Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep), sau 3 năm bị Ủy ban Châu Âu (EC) cảnh báo thẻ vàng khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không quản lý (IUU), Việt Nam đang nỗ lực thực hiện các khuyến nghị của EC để gỡ thẻ vàng. Nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống, trong đó đặc biệt là sự sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT và các địa phương, hiện nay có khoảng 82% số tàu cá được gắn thiết bị giám sát hành trình. Bên cạnh đó, việc truy xuất nguồn gốc, áp dụng mã số vùng trồng… cũng đã được cải thiện đáng kể.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều địa phương vẫn chưa thực sự quan tâm đến cảnh báo này, khiến tình trạng giám sát hành trình của tàu cá ở nhiều địa phương vẫn chưa được chặt chẽ.
Tỷ lệ tàu chưa được giám sát vẫn còn lớn
Bà Rịa - Vũng Tàu được xem là thủ phủ đánh bắt thủy hải sản của vùng Đông Nam Bộ, với hơn 5.800 tàu cá, trong đó có khoảng 3.000 tàu công suất lớn đánh bắt xa bờ; đồng thời là nơi tập trung nhiều tàu cá trong và ngoài tỉnh về neo đậu tại 12 cảng cá và 3 khu neo đậu tránh trú bão an toàn. Trước năm 2019, địa phương này luôn nằm trong “top đầu” những địa phương có lượng tàu và ngư dân đánh bắt trái phép bị nước ngoài bắt giữ.
Trước những hệ lụy của “thẻ vàng” thủy sản, các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh và ngành NN&PTNT đã vào cuộc và tích cực triển khai nhiều biện pháp mạnh mẽ trong cuộc chạy đua góp phần gỡ “thẻ vàng” cho thủy sản xuất khẩu. Do vậy, tình trạng này đã giảm đáng kể trong năm qua.
Ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho hay, hiện nay toàn tỉnh đã có 2.334/2.912 tàu cá có chiều dài trên 15m lắp đặt thiết bị giám sát hành trình khi khai thác thủy sản xa bờ. Tuy nhiên, vẫn còn 453 tàu có chiều dài từ 15m đến trên 24m chưa lắp thiết bị giám sát hành trình. Nguyên nhân chủ yếu đây là những tàu hành nghề lưới vây cá cơm, cá trích… thuộc nghề truyền thống và hoạt động ven bờ.
Ngành thủy sản đang nỗ lực tháo 2 “nút thắt” lớn để gỡ thẻ vàng IUU là gắn thiết bị hành trình và chấm dứt vi phạm vùng khai thác.
Đã làm được gì sau 3 năm thực hiện khuyến nghị của EC?
Ngay sau khi bị cảnh báo thẻ vàng IUU, VASEP đã khởi động chương trình “Doanh nghiệp hải sản cam kết chống khai thác IUU” với sự tham gia của 62 nhà máy, doanh nghiệp.
Chi cục Thủy sản tỉnh Kiên Giang cho biết, tỉnh đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho 90% tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên.
Qua kiểm tra giám sát hành trình tàu cá, tỉnh đã phát hiện tình trạng ngư dân tắt thiết bị, tháo gỡ thiết bị giảm sát hành trình gửi sang tàu hoặc phương tiện khác và bỏ trôi nổi trên biển để che mắt lực lượng chức năng... Chi cục Thủy sản Kiên Giang đã xử lý vi phạm hành chính 181 tàu hơn 2,8 tỉ đồng về hành vi tháo gỡ thiết bị giám sát hành trình, không duy trì hoặc vô hiệu hóa thiết bị, không thực hiện quy định trong trường hợp thiết bị này bị hỏng.
Về quyết tâm gỡ thẻ vàng IUU, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Đỗ Thanh Bình khẳng định, tỉnh sẽ đẩy nhanh tiến độ hoàn thành lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá; tổ chức rà soát thực hiện công tác đăng ký, cấp phép khai thác, đánh dấu tàu cá, xử lý tàu cá không đăng ký, đăng kiểm… đúng theo quy định.
Tỉnh Cà Mau cũng đang nỗ lực đẩy mạnh việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho các tàu cá trên địa bàn nhằm ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định trên địa bàn từ nay đến năm 2025.
Đến nay, toàn tỉnh Cà Mau có 1.348/1.595 tàu cá đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, đạt 84,5%.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Hữu Lập cho biết, đến nay đã có 97,76% tàu hoạt động khai thác thủy sản thuộc diện bắt buộc đã lắp đặt thiết bị giám sát. Tỉnh Bến Tre kiên quyết xử lý tàu khai thác vượt qua ranh giới phát hiện qua hệ thống giám sát; đẩy mạnh hoạt động tuần tra, kiểm soát, kiểm tra chặt chẽ tàu xuất, nhập bến, kiên quyết xử phạt vi phạm hành chính theo quy định đối với chủ tàu không lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.
Đại diện Tổng cục Thủy sản - Tổng cục trưởng Trần Đình Luân cảnh báo, nếu có tàu cá vi phạm vùng khai thác, Việt Nam sẽ rất khó gỡ thẻ vàng IUU. Do đó, các địa phương phải kiểm tra, giám sát nghiêm ngặt, không để xảy ra tình trạng vi phạm này.
Ông Nguyễn Trọng Chánh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Khánh Hòa cho biếêt, toàn tỉnh có hơn 4.200 tàu khai thác thủy sản, trong đó 750 tàu có chiều dài 15m trở lên. Thời gian qua, để góp phần gỡ “thẻ vàng”, Chi cục đã phối hợp các cơ quan liên quan đẩy mạnh tuyên truyền bà con tuân thủ các quy định của pháp luật về khai thác thủy sản.
Đồng thời, Chi cục bố trí lực lượng trực 24/24 giờ giám sát chặt chẽ các tàu cá hoạt động trên biển thông qua theo dõi thiết bị giám sát hành trình được kết nối với trạm bờ. Từ đó, thông báo, cảnh báo kịp thời cho các tàu có nguy cơ vi phạm vùng biển nước ngoài để tránh xâm phạm.
“Nhờ đẩy mạnh tuyên truyền nên ý thức của ngư dân được nâng lên. Do vậy từ cuối 2018 đến nay, tàu cá Khánh Hòa không vi phạm vùng biển nước ngoài. Bên cạnh đó, đến nay đã có 635/750 tàu cá ở Khánh Hòa đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.
Số tàu còn lại chưa lắp đặt, trong đó phân nửa ngưng hoạt động nằm bờ (có đơn xin) và cũng có tàu kinh tế khó khăn, có tàu chây ì không chịu lắp đặt. Do đó, số tàu này chúng tôi không giao dịch thủ tục hành chính cũng như cho tàu xuất bến…”, ông Chánh chia sẻ.
“Trước khi ra khơi, các tàu cá đều phải qua các khâu kiểm tra chặt chẽ của Chi cục Thủy sản, khi rời cảng, các trạm, đồn biên phòng sẽ tiếp tục kiểm tra xác định tọa độ. Nếu phát hiện ngư dân tắt máy, đội phản ứng nhanh sẽ gặp trực tiếp yêu cầu chủ tàu bắt buộc phải điện thoại “lệnh” cho thuyền trưởng phải bật máy định vị, nếu cố tình sẽ xử phạt theo quy định của pháp luật”.