Tính từ lần tăng giá đầu tiên hồi cuối năm 2020 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm (cám) trong nước đã tăng trung bình từ 5-6 đợt, với tổng mức tăng chung là 10% - 15% (tương đương 1.000 - 1.500 đồng/kg, tùy từng loại). Tuy nhiên, theo dự báo của Cục Chăn nuôi, giá các loại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi chính chưa có chiều hướng giảm ngay trong quý II, dự kiến sẽ giảm dần và ổn định từ đầu quý 3 (tháng 7).
Theo đó, giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm sẽ còn tăng, tối thiểu thêm 5-10% (500-1.000 đồng/kg) tùy loại để đạt mức tăng chung là 20% thì mới có thể dừng lại.
Giá cám tăng, nông dân “treo” chuồng
Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, chia sẻ thời gian qua ngành chăn nuôi gặp nhiều khó khăn do thị trường tiêu thụ bị ảnh hưởng lớn bởi dịch Covid-19. Trong khi đó, giá cám và nhiều loại nguyên liệu đầu vào khác tăng cao khiến giá thành chăn nuôi bị đội lên nhiều.
"Chăn nuôi hiện đang lệ thuộc rất nhiều vào giá thức ăn vì khoảng 75% nguyên liệu thức ăn phải nhập khẩu. Đây là một bất lợi lớn cho ngành chăn nuôi trong nước bởi giá thức ăn chăn nuôi ảnh hưởng đến gần phân nửa giá thành sản xuất”, ông Công đánh giá.
Theo ông Công, hiện nhiều hộ chăn nuôi heo, gia cầm… trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đang tính chuyện “treo” chuồng, không tái đàn vì có nuôi thì nguy cơ “từ hòa tới lỗ” trong bối cảnh giá cám tăng từng ngày.
“Mỗi năm, ngành nông nghiệp chỉ cung cấp được khoảng 4 triệu tấn cám, 4 triệu tấn sắn để làm nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, nhưng nhu cầu thực tế cần tới 27 triệu tấn các loại. Trong khi đó, một số nguyên liệu chính như đậu tương, lúa mì… lại không phải thế mạnh của Việt Nam mà phụ thuộc vào nhập khẩu. Vì thế, sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước sẽ lao đao khi các nước xuất khẩu gặp khó khăn như mất mùa, dịch bệnh...”, ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi, nhận định.
Không chỉ Đồng Nai, nông dân nhiều tỉnh thành trên cả nước cũng đang “than trời” vì giá thức ăn chăn nuôi tăng, khiến nhiều ngành như thủy sản, nuôi heo, gia cầm… đứng trước nguy cơ từ hòa vốn tới lỗ.
Nông dân Nguyễn Quý Phong (xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng), cho hay, sau khi xuất lứa gà cách đây hơn 1 tháng, đến thời điểm hiện tại gia đình vẫn chưa dám tái đàn. “Giá cám gà tăng liên tục, nếu nuôi đến thời điểm vỗ béo để xuất chuồng thì giá cám theo tính toán lên mức trên 11.000-11.300 đồng/kg, sẽ không có lời, thậm chí là lỗ nên hiện gia đình vẫn đang nghe ngóng xem thị trường thế nào mới dám tiếp tục tái đàn”, anh Phong nói.
Ngành chăn nuôi trong nước đang phụ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên liệu, thức ăn chăn nuôi nhập khẩu. “Nếu không có giải pháp tránh phụ thuộc, ngành chăn nuôi trong nước sẽ cứ phải chạy theo giá nguyên vật liệu nhập khẩu dài dài”, ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, băn khoăn.
Số liệu từ Cục Chăn nuôi cho thấy, nhu cầu thức ăn chăn nuôi trong nước mỗi năm khoảng 27 triệu tấn nhưng nhập khẩu lên tới hơn 20 triệu tấn (năm 2020 là 20,2 triệu tấn, tương ứng khoảng 6 tỷ USD), tính sang quý 1/2021, tổng lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu đạt 5,4 triệu tấn, tương đương 1,66 tỷ USD, tăng 3,94% về số lượng và 5,53% về giá trị so với cùng kỳ 2020. Điều này cho thấy ngành chăn nuôi đang tiếp tục phát triển mạnh, nhưng trong bối cảnh giá liên tục tăng sẽ cản trở ngành phát triển.
Ông Lê Văn Quyết, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ, ngành chăn nuôi gia cầm gặp rất nhiều khó khăn trong hơn 1 năm qua vì thị trường tiêu thụ bị ảnh hưởng lớn bởi dịch Covid-19. Giá cám và nhiều loại nguyên liệu đầu vào khác tăng cao khiến giá thành chăn nuôi bị đội lên rất nhiều.
“Giá đầu ra nhiều loại gia cầm giảm, trong khi chi phí chăn nuôi tăng mạnh và dự đoán mức tăng này chưa ngừng lại sẽ ảnh hưởng nặng nề cho ngành Chăn nuôi gia cầm thời gian tới, thậm chí có nguy cơ đe dọa khiến ngành này phá sản”, ông Quyết lo lắng.
Ở một góc độ khác, nếu người dân nuôi không duy trì quy mô đang thì nguy cơ thiếu sản phẩm thịt gà vào quý II và quý III năm 2021 là rất dễ xảy ra.
“Cục Chăn nuôi đang tiếp tục đề nghị các công ty sản xuất thức ăn tiếp tục chia sẻ người chăn nuôi, để họ có thể duy trì được đàn gia cầm trong thời gian tới", ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng, Cục Chăn nuôi cho biết.
Cần giải pháp căn cơ để tránh phụ thuộc nhập khẩu
Để tránh phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên liệu và để hạ giá thành sản xuất thức ăn chăn nuôi, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Xuân Dương cho rằng: Trước mắt, các tổ chức, cá nhân sản xuất thức ăn chăn nuôi cần sử dụng tiết kiệm triệt để, hiệu quả nguồn nguyên liệu để hạ giá thành sản xuất; đồng thời tăng cường giải pháp tìm kiếm, tận dụng nguồn nguyên liệu trong nước thay thế nguyên liệu nhập khẩu.
Về lâu dài, Bộ NN&PTNT sẽ tham mưu Chính phủ có cơ chế khuyến khích phát triển công nghiệp sản xuất nguyên liệu, thức ăn bổ sung, nhất là công nghệ sinh học nhằm đáp ứng đủ các chế phẩm sinh học dùng trong chăn nuôi, nâng cao giá trị dinh dưỡng các nguồn phụ phẩm nông nghiệp, công nghiệp trong nước như bã men bia, bã dứa, bã sắn, vỏ đầu tôm, đầu xương, mỡ cá tra… để thay thế nguồn nguyên liệu nhập khẩu.
“Thời gian tới, Cục Chăn nuôi kiến nghị Bộ Công Thương khẩn trương tiến hành đàm phán song phương với các nước mà Việt Nam nhập khẩu số lượng lớn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi như Mỹ, Argentina, Brazil, Ấn Độ để có chính sách ưu đãi về giá và đảm bảo chất lượng và số lượng nguyên liệu thức ăn cho thị trường Việt Nam”, ông Dương nói thêm.
Ngoài ra, Cục Chăn nuôi cũng kiến nghị với Bộ Tài chính, có chính sách tạm thời giảm thuế nhập khẩu ngô, khô đậu tương và lúa mì trong thời gian ngắn hạn; giảm mức thu phí lưu kho, lưu bãi với nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu; đồng thời bố trí ngân sách ưu tiên và đơn giản hóa quy trình, thủ tục cho thực hiện Nghị định 57/2018 ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
“Việc hạ giá thành thức ăn chăn nuôi, tránh phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi ngoại nhập có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với ngành chăn nuôi của Việt Nam. Nếu không tìm được lời giải hiệu quả, thì những khó khăn của người chăn nuôi sẽ còn tiếp diễn, và ngành Chăn nuôi sẽ mãi phải ‘chạy theo’ đà tăng giá của nguyên liệu nhập khẩu”, ông Dương nhấn mạnh.
Ở góc độ doanh nghiệp, đại diện Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam cho hay, kinh nghiệm của doanh nghiệp là chủ động tăng cường dự trữ nguyên liệu cho sản xuất, tránh tình trạng "ăn đong" trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi tăng nóng.
"Khâu logistisc cần trơn tru hơn, giảm chi phí vận chuyển, thời gian bốc xếp theo hàng rời. Trên thực tế trong nước cũng có nhiều nguyên liệu phục vụ chăn nuôi như phụ phẩm chế biến cá, tôm,... nên tận dụng chứ không nên quá phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu", vị này nói.