Vụ năm nay, người trồng nhãn ở Hưng Yên đang rất phấn khởi vì sản phẩm "tiến vua" lần đầu tiên được "xuất ngoại" sang thị trường Mỹ. Đây là bước khởi đầu để nhãn lồng Hưng Yên khẳng định vị thế và mở ra tiềm năng mới về đầu ra.
Theo bà Đoàn Thị Chải, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hưng Yên, toàn tỉnh có hơn 20ha nhãn của hơn 170 hộ tại 2 xã Hồng Nam (thành phố Hưng Yên) và Hàm Tử (Khoái Châu), mỗi xã có 10ha được cấp mã vùng để xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Tổng sản lượng dự kiến sẽ thu được khoảng 80 tấn nhãn. Để đảm bảo tiêu chuẩn của thị trường Mỹ, các diện tích nhãn xuất khẩu sẽ được chăm sóc nghiêm ngặt theo quy trình VietGAP, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng và tuyệt đối sạch.
Thu hoạch nhãn lồng Hưng Yên. (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN) |
Người trồng nhãn sẽ áp dụng biện pháp phòng trừ sâu bệnh tổng hợp, sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, tuyệt đối không sử dụng các hoạt chất mà Mỹ cấm sử dụng đối với nhãn; việc bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật đều được ghi chép đầy đủ trong sổ theo dõi riêng. Ngay từ đầu vụ, Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu I đã phối hợp với Chi cục Bảo vệ thực vật Hưng Yên kiểm tra, thiết lập hồ sơ và cấp mã số vùng sản xuất nhãn xuất khẩu tại 2 xã Hồng Nam và Hàm Tử để bảo đảm các yêu cầu cần thiết. Đồng thời, tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên cây nhãn; cung cấp thông tin giới thiệu quy trình nhập khẩu nhãn quả vào thị trường Mỹ và một số nước khác cho nông dân.
Hiện nay, nhãn đang trong thời kỳ cho quả non, ngành nông nghiệp Hưng Yên đang chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp với huyện Khoái Châu và thành phố Hưng Yên tiếp tục hướng dẫn các hộ nông dân đã được cấp mã số xuất khẩu tăng cường chăm sóc, quản lý dịch hại, dư lượng thuốc bảo vệ thưc vật đảm bảo sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm khi xuất khẩu.
Tỉnh Hưng Yên hiện có hơn 3.000ha nhãn đang cho thu hoạch, trong đó có diện tích trồng quy mô tập trung là 2.000ha chủ yếu ở các huyện Khoái Châu, Tiên Lữ, Kim Động và thành phố Hưng Yên. Những năm gần đây, tỉnh đã xây dựng các mô hình thâm canh cao, xây dựng vùng sản xuất nhãn hàng hóa gắn với cải tạo vùng nhãn gốc truyền thống, nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại các vùng nhãn tập trung.
Tin tức mới nhất về Kinh doanh độc giả đọc tại đây.
Theo Vietnamplus