Nguồn cung nhà ở mới sẽ tăng trong khoảng 1 năm tới

VIS Rating nhận định, ngành bất động sản nhà ở Việt Nam đã phục hồi trong nửa đầu năm 2024, với sự gia tăng nguồn cung và giao dịch nhà ở. Trước hết, nhu cầu nhà ở mạnh mẽ trong quý II/2024 đang tạo đà cho doanh số bán hàng và dòng tiền thu hút trong ngành bất động sản. Dự báo trong khoảng thời gian từ 12 tháng đến 18 tháng tới nguồn cung nhà ở tiếp tục được thúc đẩy.

Theo ông Nguyễn Quốc Anh - Phó tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cho hay, thị trường bất động sản đã xuất hiện dấu hiệu đảo chiều, mức độ quan tâm đến bất động sản có xu hướng tăng.

Trong đó, lượt tìm kiếm trên cả nước trong quý III/2024 ghi nhận tăng 49%; nhà riêng tăng 25%; chung cư, biệt thự lần lượt tăng 24% và 22% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, nếu so với quý I/2022, mức độ quan tâm đối với các phân khúc mới giảm khoảng 60%, duy nhất phân khúc chung cư tăng hơn 17% so với 3 năm trước.

Chuyên gia Batdongsan.com.vn cũng cho biết, nhiều dự án mở bán mới có mức giá khá cao, trong đó mức giá trung bình tại Hà Nội dao động từ 45-90 triệu đồng/m2, còn tại TP.HCM là 45-130 triệu đồng/m2.

Dự báo trong thời gian tới, năm 2025, có hai dự án dự kiến mở bán, là Izumi City của chủ đầu tư Nam Long, có diện tích 170ha tại Đồng Nai và Vinhomes Wonder Park của Vinhomes, diện tích 133ha tại Hà Nội.

Các dự án dự kiến mở bán quý IV/2024 gồm: Dự án Emeria/Clarita của Nhà Khang Điền, có diện tích 12ha tại TP.HCM; Dự án Sun Urban City của Sun Group, diện tích 420ha tại Hà Nam; Dự án Vinhomes Global Gate của Vinhomes, diện tích 385ha, tại Hà Nội.

Mặc dù quy định tại các luật liên quan đến bất động sản vừa ban hành sẽ hạn chế các chủ đầu tư có đòn bẩy cao phát triển các dự án mới, nhưng VIS Rating kỳ vọng các chủ đầu tư lớn như Vinhomes, Khang Điền, Nam Long hay Sun Group không bị ảnh hưởng và vẫn hoàn thành các dự án quy mô lớn đúng tiến độ.

Về nguồn cung nhà ở xã hội, hiện chỉ đạt khoảng 10% so với mục tiêu năm 2025 của Chính phủ là 428.000 căn và sẽ cần nhiều thời gian để gia tăng số lượng theo đúng mục tiêu.

Kỳ vọng thị trường bùng nổ

Quốc hội đã thông qua dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Các tổ chức tín dụng. Qua đó, 3 luật liên quan tới thị trường bất động sản sẽ có hiệu lực từ 1/8/2024, sớm 5 tháng so với quyết nghị của Quốc hội trước đó.

Theo TS Trần Xuân Lượng – Viện phó Viện Nghiên cứu và Đánh giá thị trường bất động sản Việt Nam cho biết, điểm chung của các nội dung được sửa đổi, bổ sung trong các luật này là nhằm đảm bảo phù hợp tình hình thực tế, tháo gỡ tồn tại, hạn chế.

Ngoài ra, bảo đảm tính hợp hiến, thống nhất, đồng bộ giữa các luật này với các luật khác có liên quan để đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cải cách thủ tục hành chính, chuyển trọng tâm từ quản lý bằng các công cụ hành chính sang sử dụng hiệu quả các công cụ kinh tế, thúc đẩy phát triển thị trường nhà ở và thị trường bất động sản.

Vị này cho biết, đối với Luật Kinh doanh bất động sản, một điểm mới nổi bật là các cá nhân kinh doanh quy mô nhỏ, dưới quy mô nhỏ không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật.

Bên cạnh đó, luật cũng thể hiện tính thống nhất và bổ sung, làm rõ các khái niệm pháp lý quan trọng. Trong đó, quy định rõ các công trình xây dựng được đưa vào kinh doanh liên quan đến bất động sản, du lịch, nghỉ dưỡng, y tế, thể thao, văn hóa để có ứng xử phù hợp.

Cũng theo các chuyên gia đánh giá, việc 3 luật liên quan đến thị trường bất động sản (Luật Đất đai, Nhà ở và Kinh doanh bất động sản) có hiệu lực thi hành sớm từ 1/8, đã giúp niềm tin của nhiều khách hàng đang dần phục hồi. Vấn đề còn lại là cởi trói pháp lý để nguồn cung mới được bổ sung, vận hành theo đúng nhịp cung - cầu. Đặt biệt doanh nghiệp bất động sản phải chủ động tái cơ cấu đầu tư, cấu trúc sản phẩm hướng về nhu cầu thực, giảm giá nhà ở về mức tương đối, thực chất. Như vậy mới thu hút được người mua và cải thiện thanh khoản thị trường.

TIN LIÊN QUAN