Theo Bộ Công Thương, tổng kim ngạch cả năm 2024 đạt kỷ lục mới (gần 800 tỷ USD), tăng 15,4% so với năm trước, đặc biệt xuất khẩu đạt 405,53 tỷ USD, tăng 14,3%, hơn 2 lần chỉ tiêu. Cán cân thương mại ghi nhận năm thứ 9 liên tiếp xuất siêu ở mức cao (gần 25 tỷ USD), giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô...
Sản xuất công nghiệp phục hồi mạnh mẽ, tăng trưởng ngoạn mục với IIP tăng 8,4%, là mức tăng cao nhất kể từ năm 2020 đến nay, trong đó IIP ngành Chế biến chế tạo tăng 9,6%; Thị trường trong nước tăng trưởng vững chắc với tốc độ 9%, ổn định cung cầu sau 15 năm triển khai Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" là trụ đỡ đảm bảo các mục tiêu tăng trưởng vĩ mô; Thương mại điện tử vượt mốc doanh thu 25 tỷ USD, tăng trưởng 20% so với năm 2023 và chiếm 2/3 giá trị kinh tế số Việt Nam.
Công tác hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan về thương mại điện tử được chú trọng; Tiếp tục tăng cường thương mại điện tử xuyên biên giới. Xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách, trọng tâm là việc chủ trì, tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Điện lực (sửa đổi), thông qua chủ trương tái khởi động các dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và nhiều chính sách mới, tháo gỡ khó khăn cho các dự án năng lượng tái tạo; giải quyết nhiều dự án tồn đọng của ngành, tạo đột phá chiến lược cho phát triển năng lượng trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Các cân đối lớn được bảo đảm, nhất là an ninh năng lượng và cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất... Đặc biệt là kỳ tích hoàn thành đường dây 500kV mạch 3 với nhiều kỷ lục và các dự án trọng điểm ngành Năng lượng.
Bộ Công Thương cũng chủ động, quyết liệt thực hiện sắp xếp bộ máy “tinh, gọn, mạnh” theo tinh thần Nghị quyết 18 của Trung ương, Bộ đã đề xuất tinh giản gần 18% số đầu mối đơn vị thuộc Bộ và tinh gọn mạnh bộ máy hoạt động từ bên trong.
Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 nhằm chuẩn bị, củng cố các yếu tố nền tảng, làm tiền đề để nước ta tự tin bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc, hướng tới thực hiện thắng lợi mục tiêu Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030. Đồng thời, năm 2025 là năm tập trung tổ chức Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV.
Thực hiện chỉ đạo mới nhất của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc xác định kịch bản tăng trưởng cao của GDP năm 2025, ngành Công Thương đã chủ động rà soát và đề xuất nâng các chỉ tiêu tăng trưởng trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại năm 2025.
Để thực hiện thắng lợi, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2025 ở mức cao như nêu trên, Bộ Công Thương sẽ tập trung quán triệt sâu sắc và kịp thời thể chế hóa các Nghị quyết, Kết luận của Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và Nghị quyết số 57 ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia thành các cơ chế, chính sách đủ mạnh, khả thi, phù hợp nhằm làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống.
Một số nhiệm vụ trọng điểm bao gồm: hoàn thiện dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9, xây dựng dự thảo Luật Phát triển công nghiệp trọng điểm và Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả để trình Quốc hội trong năm 2025.
Trong năm 2025, ngành Công Thương sẽ tiếp tục xác định và đẩy mạnh triển khai công tác xây dựng thể chế, chính sách - một trong ba đột phá chiến lược quan trọng. Trọng tâm là khẩn trương hoàn thiện các văn bản hướng dẫn triển khai Luật Điện lực (sửa đổi) và cụ thể hóa chủ trương khởi động lại các dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Đồng thời, ngành sẽ tổ chức thực thi hiệu quả các cơ chế, chính sách mới được ban hành, đồng thời tiếp tục nghiên cứu và tham mưu xây dựng các chính sách quan trọng về phát triển năng lượng bền vững.
Song song với đó, công tác quản lý Nhà nước sẽ được chú trọng hoàn thiện nhằm giảm thiểu chồng chéo, bảo đảm tính ổn định, minh bạch và nhất quán, qua đó thúc đẩy sản xuất công nghiệp phát triển mạnh mẽ. Hệ thống chính sách ưu đãi đầu tư sẽ được củng cố, kết hợp với các hoạt động tuyên truyền và xúc tiến đầu tư, nhằm thu hút hiệu quả nguồn vốn trong và ngoài nước. Ngành cũng đặc biệt chú trọng kêu gọi các tập đoàn lớn, đa quốc gia đầu tư vào các dự án quan trọng trong danh mục dự án trọng điểm quốc gia kêu gọi FDI, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và nâng cao vị thế kinh tế của đất nước.
Ngành Công Thương sẽ tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp sản xuất công nghiệp. Trọng tâm là thúc đẩy tái cơ cấu ngành Công nghiệp và tái cấu trúc các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước theo kế hoạch đã được phê duyệt. Đồng thời, ngành sẽ xây dựng cơ chế và lộ trình phát triển đội ngũ doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, đặc biệt chú trọng các doanh nghiệp quy mô lớn, đóng vai trò trụ cột và doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.
Bên cạnh đó, sẽ có nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp kết nối, mở rộng thị trường, hợp tác chuyển giao công nghệ với đối tác quốc tế. Ngành cũng tích cực tham mưu tổng kết và cải thiện các chính sách hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là thu hút đầu tư FDI.
Trong lĩnh vực thương mại, ngành sẽ tập trung khai thác hiệu quả các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực, đồng thời đẩy mạnh ký kết và triển khai các hiệp định mới để đa dạng hóa thị trường và chuỗi cung ứng…
Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy tổ chức theo hướng hiệu quả, đồng thời nâng cao trách nhiệm và năng lực thực thi của cán bộ, công chức. Rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh cũng sẽ là ưu tiên hàng đầu nhằm giảm chi phí tuân thủ và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Đây là những bước đi quan trọng để xây dựng nền kinh tế vững mạnh, hiện đại và bền vững.