Ninh Bình bất ngờ đề xuất xây sân bay

(CL&CS) - Ngoài Ninh Bình ra thì nhiều địa phương như Hà Tĩnh, Ninh Thuận, Bạc Liêu, Cao Bằng và mới đây nhất là Hà Nội cũng có đề xuất xây dựng các sân bay mới.

Mới đây, tỉnh Ninh Bình bất ngờ đề nghị Bộ Giao thông vận tải (GTVT) bổ sung một vị trí cảng hàng không vào Quy hoạch tổng thể phát triển cảng hàng không, sân bay toàn quốc giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050.

Nhiều ý kiến cho rằng, sân bay Thọ Xuân (Thanh Hóa) hiện quá gần với tỉnh Ninh Bình nên việc bổ sung sân bay Ninh Bình vào mạng cảng hàng không là khó khả thi

Ông Phạm Quang Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cho biết, hàng năm, Ninh Bình thu hút lượng lớn khách du lịch trong cả nước và trên thế giới. Năm 2019, Ninh Bình đón trên 7,6 triệu lượt khách. Đến năm 2025, tỉnh phấn đấu đón từ 8 - 9 triệu lượt khách du lịch, doanh thu du lịch đạt 8.000 tỷ đồng trở lên.

Ninh Bình cũng tập trung đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô và công nghiệp điện tử. Hiện nhà máy ô tô Hyundai Thành Công đang hoạt động là một trong 3 nhà máy lắp ráp ô tô lớn nhất của Việt Nam.

Theo lãnh đạo tỉnh Ninh Bình, hiện du khách nước ngoài đến Ninh Bình tham quan, công tác và làm việc chủ yếu di chuyển thông qua sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội). Việc di chuyển qua đường bộ, đường sắt hay trung chuyển qua sân bay của các tỉnh, thành lân cận làm kéo dài thời gian, tăng áp lực vận tải lên hệ thống đường bộ hiện đang quá tải, làm hạn chế khả năng khai thác và phát triển của Ninh Bình.

Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình, 2 vị trí mà tỉnh này đề xuất nghiên cứu là tại huyện Kim Sơn hoặc huyện Yên Khánh. UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Sở GTVT và các ngành, địa phương liên quan phối hợp với tư vấn xác định vị trí cụ thể trong quá trình lập quy hoạch.

Hiện tại, ngoài Ninh Bình ra thì còn nhiều địa phương như Hà Tĩnh, Ninh Thuận, Bạc Liêu, Cao Bằng và mới đây nhất là Hà Nội đề xuất xây dựng các sân bay mới.

Theo các chuyên gia hàng không, việc các địa phương đồng loạt đề xuất bổ sung sân bay gần đây cần phải tính toán thận trọng trên cơ sở nhu cầu cũng như tính khả thi trong thực tế, nếu không, có thể dẫn đến tình trạng quy hoạch treo, gây lãng phí nguồn lực của đất nước. Riêng với sân bay Ninh Bình, các chuyên gia cho rằng, có nhiều nguyên nhân khiến Ninh Bình khó có thể lọt vào danh sách quy hoạch cảng hàng không.

Nguyên nhân đầu tiên có thể nhận thấy là nếu Ninh Bình chỉ dựa vào lượng khách du lịch theo mùa như hiện nay, nhu cầu đi lại bằng đường hàng không rất thấp. Thứ hai, Ninh Bình cũng chưa có những trung tâm lớn về đầu tư. Tiếp đến là tỉnh này chưa tính tới việc có thể giải phóng được diện tích 250 - 300ha để làm sân bay hay không, chi phí xây dựng sân bay chắc chắn sẽ cao do đây là khu vực có nền đất yếu. Chưa hết, sân bay Nội Bài (Hà Nội), Thọ Xuân (Thanh Hóa) quá gần Ninh Bình. Việc kết nối đến các sân bay này cũng rất thuận lợi nên việc đầu tư thêm một sân bay tại Ninh Bình là khó khả thi.

Trả lời câu hỏi trường hợp có nhà đầu tư tư nhân cam kết sẽ đầu tư vào sân bay Ninh Bình, có nên bổ sung sân bay này vào quy hoạch, một chuyên gia về đầu tư hàng không cho rằng, mọi khoản đầu tư của một quốc gia đều chính là nguồn lực của quốc gia đó, không phân biệt tư nhân hay Nhà nước. Đầu tư cái gì thì Nhà nước đều có chính sách để tối ưu hóa hiệu quả. Dù đầu tư theo hình thức, nguồn lực nào, Nhà nước cũng phải đảm bảo phương án đó khả thi, đặc biệt với đầu tư tư nhân.

Với đầu tư Nhà nước, còn phải xem xét cả nhiệm vụ chính trị, xã hội. Như việc đầu tư vào sân bay Điện Biên, rõ ràng nếu chỉ xét về kinh tế thì không thể nào có lãi. Nếu xem xét cả về chính trị xã hội, an ninh quốc phòng thì việc đầu tư vào đây lại cần thiết.

Trả lời báo chí, đại diện Cục Hàng không Việt Nam cho rằng, việc bổ sung cảng hàng không Ninh Bình là khó khả thi vì quá gần với một loạt sân bay khác. Bộ GTVT đang chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam tổ chức lập Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Bộ GTVT đang lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan về hồ sơ báo cáo cuối kỳ. Do đó, việc nhiều địa phương cùng lúc đề xuất bổ sung sân bay địa phương vào quy hoạch mạng lưới cảng hàng không toàn quốc cũng là dễ hiểu. Việc tỉnh Ninh Bình đề xuất bổ sung cảng hàng không Ninh Bình vào mạng cảng hàng không, Bộ sẽ lấy ý kiến địa phương. Với các đề xuất như thế này, Bộ GTVT sẽ giao Cục Hàng không Việt Nam và tư vấn nghiên cứu, đề xuất việc tiếp thu hay không tiếp thu.

Theo Quy hoạch phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất đến năm 2030, cả nước sẽ có 26 cảng hàng không.

TIN LIÊN QUAN