Nguyễn Thị Mai Sương sinh năm 1961, có trình độ Thạc sĩ Tài chính - Ngân hàng và có gần 40 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Bà từng đảm nhiệm nhiều chức vụ Giám đốc NHNN Chi nhánh TP Hà Nội.

Ông Đỗ Văn Sinh sinh năm 1961, là Tiến sĩ kinh tế với 37 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính. Ông Sinh từng đảm nhiệm các chức vụ quản lý, điều hành cấp cao như trưởng ban Kế hoạch tài chính/Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Ông được bầu làm Đại biểu Quốc hội Khóa XIV nhiệm kỳ 2016-2021 và giữ chức vụ Ủy ban Thường trực - Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XIV (7/2016-7/2021).

Trong nhiệm kỳ mới, ông Đỗ Quang Hiển (Chủ tịch HĐQT SHB hiện nay) sẽ phải đưa ra quyết định chọn "ghế" chủ tịch tại SHB hay Tập đoàn T&T và các công ty khác.

Vì theo Luật các Tổ chức tín dụng sửa đổi năm 2017, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc (Giám đốc) của tổ chức tín dụng không được đồng thời là Chủ tịch HĐQT, thành viên HĐQT, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó tổng giám đốc (Phó giám đốc) hoặc các chức danh tương đương của doanh nghiệp khác.  

Do đó, sang nhiệm kỳ mới, vị doanh nhân này  sẽ chỉ được lựa chọn một trong hai vị trí chủ tịch tại Ngân hàng SHB hoặc Tập đoàn T&T.

Mục tiêu gia nhập “câu lạc bộ” chục nghìn tỷ đồng

Ngoài việc bầu nhân sự cấp cao, tại Đại hội năm nay, SHB sẽ trình cổ đông thông qua kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2022 tối thiểu 11.686 tỷ đồng, tăng 87% so với thực hiện năm 2021. Nếu hoàn thành kế hoạch này, đây sẽ là lần đầu tiên SHB gia nhập "câu lạc bộ" nhà băng có lợi nhuận chục nghìn tỷ đồng.

Mục tiêu này được đặt ra dựa trên tăng trưởng tổng tài sản của ngân hàng dự kiến ở mức trên 12%, đạt 569.610 tỷ đồng vào cuối năm và vốn điều lệ tăng 37%, đạt 36.459 tỷ đồng.

Nguồn vốn huy động và tổng dư nợ tín dụng dự kiến tăng lần lượt 10% và trên 14%, đạt 504.539 tỷ và 421.715 tỷ đồng vào cuối năm nay. Trong đó, dư nợ tín dụng sẽ được điều chỉnh tăng theo giới hạn NHNN giao.

Với số vốn điều lệ tăng thêm (9.334 tỷ đồng) và dư vốn cổ phần dự kiến tăng thêm (1.333 tỷ đồng) từ đợt tăng vốn điều lệ lần này là 10.667 tỷ đồng, ngân hàng sẽ dùng để đầu tư nâng cao năng lực và bổ sung vốn kinh doanh cho SHB trên nguyên tắc an toàn hiệu quả.

Phần lớn số vốn còn lại sẽ được dùng bổ sung cho các hoạt động kinh doanh của SHB bao gồm các hoạt động cho vay, đầu tư, cấp tín dụng,…

SHB xác định đẩy mạnh chuyển đổi số và công nghệ thông tin là điều kiện tiên quyết phải thực hiện trong năm 2022. Ngoài ra, ngân hàng này cũng muốn quản trị chi phí hoạt động quản lý và các tỷ lệ chi phí theo đúng kế hoạch, đưa tỷ lệ chi phí hoạt động trên tổng thu nhập thuần (CIR) xuống dưới 25%, là một trong những ngân hàng thương mại cổ phẩn tư nhân kiểm soát chi phí tốt nhất.

Bên cạnh đó, SHB dự kiến chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 15% và chào bán hơn 533,3 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 12.500 đồng/cp để tăng vốn điều lệ lên hơn 36.000 tỷ đồng trong năm 2022.

TIN LIÊN QUAN