Phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

(CL&CS) - Ngày 6/12, Diễn đàn “Phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” được diễn ra tại Hà Nội. Diễn đàn không chỉ nhằm đánh giá kết quả gần 5 năm thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia, mà còn nhằm thúc đẩy nhận thức sâu rộng hơn trong các cấp lãnh đạo, doanh nghiệp và xã hội...

Thị trường năng lượng cạnh tranh không chỉ giúp tối ưu hóa nguồn lực quốc gia mà còn tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia đầu tư, phát triển. Việc minh bạch hóa các chính sách và quy định, cùng với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Nhà nước, sẽ là chìa khóa để xây dựng một thị trường năng lượng hiệu quả, bền vững.

Quang cảnh Diễn đàn

Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết 55) đã xác định những mục tiêu tổng quát: Bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia; cung cấp đầy đủ năng lượng ổn định, có chất lượng cao với giá cả hợp lý cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống của nhân dân, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.

Phát biểu đề dẫn Diễn đàn, PGS.TS Vũ Trọng Lâm, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật đã đặt ra các vấn đề trọng tâm cần thảo luận tại Diễn đàn. Đồng chí Nguyễn Trọng Lâm nhấn mạnh: Phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh không chỉ là một yêu cầu kinh tế mà còn là nhiệm vụ chiến lược để bảo đảm an ninh năng lượng và phát triển bền vững quốc gia. Theo PGS.TS Vũ Trọng Lâm, trong gần 5 năm qua, ngành năng lượng Việt Nam đã đạt được những bước tiến đáng kể.

Thứ nhất, năng lượng tái tạo được quan tâm phát triển, tạo đột phá trong việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, góp phần bảo tồn tài nguyên năng lượng, giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường và biến đổi khí hậu trong sản xuất điện. Điều này không chỉ đưa Việt Nam trở thành quốc gia dẫn đầu Đông Nam Á về năng lượng tái tạo mà còn khẳng định vai trò của chúng ta trong công cuộc chuyển đổi năng lượng toàn cầu.

Thứ hai, ngành năng lượng đang từng bước chuyển đổi sang hoạt động theo cơ chế thị trường cạnh tranh có sự điều tiết của Nhà nước, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, minh bạch, bình đẳng, không phân biệt đối xử, thu hút và đa dạng hóa phương thức đầu tư và kinh doanh trong lĩnh vực năng lượng; đồng thời khai thác và sử dụng hợp lý, có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng trong nước.

Thứ ba, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực năng lượng đã được đẩy mạnh, giúp Việt Nam thu hút nhiều nguồn vốn và công nghệ hiện đại từ các đối tác quốc tế. Các dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn, ứng dụng công nghệ tiên tiến đã mang lại những hiệu quả rõ rệt, góp phần giảm áp lực về an ninh năng lượng và thúc đẩy phát triển bền vững.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Vũ Trọng Lâm, bên cạnh những thành tựu đáng ghi nhận, thị trường năng lượng của Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn. Kết cấu hạ tầng ngành năng lượng chưa theo kịp tốc độ phát triển, đặc biệt là hạ tầng truyền tải điện. Các dự án năng lượng tái tạo phát triển nhanh nhưng hệ thống truyền tải chưa được nâng cấp đồng bộ, dẫn đến tình trạng quá tải ở một số khu vực, gây ra sự lãng phí lớn. Dù có tiềm năng rất lớn về năng lượng tái tạo, Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào năng lượng hóa thạch, đặc biệt là nhiệt điện than. Điều này không chỉ làm gia tăng phát thải khí nhà kính mà còn tạo ra áp lực lớn đối với môi trường.

Đặc biệt, thị trường năng lượng cạnh tranh phát triển chưa đồng bộ, thiếu liên thông giữa các phân ngành, giữa phát điện với truyền tải điện; chính sách giá năng lượng còn bất cập, chưa hoàn toàn phù hợp với cơ chế thị trường, chưa tách bạch với chính sách an sinh xã hội. Một số dự án năng lượng do doanh nghiệp nhà nước đầu tư còn thua lỗ; một số dự án năng lượng đầu tư ra nước ngoài tiềm ẩn nhiều khả năng mất vốn.

Các tham luận nhấn mạnh, năng lượng là huyết mạch cho phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống nhân dân. Bối cảnh toàn cầu hoá hiện nay đòi hỏi phải có hệ thống giải pháp đồng bộ mang tính đột phá để bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Qua thảo luận và trao đổi, các chuyên gia cũng đề xuất thêm về giải pháp và định hướng tới các cơ quan hữu quan, nhằm góp phần thúc đẩy phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và xu thế hội nhập quốc tế. Hướng tới minh bạch, cạnh tranh và đa dạng; góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

TIN LIÊN QUAN