Nóng nhân sự cao cấp ở Eximbank

(CL&CS) - Vấn đề nhân sự cao cấp luôn là chủ đề được quan tâm tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) vì những lục đục trong nội bộ của ngân hàng này trong suốt những năm qua.

Cho đến thời điểm này, nhiều ngân hàng đã công bố lịch tổ chức ĐHĐCĐ năm 2021. Theo đó, vấn đề nhân sự cấp cao tại các ngân hàng luôn được quan tâm khi hàng loạt ngân hàng công bố các quyết định bổ nhiệm mới.

Đặc biệt thu hút sự quan tâm của dư luận hơn cả là vấn đề “ghế nóng” tại Eximbank do những lục đục trong nội bộ suốt thời gian qua.

Sau khi liên tiếp đại hội cổ đông và đại hội cổ đông bất thường nhiều lần bị trì hoãn, thì câu chuyện nhân sự cấp cao hội đồng quản trị của Eximbank sẽ tiếp tục là tâm điểm sự chú ý trong cuộc họp ĐHĐCĐ vào cuối tháng 4 tới. 

Câu chuyện nhân sự cấp cao hội đồng quản trị của Eximbank sẽ tiếp tục là tâm điểm sự chú ý trong cuộc họp ĐHĐCĐ vào cuối tháng 4 tới 

Trước đó, trong lần thông báo tổ chức họp cổ đông gần nhất là hồi đầu tháng 12/2020, mâu thuẫn trong Eximbank vẫn còn rất gay gắt. Một số nhóm cổ đông đã liên tục có văn bản đề nghị thanh lọc Hội đồng quản trị ngân hàng.

Ở lần công bố triệu tập đại hội cổ đông gần nhất hồi cuối tháng 12/2020, cổ đông lớn đang nắm giữ 15% vốn cổ phần Eximbank là Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) đã có văn bản yêu cầu cắt giảm quy mô HĐQT hiện tại xuống còn không quá 7 thành viên nhằm tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả hoạt động.

SMBC cũng yêu cầu chính cổ đông sẽ bỏ phiếu bãi nhiệm hoặc không bãi nhiệm với từng thành viên HĐQT Eximbank ngay tại đại hội.

Ngoài ra, một nhóm cổ đông sở hữu 11,23% vốn Eximbank đã có thư kiến nghị đề nghị bãi nhiệm đối với 3 thành viên HĐQT là bà Lương Thị Cẩm Tú và 2 ông Đặng Anh Mai, Hoàng Tuấn Khải.

Chưa hết, một nhóm cổ đông khác sở hữu 10,31% cổ phần Eximbank cũng có đề nghị bổ sung nội dung bãi nhiệm đối với 4 thành viên HĐQT là Chủ tịch Yasuhiro Saitoh, Lê Minh Quốc, Cao Xuân Ninh và Lê Văn Quyết.

Như vậy, trong 9 thành viên HĐQT của Eximbank gồm các ông Saitoh, Cao Xuân Ninh, Lê Minh Quốc, Ngô Thanh Tùng, Lê Văn Quyết, Nguyễn Quang Thông, Đặng Anh Mai, Hoàng Tuấn Khải và bà Lương Thị Cẩm Tú thì đã có tới 7 người bị hai nhóm cổ đông lớn đề nghị miễn nhiệm.

Eximbank vừa ban hành nghị quyết về kế hoạch kinh doanh năm 2021 với hầu hết các kế hoạch đều tăng trưởng so với kết quả năm 2020.

Trong năm 2020, lợi nhuận trước thuế của Eximbank vẫn hoàn thành 100% kế hoạch, tăng trưởng 22%. Các mảng kinh doanh then chốt ngân hàng như: thẻ, kinh doanh bảo hiểm qua ngân hàng (Bancasurance) cũng đạt tốc độ tăng trưởng tương đối tốt.

Theo đó, mảng thu phí thẻ đạt 127 tỷ đồng, tăng trưởng 144% so với năm 2019. Thu nhập phí bảo hiểm đạt 112 tỷ, tăng trưởng 23%, góp phần đưa mức tăng trưởng thu nhập dịch vụ năm 2020 lên 20%, tăng cao nhất trong 4 năm gần đây.

Eximbank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế từ hoạt động kinh doanh trong năm 2021 là 2.150 tỷ đồng, huy động vốn từ tổ chức kinh tế và dân cư tăng 10%, dư nợ cấp tín dụng tăng 15% so với năm 2020.

Ngân hàng sẽ điều chỉnh trong trường hợp Ngân hàng nhà nước có thông báo mức tăng trưởng tín dụng khác trong năm 2021.

Ngân hàng cũng cải thiện thu nhập từ lãi trên tổng tài sản có sinh lời thêm 10 - 20 điểm cơ bản trong năm 2021. Thu nhập ngoài lãi (gồm thu nhập thuần từ dịch vụ, thu nhập thuần kinh doanh ngoại hối) đặt mục tiêu tăng 15% so với năm 2020.

Eximbank cũng có kế hoạch tăng cường công tác xử lý nợ và trích thêm dự phòng để tất toán hết nợ Công ty quản lý tài sản Việt Nam (VAMC) trong quý I/2021.

TIN LIÊN QUAN