Sân vận động tiền tỷ với sức chứa gần 2.000 khán giả tại tỉnh miền núi Tây Bắc sắp hoàn thành

Dự kiến, đến tháng 7/2024, công trình sẽ hoàn thành (vượt tiến độ khoảng 3 tháng).

Sân vận động Yên Bình (tỉnh Yên Bái) được khởi công xây dựng vào cuối tháng 10/2023 trên tổng diện tích mặt bằng khoảng 2,8ha với tổng mức đầu tư 30 tỷ đồng. Nơi đây khi đưa vào sử dụng sẽ có sức chứa gần 2.000 khán giả.

Tại công trình có nhiều hạng mục như: Sân bóng diện tích 5.500m2, trong đó, khán đài A được xây nhà cấp III, 2 tầng có mái che, diện tích xây dựng 1.100m2, có sức chứa khoảng 1.300 khán giả. Khán đài B được xây nhà cấp III, 2 tầng, diện tích xây dựng 600m2, có sức chứa khoảng 600 khán giả; đường chạy, các khu luyện tập, cổng hàng rào, hệ thống kè, hệ thống đường nội bộ, trồng cỏ mặt sân, mua sắm, lắp đặt thiết bị phòng cháy, chữa cháy; ghế ngồi khán đài...

Hiện trạng sân vận động Yên Bình

Nhà thầu thi công là CTCP Xây dựng Hoàng Trung cùng các đơn vị liên quan.

Theo đơn vị thi công, đến hiện tại, sân vận động huyện Yên Bình đã hoàn thành được khoảng 90% tiến độ công việc và các hạng mục. Dự kiến, đến tháng 7/2024, công trình sẽ hoàn thành (vượt tiến độ khoảng 3 tháng).

Khi hoàn thiện và đưa vào sử dụng, công trình này sẽ góp phần nâng cao hạ tầng kỹ thuật đô thị, hoàn thiện tiêu chí đạt huyện nông thôn mới của Yên Bình.

Hiện nay, sân vận động trung tâm của huyện Yên Bình được xây dựng khang trang trên diện tích rộng. Các hạng mục như phòng cháy, đèn điện chiếu sáng đã được hoàn thiện cơ bản. Hiện chỉ còn phần trung tâm là sân bóng cùng một số hạng mục nhỏ đang chờ thi công.

Sân vận động Yên Bình sau khi hoàn thành sẽ là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, xã hội của huyện Yên Bình. Qua nhiều tháng thi công, đến nay, hình hài của sân vận động tiền tỉ này đã từng bước lộ diện.

Theo lãnh đạo UBND huyện Yên Bình, sân vận động trung tâm huyện được đẩy nhanh tiến độ trước thời hạn mang ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Công trình này ngoài việc giúp thiết chế văn hóa, thể thao của địa phương thêm đồng bộ, hoàn chỉnh, còn giúp tăng thêm giá trị, ý nghĩa về một công trình văn hóa thể dục thể thao trọng điểm. Từ đó, dự án sẽ thúc đẩy phong trào tập luyện thể dục - thể thao, nâng cao đời sống trong quần chúng nhân dân trong huyện ngày một phát triển lớn mạnh.

Yên Bái nằm trong vị trí bản lề giữa vùng Tây Bắc và Đông Bắc nên được coi là cửa ngõ của vùng Tây Bắc. Đồng thời, Yên Bái còn là điểm tiếp nối với vùng Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ có huyết mạch giao thông đường thủy, đường sắt, đường bộ với Vân Nam (Trung Quốc). Với hệ thống giao thông khá thoáng đãng là thuận lợi, tạo điều kiện và cơ hội để tỉnh nâng cao mức độ hội nhập, giao lưu kinh tế – thương mại, phát triển văn hóa.