Điểm đặc biệt đầu tiên là Kỳ họp thứ Năm được chia làm 2 đợt, họp tập trung tại Nhà Quốc hội. Đợt 1 từ ngày 22.5 đến ngày 10.6; đợt 2 từ ngày 19.6 đến ngày 24.6. Một tuần “nghỉ họp” giữa 2 đợt này là để các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan liên quan xây dựng báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội và chỉnh lý, hoàn thiện các dự thảo luật, nghị quyết trình Quốc hội thông qua vào cuối Kỳ họp.
Thay đổi mang tính kỹ thuật này mang đến nhiều lợi ích. Một mặt giúp “giảm tải” thời gian cho các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan liên quan trong việc hoàn thiện các văn bản trình Quốc hội. Khi Quốc hội họp liên tục, các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan liên quan phải làm ngày làm đêm và tất nhiên là làm việc cả thứ Bảy, Chủ nhật để kịp thời tiếp thu ý kiến đại biểu và chỉnh sửa các văn bản. Chuyện các cơ quan của Văn phòng Quốc hội sáng đèn đến khuya trong Kỳ họp; hay chuyện nửa đêm chuyên viên của Vụ bấm chuông nhà lãnh đạo Ủy ban để trình duyệt, trình ký văn bản không có gì lạ. Bởi có như vậy mới kịp đặt tài liệu lên bàn làm việc của lãnh đạo Quốc hội và các đại biểu vào sáng sớm hôm sau.
Áp lực thời gian có lẽ ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng công việc. Vì thế, một tuần Quốc hội nghỉ giữa Kỳ họp thứ Năm chắc chắn sẽ giúp các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan liên quan làm tốt hơn nữa việc xây dựng báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu và chỉnh lý, hoàn thiện các dự thảo luật, nghị quyết trình Quốc hội. Dư địa thời gian đó càng đặc biệt có ý nghĩa với những dự luật, nghị quyết có nhiều nội dung quan trọng, phức tạp, tác động sâu rộng đến đời sống, xã hội và được các đại biểu Quốc hội quan tâm, tham gia góp nhiều ý kiến.
Cũng tại Kỳ họp này, lần đầu tiên Quốc hội thảo luận tại hội trường về Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ Tư. Gần 2.600 ý kiến, kiến nghị không chỉ là tâm tư, nguyện vọng hay nỗi bức xúc của cử tri mà còn là niềm tin cử tri gửi gắm tới cơ quan đại diện cho mình. Vì thế, phiên thảo luận tại hội trường (và được truyền hình trực tiếp), trước hết, có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc củng cố niềm tin của cử tri với Quốc hội.
Bên cạnh đó, 99,8% kiến nghị đã được giải quyết, trả lời là một tỷ lệ rất đẹp nếu xét trên bình diện số lượng. Vậy nhưng chất lượng giải quyết, trả lời của Chính phủ, các bộ, ngành đã làm cử tri thực sự hài lòng chưa? Chuyển biến của những vấn đề người dân kiến nghị diễn ra nhanh hay chậm? Những kiến nghị nào chưa được các cơ quan chức năng trả lời, giải quyết thỏa đáng và trách nhiệm thuộc về ai? Giải pháp nào nâng cao chất lượng công tác giải quyết kiến nghị của cử tri?... Phiên thảo luận trên hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri sẽ làm rõ những vấn đề mang tính chiều sâu và căn cốt như vậy.
Đổi mới là một chặng đường dài và nhiều thách thức! Mặc dù vậy, những đổi mới từ đầu nhiệm kỳ đến nay và ở ngay Kỳ họp thứ Năm này càng củng cố niềm tin rằng Quốc hội Khóa XV đã, đang và sẽ bước tiếp trên hành trình này, liên tục đổi mới để Quốc hội trở nên gần dân, hiệu quả hơn và phục vụ lợi ích người dân tốt hơn.