Phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở trong công nghệ giáo dục

(CL&CS) -Tiếp nối tinh thần “Khơi nguồn kinh tế tri thức” của Ngày hội công nghệ giáo dục - Edtech Festival 2021, Hội thảo “Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở và công nghệ giáo dục trong bối cảnh bình thường mới” trong khuôn khổ TECHFEST 2022 được tổ chức bởi Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ (NATEC) thuộc Bộ KH&CN, Làng Công nghệ giáo dục, Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) – United Way Việt Nam, Làng Thách thức và Sáng tạo xã hội và Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, đã được diễn ra ngày 24/3/2022 đã đưa đến bức tranh toàn cảnh công nghệ giáo dục Việt Nam năm 2021 từ việc thay đổi tư duy, cách nhìn, cách ứng dụng công nghệ để giải quyết thách thức mới, qua đó đưa ra những đánh giá, định hướng phát triển công nghệ giáo dục trong thời gian tới.

Hội thảo với sự tham gia của Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng NATEC; Ông Bùi Tiến Dũng - Vụ Công tác HSSV, Bộ GD&ĐT; Bà Hooyung Young, Phó chủ tịch United Way Worldwide Hàn Quốc, Nhật Bản và Đông Nam Á; Bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện MSD - United Way Việt Nam - Nguyên trưởng làng Thách thức và Sáng tạo xã hội TECHFEST 2021; Ông Đỗ Nguyên Hưng - Trưởng làng Công nghệ Giáo dục, các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực giáo dục.

Tọa đàm về hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở trong công nghệ giáo dục nhấn mạnh vai trò của các chủ thể và việc cần thiết kết nối các bên nhằm giải quyết bài toán về chất lượng giáo dục và tâm lý hậu đại dịch. Nhà nước và các tổ chức, tập đoàn có những “bài toán mới”  trong quản lý & vận hành; và rất cần thiết trong việc kết nối “lời giải sáng kiến mới” từ doanh nghiệp khởi nghiệp. Trong mô hình liên kết đó, cần có “sợi dây” kết nối trung gian các doanh nghiệp khởi nghiệp với vườn ươm, tổ chức hỗ trợ cùng hoàn thiện giải pháp, sáng kiến. Ngoài ra, chuyển đổi số trong giáo dục còn cần đảm bảo lấy con người làm trung tâm, công bằng và hoà nhập trong tiếp cận, thụ hưởng, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Phát biểu khai mạc, ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng NATEC chia sẻ: “Đây là hội thảo đầu tiên của Techfest 2022 vừa được khởi động ngày 22.3.2022, với sự tham gia của đại diện tất cả các bên liên quan trong việc xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Năm 2022 chúng ta tập trung vào giải quyết các thách thức của bối cảnh, đặc biệt trong bối cảnh COVID 19, các thách thức trong mọi lĩnh vực, trong đó có giáo dục cần các sáng kiến đổi mới sáng tạo mở và sự chung tay tham gia của tất cả các bên liên quan để giải quyết”.

Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng NATEC.

Giáo sư Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân chia sẻ “Giáo dục là cốt lõi của sự phát triển. Chuyển đổi số trong Giáo dục là vô cùng cần thiết, quá trình chuyển đổi sổ trong giáo dục đã đem lại rất nhiều lợi ích cho ngành giáo dục, tiêu biểu là Trường Đại học Kinh tế Quốc dân kể từ khi dịch bệnh Covid-19 diễn ra. Việt Nam là một trong những quốc gia thích ứng tốt nhất trước tình hình dịch bệnh, vì vậy, tôi tin rằng đây sẽ năm chúng ta bắt đầu được thực hiện lại những hoạt động đã đình trệ từ những năm trước do ảnh hưởng dịch bệnh và sẽ đạt được những thành tựu nhờ có sự hỗ trợ của công nghệ.”

Bà Hooyung Young, Phó chủ tịch United Way Worldwide khu vực Đông Nam Á, Hàn Quốc và Nhật Bản, đại diện chương trình Shinhan Square Bridge Việt Nam  nhấn mạnh: “Tôi nhận thấy rằng Việt Nam được rất nhiều các quốc gia khác đánh giá cao về sự đổi mới sáng tạo trong việc cải tổ công nghệ xã hội với sự tham gia nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp. Thời gian qua với sự ảnh hưởng của Covid-19, chúng ta thấy rất nhiều sự thay đổi đặc biệt là giáo dục và sự bất bình đẳng ngày càng tăng, đặc biệt là các nhóm đối tượng bị tổn thương. Vì vậy, vai trò của startup được đánh giá cao khi là chủ chốt trong việc thực hiện những đổi mới sáng tạo, đặc biệt trong giáo dục.Với việc chuyển đổi số ngày càng diễn ra mạnh mẽ như này, việc đổi mới trong giáo dục là quan trọng và cần thiết để phát triển đất nước và đẩy lùi sự bất bình đẳng.”

Công nghệ giáo dục Việt Nam – xu hướng phát triển và thách thức

Tại hội thảo, một số các doanh nghiệp khởi nghiệp điển hình trong lĩnh vực giáo dục cũng được giới thiệu. Schools.vn – một nền tảng quản trị nhà trường thông minh kết nối nhà trường phụ huynh và học sinh được công ty Tripath Việt Nam giới thiệu. Đây là nền tảng đảm bảo việc quản trị nhà trường hiệu quả, vừa kết nối giáo dục tương tác gia đình – nhà trường – học sinh và đảm bảo các trải nghiệm học tập chân thực cho học sinh. Theo ước tính, việc ứng dụng công nghệ có thể giúp tiết kiệm 40% chi phí quản lý cho nhà trường. Schools.vn bao gồm rất nhiều ứng dụng từ điểm danh học sinh bằng thẻ từ hoặc hình ảnh bao gồm cả nhận diện khi đeo khẩu trang, sổ học bạ điện tử, hệ thống học tập trực tuyến – chấm điểm, phụ huynh thanh toán trực tuyến và theo dõi học sinh, v.v. Schools.vn đang được chương trình Shinhan Square Bridge hỗ trợ để tiếp cận và thúc đẩy quá trình chuyển đổi số giáo dục, quản trị nhà trường thông minh tại 100 trường học trên 7 tỉnh tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, Hội thảo cũng giới thiệu nền tảng BaseLive – nền tảng tổng hợp, phân loại và phát sóng sự kiện qua công nghệ livestream được BaseLive giới thiệu. Đây là mô hình doanh nghiệp khởi nghiệp rất thức thời đáp ứng nhu cầu học tập trực tuyến ngày càng tăng cao theo xu hướng.

Phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở trong công nghệ giáo dục 

Hội thảo được tiếp nối với phiên toạ đàm “Phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở trong công nghệ giáo dục – xây dựng hệ sinh thái đảm bảo không để ai bị bỏ lại phía sau”. Toạ đàm có sự tham gia của:

Bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng MSD – United Way Việt Nam, chương trình Shinhan Square Bridge chia sẻ “Mục tiêu của sự chuyển đổi số chính là sáng tạo và ứng dụng công nghệ để phục vụ con người, mọi người. Trong tiến trình hướng tới việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, giáo dục (mục tiêu số 4) đóng vai trò cốt lõi. Việc đổi mới công nghệ giáo dục cần đảm bảo phục vụ xây dựng một thế hệ công dân toàn cầu của Việt Nam, vừa đảm bảo không để ai bị bỏ lại phía sau. Chương trình Shinhan Square Bridge hỗ trợ các Doanh nghiệp khởi nghiệp giáo dục quan tâm tới việc giải quyết các thách thức về giáo dục, đảm bảo giáo dục toàn diện, tiếp cận bình đẳng cho mọi người, bao gồm cả các nhóm người dễ bị tổn thương như người khuyết tật, người nghèo, phụ nữ, trẻ em dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa, v.v. Trong năm 2022, chúng tôi sẽ phối hợp cùng các Làng công nghệ Techfest bao gồm Làng Công nghệ giáo dục để hỗ trợ các startup không chỉ quan tâm đến phát triển công nghệ, mà còn là công nghệ giáo dục vì mọi người”

Bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng MSD – United Way Việt Nam

Chia sẻ về những thành tựu của lĩnh vực EdTech năm 2021 và kế hoạch năm 2022, ông Đỗ Nguyên Hưng cho biết: “Năm 2021, chúng tôi vui mừng vì đã được đồng hành cùng các bộ, ban, ngành để xây dựng hệ thống ứng dụng công nghệ trong giáo dục đồng bộ cho các cấp học để thích ứng với bối cảnh đại dịch. Thực tế rất nhiều công nghệ, nền tảng công nghệ hỗ trợ  giáo dục được đưa về Việt Nam, nhưng việc ứng dụng vẫn là một thách thức. Dựa trên những thành quả của năm 2021, trong năm 2022 chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục sát cánh cùng các cơ quan quản lý, các làng công nghệ và các tổ chức hỗ trợ để đưa các nền tảng, giải pháp tới các địa phương, vùng sâu vùng xa. Đồng thời, chúng tôi cũng kết hợp chặt chẽ với các vườn ươm tại các cơ sở giáo dục trên cả nước để mang lại sự hỗ trợ, thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp.”

Chuyển đổi số trong giáo dục không thể thiếu các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đây là chìa khóa cho sự phát triển thịnh vượng và bền vững của một quốc gia. Để ươm mầm và kích thích đổi mới sáng tạo, rất cần các mô hình, chương trình đào tạo, ươm mầm, dẫn dắt các cá nhân cũng như các tổ chức. Bà Khúc Hồng Nga chia sẻ về mô hình TechFest Connect: “Chương trình tập trung vào 2 hoạt động chính là Ươm tạo tăng tốc và Kết nối đầu tư. Điểm mới của mô hình là cách thức huấn luyện. Chương trình sẽ mời các huấn luyện viên chuyên nghiệp là các doanh nhân đã gọi vốn thành công và lãnh đạo các doanh nghiệp, tập đoàn quốc tế để đào tạo cho các startup của Làng. Mùa đầu tiên của chương trình vào tháng 10.2021 đã đạt được thành công khi 4/5 start up của làng đã gọi vốn thành công, đây là động lực và tiền để đề chúng tôi tiếp tục triển khai và mở rộng trong năm 2022, mang lại giá trị thiết thực cho các start-up Việt Nam.”

Toạ đàm đã chia sẻ, thảo luận trao đổi về cách xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ giáo dục bao gồm cả dầu tư  công nghệ, nội dung, nhân lực số, v.v. Ông Phạm Hồng Quất tổng kết “Hãy có tư duy mở để đổi mới sáng tạo trong bối cảnh mới, đảm bảo quá trình chuyển đổi số của Việt Nam hiệu quả!”

TIN LIÊN QUAN