Ngành y tế Hà Nội kỷ niệm 70 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam

(CL&CS) - Vừa qua, tại Hà Nội, Sở Y tế Hà Nội tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955-27/2/2025) và Trao tặng Danh hiệu “Thầy thuốc Ưu tú”.

Tới dự lễ kỷ niệm có các đồng chí Bùi Thị Minh Hoài, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Nguyễn Đắc Vinh Ủy viên Trung ương Đảng, Uỷ viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội; Trần Sỹ Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội; Trần Thị Nhị Hà, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện và Giám sát của Quốc hội; Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội; Nguyễn Lan Hương, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội; Phùng Thị Hồng Hà, Phó Chủ tịch thường trực HĐND TP; Vũ Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND TP và lãnh đạo các đơn vị trong ngành.

Thành ủy, HĐND, UBND, Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội chúc mừng ngành y tế Thủ đô

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, thấm nhuần lời dạy của Bác, những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ưu tiên dành nhiều nguồn lực đầu tư cho phát triển sự nghiệp y tế. Đến nay, ngành y tế Việt Nam đã và đang vươn lên một tầm cao mới, trở thành một trong những quốc gia đang phát triển có tốc độ ứng dụng và đổi mới kỹ thuật y học trong thực hành lâm sàng nhanh nhất trên thế giới. Những thành tựu nổi bật đó đã đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng công tác y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đặc biệt, trong năm vừa qua, ngành y tế đã hoàn thành xuất sắc 9 chỉ tiêu quan trọng trong Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy về phát triển hệ thống an sinh xã hội và nâng cao chất lượng sống của nhân dân Thủ đô.

Hà Nội đã có những bước tiến vượt bậc trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Thành phố đã chú trọng đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các cơ sở y tế ngoài công lập.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài trao bằng khen và huy hiệu cho các thầy thuốc ưu tú

Có thể thấy, ngành y tế Thủ đô đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận về chuyên môn và quản lý, bao gồm việc triển khai thành công các kỹ thuật mới, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, kết hợp y học hiện đại với y học cổ truyền, và phát triển mạnh mẽ công nghệ thông tin trong công tác y tế.

Đặc biệt, trong công tác phòng chống dịch, ngành y tế đã chủ động, kịp thời ứng phó với dịch bệnh, từ đại dịch Covid-19 cho đến những dịch bệnh truyền nhiễm khác, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng và ổn định tình hình xã hội.

Thay mặt lãnh đạo thành phố Hà Nội, Chủ tịch UBND TP gửi lời tri ân sâu sắc tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành y tế Thủ đô vì những đóng góp tích cực trong công tác bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 8 cá nhân

Để tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được, Chủ tịch UBND TP đề nghị Sở Y tế Hà Nội tiếp tục cải thiện, tinh gọn bộ máy ngành y tế, nâng cao hiệu quả hoạt động, đảm bảo triển khai đúng các chỉ đạo của trung ương và thành phố; xây dựng hệ thống khám chữa bệnh 3 cấp, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế dự phòng và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân.

Chủ tịch UBND TP cũng nêu rõ, thời gian tới, ngành y tế Hà Nội tiếp tục phát triển nguồn nhân lực y tế có chất lượng, với cơ cấu hợp lý, đáp ứng nhu cầu thực tiễn; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, cải cách hành chính, chuyển đổi số trong ngành y tế để hướng tới y tế thông minh; đề xuất các cơ chế, chính sách cụ thể hóa các nội dung về y tế trong Luật Thủ đô sửa đổi.

“Hành trình chăm sóc sức khỏe nhân dân là một chặng đường không có điểm dừng. Mỗi cán bộ, nhân viên ngành y tế Thủ đô cần không ngừng nỗ lực, sáng tạo và thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ “Lương y phải như từ mẫu, thầy thuốc phải như mẹ hiền”, xây dựng một ngành y tế Thủ đô phát triển, hiện đại, xứng đáng với lòng tin của nhân dân” - Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh.

Cũng tại buổi lễ, ông Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội cho biết, qua 70 năm, hệ thống y tế Thủ đô đã không ngừng lớn mạnh từ một số ít cơ sở y tế, nay đã trở thành một hệ thống y tế hoàn chỉnh, từ cấp ban đầu đến cấp chuyên sâu phủ kín các xã, phường, quận, huyện.

Hà Nội hiện có 42 bệnh viện công lập, 43 bệnh viện ngoài công lập trong đó có 9 bệnh viện hạng I, 3 bệnh viện chuyên khoa sâu tuyến cuối Bộ Y tế chỉ đạo chuyên môn cho các tỉnh phía bắc; 6 bệnh viện cấp chuyên sâu; 30 TTYT với 579 trạm y tế; hơn 15.000 cơ sở y, dược tư nhân. Hằng năm hệ thống y tế Thủ đô đã khám chữa bệnh cho hơn 10 triệu lượt người, phẫu thuật hàng trăm nghìn bệnh nhân, đã cứu sống nhiều bệnh nhân hiểm nghèo.

Thấm nhuần lời dạy của Bác: “Đoàn kết là sức mạnh của chúng ta. Đoàn kết thì vượt được mọi khó khăn, giành được nhiều thành tích”, Ban Giám đốc Sở Y tế qua các thời kỳ luôn dày công xây dựng, vun đắp tinh thần đoàn kết trong toàn ngành. Tinh thần đoàn kết đó đã biểu hiện đặc biệt rõ nét trong phòng chống đại dịch Covid-19. Không chỉ hơn 27.000 cán bộ ngành y tế đoàn kết vạn người như một, mà từ các đồng chí Thường trực Thành ủy, lãnh đạo thành phố, các sở ban ngành, quận huyện cho đến toàn thể người dân Hà Nội đã đồng lòng, thống nhất ý chí; nhờ vậy Hà Nội đã vượt qua đại dịch Covid-19, sức khỏe người dân được bảo vệ.

Thực hiện lời Bác dạy “Xây dựng một nền y học của ta”, các đơn vị y tế Hà Nội đã xác định rõ vai trò và nhiệm vụ trong việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao đã làm nên thương hiệu bệnh viện.

Điển hình là Bệnh viện Tim Hà Nội đã trở thành trung tâm tim mạch lớn toàn quốc, thực hiện các kỹ thuật chuyên sâu đặc biệt khó trong chuyên ngành tim mạch. Năm 2024, bệnh viện phẫu thuật tim mạch và phẫu thuật tim ít xâm lấn trên 2.300 bệnh nhân; can thiệp tim mạch cho 12.702 người bệnh, với ca bệnh nhỏ tuổi nhất có cân nặng 900gr.

Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội là một trong bốn bệnh viện sản phụ khoa hàng đầu Việt Nam, bệnh viện tuyến cuối Bộ Y tế, tiên phong trong ứng dụng kỹ thuật tiên tiến, đặc biệt trong y học bào thai và sàng lọc trước sinh, thực hiện thành công 3 kỹ thuật can thiệp bào thai.

Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội đứng thứ 2 toàn quốc về quy mô các thử nghiệm lâm sàng trong điều trị ung thư với gần 50 thử nghiệm lâm sàng đa quốc gia.

Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn và Đức Giang đã ghi những dấu ấn đặc biệt trên bản đồ ghép tạng của Việt Nam. Trong năm 2024, lần đầu tiên Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn thực hiện lấy tạng từ bệnh nhân chết não hiến tặng. Cùng một lúc, bệnh viện đã ghép thận thành công cho 2 bệnh nhân. Bệnh viện đa khoa Đức Giang thực hiện thành công 10 ca ghép thận, trong đó có 2 ca hiến tạng từ người chết não và làm chủ được kỹ thuật này.

Ông Nguyễn Đình Hưng- Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội trao Bằng khen của Bộ Y tế cho các đơn vị đã có thành tích xuất sắc trong PTTĐ “Ngành y tế 70 năm làm theo lời Bác Hồ dạy”

Trong lĩnh vực y tế dự phòng, Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố đã tham mưu thành phố chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh, kiểm soát tốt các đại dịch như Covid-19. TTYT 30 quận, huyện, thị xã đã thực hiện sàng lọc, khám phát hiện, quản lí điều trị bệnh tim mạch - tăng huyết áp, đái tháo đường. Năm 2024 đã thực hiện gần 3 triệu lượt khám tại y tế cơ sở, phát hiện mới 46.327 người tiền tăng huyết áp, 12.726 người tăng huyết áp; trên 370.000 người bệnh được quản lí, điều trị (96,6%). Hơn 29.100 người tiền đái tháo đường được quản lí can thiệp dự phòng; số người bệnh được quản lí, điều trị là 118.007 người; 11.781 người thừa cân béo phì được tư vấn kiểm soát; 25.248 người có nguy cơ tim mạch được tư vấn điều trị dự phòng. TTYT Sóc Sơn là một điển hình, đã thành công trong việc triển khai mô hình bác sỹ gia đình tại y tế cơ sở, với số lượng thẻ BHYT gần 230.000, hằng năm đã khám bệnh cho gần 500.000 lượt.

Ngành y tế Thủ đô đang nỗ lực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Việc triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử, bệnh án điện tử; đăng ký và khám bệnh BHYT bằng căn cước công dân gắn chip; đặt lịch khám qua điện thoại; thanh toán viện phí không dùng tiền mặt... đã tạo nhiều thuận lợi cho người dân.

Trong giai đoạn mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, ngành y tế Thủ đô xác định phải làm tốt hơn để tạo nguồn lực tốt nhất cho Thủ đô vươn mình, cất cánh.  Học và làm theo lời Bác, ngành y tế Hà Nội sẽ có những đột phá; hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ đủ năng lực; phát triển khoa học kỹ thuật chuyên sâu, kỹ thuật mới, các dịch vụ y tế chất lượng cao, nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh, nâng cao sự hài lòng của người bệnh.

Đặc biệt, ngành y tế đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số, xây dựng nền tảng số kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ sở khám chữa bệnh; triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử, bệnh án điện tử; chuyển đổi số trong phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn thực phẩm; ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong các hoạt động của ngành.

Với những đóng góp to lớn trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, ngành y tế Thủ đô đã được Đảng, Nhà nước, thành phố và Bộ Y tế ghi nhận và khen thưởng cho nhiều tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc. Sở Y tế đã được trao tặng Huân chương độc lập hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba và 2 lần được tặng Huân chương lao động hạng Nhất. Chủ tịch nước đã phong tặng danh hiệu cao quý cho 19 thầy thuốc nhân dân và 267 thầy thuốc ưu tú ngành y tế Thủ đô.

Tại lễ kỷ niệm, 19 thầy thuốc đã được trao danh hiệu Thầy thuốc ưu tú; 8 cá nhân được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 6 đơn vị được nhận Cờ thi đua xuất sắc của UBND TP; 94 tập thể được nhận danh hiệu “Tập thể Lao động xuất sắc” của UBND TP; 68 cá nhân được nhận Bằng khen thành tích công tác năm của UBND TP. Ngoài ra, 2 tập thể và 31 cá nhân được nhận Bằng khen của Bộ Y tế cùng 18 tập thể được nhận Bằng khen của UBND thành phố về thực hiện phong trào thi đua “Ngành y tế 70 năm làm theo lời Bác Hồ dạy”.

TIN LIÊN QUAN