Nhà đầu tư cá nhân vẫn là động lực chính

(CL&CS) - Dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân vẫn là động lực chính của thị trường chứng khoán với nhiều dư địa tăng trưởng.

Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đã đưa ra những phân tích về dòng tiền trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Nhà đầu tư cá nhân vẫn là động lực chính

VDSC nhận định dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân vẫn là động lực chính với nhiều dư địa tăng trưởng Hiện nay, toàn thị trường có khoảng 3,2 triệu tài khoản chứng khoán cá nhân của nhà đầu tư trong nước, so với dân số Việt Nam khoảng 96 triệu người (khoảng 3,4%) và thấp hơn đáng kể so với các thị trường lân cận như Thái Lan (25-30%), Singapore (32%), Malaysia (18%).

Trong suốt 1 năm qua trong giai đoạn dịch bệnh, tổng giá trị mua ròng của nhà đầu tư cá nhân vào khoảng 43.400 tỷ và chiếm nhỏ hơn 1% trong tổng số tiền gửi cư dân tính đến tháng 4/2021.

Dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân vẫn là động lực chính của thị trường chứng khoán với nhiều dư địa tăng trưởng.

Do đó, VDSC nhận thấy sự gia tăng các nhà đầu tư mới vẫn còn rất nhiều dư địa trong thời gian tới. Ngoài ra, trong bối cảnh lãi suất chưa thể tăng ngay do tác động của làn sóng Covid-19 lần bốn, VDSC kì vọng dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân sẽ tiếp tục được giữ trong thị trường theo nguyên lý nước chảy chỗ trũng khi chứng khoán vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn (VN-Index đã tăng 28% so với thời điểm cuối năm 2020).

Dòng tiền từ cổ phiếu lớn sang cổ phiếu nhỏ

VDSC nhận thấy sự dịch chuyển của dòng tiền từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn sang các nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ hơn trong tháng Sáu, một điểm tích cực cho thấy dòng vốn đầu tư vẫn được duy trì trong thị trường và đang tìm kiếm những cơ hội đầu tư hấp dẫn.

Trên thực tế, chỉ số VN70 (đại diện cho nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa) và chỉ số VN Small cap (đại diện cho nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ) đã ghi nhận hiệu suất đầu tư tốt hơn so với chỉ số VN30 Index, khi các cổ phiếu Ngân hàng chiếm tỷ trọng khá cao trong rổ chỉ số này (39%) và đa phần có hiệu suất đầu tư không quá cao trong tháng Sáu.

Mùa công bố báo cáo tài chính đang đến gần, và VDSC cho rằng luồng thông tin này vẫn sẽ là câu chuyện hấp dẫn trong tháng Bảy. Trong khi không ít cổ phiếu vốn hóa lớn đã có đà tăng giá rất mạnh kể từ cuối quý 1/2021 trước những dự báo về tăng trưởng lợi nhuận tích cực trong quý 2/2021 (như các cổ phiếu ngân hàng, thép, công nghệ thông tin), nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa dường như vẫn chưa có mức tăng trưởng tương xứng với kết quả kinh doanh vốn cũng được dự báo khả quan.

Điều này phần nào được thể hiện qua chỉ số P/E 2021F của VN70 vẫn đang hấp dẫn hơn tương đối so với P/E 2021F của VN30, sau khi diễn biến khá tương đồng trong khoảng từ tháng Hai tới cuối tháng Tư.

“Do đó, chúng tôi kỳ vọng các cổ phiếu vốn hóa vừa có kết quả kinh doanh quý 2/2021 được dự báo có tính đột biến cao nhiều khả năng sẽ tiếp tục thu hút dòng vốn của thị trường trong tháng này”, VDSC bình luận.

Khối ngoại bán ròng

Trong tháng 6, VDSC thống kê khối ngoại vẫn tiếp tục bán ròng trên HOSE. Về giao dịch khớp lệnh, khối này đã giảm giá trị bán ra với tổng giá trị ròng đạt 6,1 nghìn tỷ đồng (-45% MoM). Một số mã bị bán mạnh như HPG (-4.991 tỷ đồng), VPB (-1.625), MBB (-1.565), VIC (-1.139), NVL (-870), DXG (-837), GEX ( - 510), CTG (-328), CII (-274) và KDC (-233).

Ngược lại, họ chủ yếu mua ròng VHM (+1.374 tỷ đồng), PLX (+659), VRE (+655), VCB (+566), OCB (+413), GAS (+406), STB (+343) , KDH (+332), FUEVFVND (+324) và PDR (+257).

Nhóm cổ phiếu VN30 bị bán ròng 5,6 nghìn tỷ đồng, tương đương 92% giá trị bán ròng của VN Index qua giao dịch khớp lệnh. Các quỹ ETF ngoại nhìn chung ghi nhận vị thế bán khi FTSE Vietnam ETF bị rút ròng 1 triệu USD trong khi KIM không hoạt động. VNM ETF không hoạt động còn Fubon ETF đã trải qua đợt rút ròng 6,5 triệu USD. Các quỹ ETF nội có diễn biến ngược pha. E1VFVN30 ghi nhận giá trị hút ròng là 37,7 triệu USD trong khi FUEVFVND đã bị rút ròng 14,9 triệu USD.

TIN LIÊN QUAN