Nới room nhỏ giọt, khó chảy vào thị trường bất động sản

(CL&CS) - Việc ngân hàng chính thức nới room tín dụng đem lại nhiều kỳ vọng cho cả người mua ở thực và nhà đầu tư bất động sản. Tuy nhiên, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp Bất động sản cho rằng động thái nới room tín dụng tại một số ngân hàng thấp hơn kỳ vọng.

Nới room nhỏ giọt, khó đến lượt vay để đầu tư bất động sản

Động thái mới đây của Ngân hàng Nhà nước khi chính thức thông tin điều chỉnh hạn mức (room) tăng trưởng tín dụng đã nhận được sự quan tâm đặc biệt từ phía các doanh nghiệp, nhà đầu tư và khách hàng của thị trường bất động sản.

Trong đợt nới room lần này có khoảng 15 ngân hàng được nới hạn mức từ 1- 4% so với mức cũ. Mức tăng thêm cho từng ngân hàng được lựa chọn trên những tiêu chí cụ thể. Ở nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, room tín dụng được cấp phổ biến quanh mức 3-4%. Nhóm ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước, hạn mức tín dụng được cấp ít hơn nhưng do quy mô tín dụng lớn hơn nên tổng lượng vốn thực tế được tăng lên sẽ lớn hơn.

Hạn mức được cấp thêm của các ngân hàng đợt này như sau: Sacombank 4%, Agribank 3,5%, HDBank 3,4%, MB 3,2%, OCB 3,1%, VIB 3%, ACB 3%, Vietcombank 2,7%, Techcombank 2,7% và TPBank 1,2%.

Chuyên gia nhận định dòng tiền tín dụng khó chảy vào thị trường bất động sản. (Ảnh minh họa)

Theo ông Phạm Đức Toản, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Bất động sản EZ (EZ Property), việc nới room tín dụng là một tín hiệu vui nhưng với thị trường bất động sản song chưa được như kỳ vọng. Room tín dụng được nới nhưng với tỷ trọng không nhiều, phân bổ giữa các ngân hàng cũng khác nhau, những ngân hàng cho vay bất động sản mạnh từ đầu năm thì không được nới nhiều và cũng sẽ hạn chế cho vay tiếp đối với mảng bất động sản.

Hơn nữa, tỷ lệ nới room là thấp hơn kỳ vọng, số tiền giải ngân thêm chỉ phục vụ cho các hồ sơ đang chờ sẵn từ trước, có thông báo cho vay nhưng ngân hàng hết hạn mức. Việc giải ngân vào Bất động sản vẫn bị siết chặt, chỉ thực hiện đối với những dự án tốt được thẩm định kỹ, không dễ để vay với mục đích đầu tư Bất động sản.

Ông Nguyễn Văn Tú, Tổng giám đốc Cao Nguyên Land, cũng nhìn nhận lần nới room tín dụng này khó tạo ra sự ấm lên cho thị trường bất động sản. Với số vốn khoảng 450.000 tỷ đồng được bơm ra nền kinh tế thì chỉ một lượng hạn chế được giải ngân cho bất động sản, vì ngân hàng ưu tiên cấp tín dụng cho lĩnh vực sản xuất - kinh doanh. Số vốn được cấp thêm trong đợt này sẽ giúp tính thanh khoản của thị trường cải thiện hơn nhưng không nhiều.

Trong khi đó, Chủ tịch GP.Invest Nguyễn Quốc Hiệp lại bày tỏ việc nới room tín dụng dù tác động không nhiều nhưng làm cho thị trường bớt căng thẳng hơn, nhất là đối với doanh nghiệp đầu tư và người mua nhà. Thực tế, các ngân hàng hiện rất thận trọng, họ sẽ xem doanh nghiệp nào uy tín mới cho vay, bởi room ít nên buộc họ phải sử dụng rất “chắt chiu”.

Với góc nhìn của ông, room tín dụng nới ra một chút tác động cả 2 chiều, nguồn cung tiền cho ngân hàng sẽ đỡ hơn, bớt gánh nặng sử dụng quá nhiều tiền từ huy động của dân. Việc nới room còn mang ý nghĩa tích cực, bởi nếu như không nới, ngân hàng buộc phải tính huy động vốn từ người dân bằng cách tăng lãi suất tiết kiệm, điều này sẽ tác động đến lạm phát.

Có nên đặt niềm tin vào room tín dụng cuối năm?

Chuyên gia bất động sản Nguyễn Khánh Quang nhận định việc “găm hàng” của các nhà đầu tư cá nhân ở thời điểm hiện tại không phải là một phương án tốt, đặc biệt là với các nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính. Nhà đầu tư không nên lấy yếu tố nới room tín dụng để làm điểm tựa tâm lý và kỳ vọng sự phục hồi của thị trường sau những thông tin mới về tín dụng.

Nhà đầu tư kỳ vọng sự phục hồi thị trường từ các tác động gián tiếp của room tín dụng. (Ảnh minh họa)

Ông Quang nhận định, chính sách nới room tín dụng mới đây của Ngân hàng Nhà nước chưa mang lại tác động rõ rệt với thị trường bất động sản do lượng tiền bơm ra “khiêm tốn” và chỉ ưu tiên hoạt động kinh doanh, sản xuất. Đặc biệt vào thời điểm cuối năm nhu cầu vốn của các doanh nghiệp sản xuất sẽ tăng mạnh nên khả năng dòng tiền chảy vào thị trường bất động sản là không cao.

Trước đó, các chuyên gia đã dự báo về các động thái nới room tín dụng của Ngân hàng Nhà nước và kỳ vọng mức dư nợ được tăng lên 1-2% vượt mức trần 14% . Tuy nhiên, trong phát biểu mới nhất, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho biết từ giờ đến cuối năm 2022 vẫn giữ mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% không tăng thêm và cũng không giảm.

Ưu tiên của NHNN trong giai đoạn này là kìm hãm áp lực lạm phát đối với nền kinh tế và quá trình này có thể sẽ kéo dài đến năm 2023. Ngoài ra, NHNN vẫn phải đảm bảo an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, đảm bảo thanh khoản cho các thị trường tiền tệ, ngoại hối.

Bên cạnh đó, việc lãi suất vay tiếp tục tăng sẽ là yếu tố giảm sức mua của khách hàng trong bối cảnh các nhà đầu tư cá nhân vẫn chưa tìm được phương án huy động an toàn vốn ngoài tín dụng ngân hàng.

Kỳ vọng room tín dụng vào năm 2023

Theo chủ tịch GP.Invest, tín dụng cho bất động sản năm 2023 còn phụ thuộc vào tình hình chung của thị trường bất động sản. Trên cơ sở đó, ngân hàng nhà nước mới có lượng tín dụng cân đối dành cho bất động sản ở mức độ phù hợp với khả năng phát triển của thị trường. Hiện nay, nói về khả năng phát triển của thị trường vẫn còn là một dấu hỏi chưa thể đoán định được tốt hay xấu, bởi 2023 cũng là năm giao thời của việc thay đổi các luật.

Thị trường bất động sản trong 2 năm tới (năm 2023, 2024) chưa có một định hình rõ ràng, bản thân các chủ đầu tư vẫn đang chờ đợi, quan sát. Với tình hình này, chúng tôi cũng như các doanh nghiệp rất mong ngân hàng nhà nước sát sao trong nới room tín dụng bất động sản. Nếu như những tín hiệu của thị trường bất động sản tích cực thì mong ngân hàng nhà nước đồng hành cùng các doanh nghiệp để tạo ra sự phát triển chung.

Một lãnh đạo của doanh nghiệp bất động sản cũng mong muốn dòng vốn đổ vào bất động sản được khởi thông không chỉ với doanh nghiệp mà còn với khách hàng, vì đây là “mạch máu” trong lĩnh vực địa ốc. Thị trường bất động sản được kỳ vọng sẽ ấm trở lại khi dòng tín dụng khai thông, doanh nghiệp giải phóng được lượng hàng tồn kho.