Tại Việt Nam, đây hiện là một trong những lĩnh vực được đánh giá có tốc độ chuyển đổi số nhanh nhất hiện nay khi 100% các ngân hàng thương mại (NHTM) đã triển khai hệ thống Core Banking, nâng mức tự động hóa trong xử lý các giao dịch hệ thống lên tới 90,6%.
Theo đánh giá của McKinsey, hệ thống ngân hàng Việt Nam có mức độ ứng dụng ngân hàng số với tốc độ nhanh nhất trong khu vực. Các NHTM đang triển khai mạnh mẽ quá trình nghiên cứu xây dựng chiến lược chuyển đổi số, tích cực ứng dụng các công nghệ nhằm tối ưu hóa, đơn giản hóa quy trình nghiệp vụ, nâng cao hiệu quả hoạt động và trải nghiệm khách hàng.
Thực tế cho thấy, một số ngân hàng đã bước đầu ứng dụng AI, robot và Big Data trong thu thập thông tin, phân tích và dự báo thị trường. Nhờ đó, hàng loạt các sản phẩm, dịch vụ số ra đời, mang đến trải nghiệm mới cho khách hàng, tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường thông qua các kênh tương tác, tiếp cận với khách hàng được dựa trên công nghệ số.
Theo các chuyên gia, việc bắt kịp xu hướng công nghệ để nâng cao khả năng cạnh tranh là mục tiêu quan trọng của các ngân hàng hiện nay. Hàng loạt các sản phẩm, dịch vụ số được các NHTM đưa ra nhằm đem lại trải nghiệm khác biệt dành cho khách hàng và trên hết là tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Bên cạnh đó, nỗ lực này cũng thể hiện sự tích cực, chủ động của các NHTM trong việc ứng dụng công nghệ số trong thực tiễn, tối ưu quyền lợi khách hàng.
Trong chiến lược chuyển đổi số, các NHTM chủ động chuyển đổi số cả về kênh giao tiếp khách hàng và nghiệp vụ nội bộ trong các hoạt động nghiệp vụ và cung ứng sản phẩm, dịch vụ để nâng cao hiệu quả hoạt động và tăng trải nghiệm khách hàng. Trong đó, Big Data, trí tuệ nhân tạo (AI) và học máy (Machine Learning) được các NHTM tận dụng triệt để nhằm phân tích hành vi, nhu cầu khách hàng giúp tối ưu hóa, cá nhân hóa việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ, đề xuất sản phẩm dịch vụ phù hợp...
Trong đó, AI và Machine Learning đang được ứng dụng ngày càng phổ biến trong ngành ngân hàng để thực hiện các giao dịch tài chính tự động mà không cần sự can thiệp của con người. Chúng có khả năng xử lý hàng triệu giao dịch mỗi giây, từ đó phát hiện gian lận và giao dịch bất thường kịp thời.
Đáng nói, AI và Machine Learning có thể dự đoán rủi ro tín dụng, giúp ngân hàng đánh giá được khả năng thanh toán của khách hàng. Hệ thống AI cũng hỗ trợ nhân viên ngân hàng ra quyết định nhanh chóng như cấp tín dụng, đầu tư và quản lý tài sản.
Đặc biệt, với Chatbot AI, ngân hàng có thể cung cấp dịch vụ và hỗ trợ cho khách hàng của mình 24/7 và bất cứ khi nào họ cần với tính cá nhân hóa cao. Chatbot giúp đơn giản hóa trải nghiệm của khách hàng, đề xuất dịch vụ phù hợp, giúp ngân hàng tiết kiệm chi phí và thời gian, tăng năng suất và cải thiện chất lượng dịch vụ khách hàng và giảm áp lực lên nhân viên.
Cùng với việc sử dụng điện toán đám mây, ngân hàng có thể giảm thiểu hơn nữa chi phí vận hành và duy trì hệ thống máy chủ riêng lẻ. Dịch vụ này cho phép ngân hàng chia sẻ dữ liệu an toàn với đối tác hoặc bên thứ ba một cách hiệu quả. Về lưu trữ dữ liệu, dịch vụ lưu trữ đám mây giúp ngân hàng tăng cường bảo mật và quản lí danh tính cấp độ cao.
Không dừng lại ở đó, ngành ngân hàng còn sử dụng IoT để theo dõi tài sản, cải thiện dịch vụ khách hàng. Việc này giúp ngân hàng quản lý tài sản thế chấp và đảm bảo tính minh bạch trong việc định giá tài sản. IoT còn được sử dụng để theo dõi tình trạng và vị trí của ATM, giúp ngân hàng quản lý, bảo trì hệ thống ATM hiệu quả hơn.
Tại sự kiện Chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2024 với chủ đề “Mở rộng kết nối và phát triển hệ sinh thái số” do Ngân hàng Nhà nước tổ chức mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh chuyển đổi số là một hành trình dài và trước mắt vẫn còn nhiều thách thức về đảm bảo an ninh an toàn, bảo mật thông tin, cập nhật, thích nghi với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ…
Theo đó, Thủ tướng đề nghị ngành ngân hàng bám sát quan điểm xuyên suốt của Chính phủ là lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, lấy trải nghiệm khách hàng là thước đo. Đồng thời, tổ chức triển khai hiệu quả các nhiệm vụ được Chính phủ giao, đảm bảo thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số của ngành gắn chặt với bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng.
Để đáp ứng kỳ vọng của khách hàng, ngành ngân hàng sẽ nỗ lực không ngừng đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thúc đẩy nghiên cứu các công nghệ, thành tựu nhằm tăng cường năng lực quản lý và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động ngân hàng; xây dựng cơ chế, chính sách, quản lý thúc đẩy chuyển đổi số ngành ngân hàng, tạo thuận lợi cho đổi mới sáng tạo; phát triển hạ tầng thanh toán và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0.
Tiên phong trong hoạt động chuyển đổi số từ rất sớm, ngay từ năm 2018, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) đã cho ra mắt phiên bản ngân hàng số OCB OMNI đầu tiên, nổi bật với các sản phẩm, tính năng khác biệt như: quản lý tài chính, giỏ thanh toán, thanh toán định kỳ/tương lai, sổ tay tiện ích (widget), mở sổ tiết kiệm online…
Trải qua 3 phiên bản với nhiều thay đổi mạnh mẽ về giao diện và thêm nhiều tính năng vượt trội. Ngày 15/5/2024, ngân hàng chính thức giới thiệu phiên bản OCB OMNI 4.0 trên cơ sở hợp tác cùng Backbase - công ty công nghệ tài chính hàng đầu thế giới.
Ứng dụng sẽ tích hợp những công nghệ mới nhất hiện nay, tạo nên những trải nghiệm riêng biệt cho người dùng, mang lại cảm giác ứng dụng được dành riêng cho từng khách hàng, nhưng mức độ bảo mật sẽ được ưu tiên hàng đầu. Đồng thời, với nền tảng Open API, phát triển hệ sinh thái số, người dùng có thể dễ dàng tiếp cận dịch vụ, hưởng ưu đãi kép cả của OCB và đối tác.