Đó là phát biểu của bà Lê Thị Thúy Sen, Vụ trưởng Vụ Truyền thông Ngân hàng Nhà nước tại Hội thảo “Tiến đến quốc gia không tiền mặt” tổ chức vào ngày 19/11 tại TP.HCM.
Theo bà Lê Thị Thúy Sen, Ngân hàng Nhà nước đã có 4 thay đổi đột phá trong hoạt động truyền thông giáo dục tài chính.
Thứ nhất, là thay đổi trong việc chú trọng đến chủ trương của Chính phủ về tài chính toàn diện, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính, bảo vệ người tiêu dùng sử dụng dịch vụ tài chính trong bối cảnh hội nhập nên phải thay đổi trong hoạt động truyền thông để thực hiện chủ trương đó.
Thứ hai, thay đổi nội dung thông tin. Ngân hàng Nhà nước đã thay đổi theo hướng tập trung truyền thông vào các vấn đề người dân, doanh nghiệp quan tâm, lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm để cung cấp các thông tin họ cần.
Thứ ba, thay đổi về hình thức truyền thông, lựa chọn các hình thức truyền thông đa dạng, sáng tạo, linh hoạt, phù hợp với từng đối tượng công chúng mục tiêu.
Thứ tư, thay đổi về cách thức đánh giá kết quả truyền thông. Sau khi thực hiện các chương trình truyền thông, Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện đánh giá kết quả dựa trên các cơ sở dữ liệu cụ thể thay vì các đánh giá định tính thông thường.
Bà Lê Thị Thúy Sen, Vụ trưởng Vụ Truyền thông, cho rằng có “4 khó” mà hoạt động truyền thông giáo dục tài chính, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt cần phải giải quyết, gồm: Khó nhớ, khó tiếp thu, khó áp dụng, khó lan tỏa. Để giải quyết triệt để 4 khó kể trên, giải pháp 4 dễ được Ngân hàng Nhà nước áp dụng trong hoạt động truyền thông giáo dục tài chính là: Dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm, dễ lan tỏa.
Do đó, Ngân hàng Nhà nước hướng vào những người đã dùng, những người đang băn khoăn và những người chưa dùng sản phẩm, dịch vụ tài chính, trong đó có thanh toán không dùng tiền mặt, làm sao để không ai bị bỏ lại phía sau trong tiếp cận dịch vụ tài chính.
Theo bà Lê Thị Thúy Sen, với những người đã sử dụng dịch vụ, công tác truyền thông giúp cho họ thấy những tiện ích của phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ ngân hàng nhằm hướng đến tăng tiện ích, nâng trải nghiệm cho người tiêu dùng. Với những người đang băn khoăn, truyền thông sẽ hướng đến một số vấn đề như phí dịch vụ thanh toán. Thực tế, thời gian qua, ngành ngân hàng đã miễn, giảm phí cho người dân và doanh nghiệp, nhất là trong đại dịch.
“Nếu họ băn khoăn về sự an toàn, truyền thông sẽ giúp cho người tiêu dùng hiểu được trong số hàng triệu triệu giao dịch chỉ có 1 giao dịch rủi ro, gần như là an toàn tuyệt đối. Đặc biệt, chúng tôi sẽ cung cấp cách thức sử dụng dịch vụ ngân hàng cho đúng. Bản thân các ngân hàng cũng có các quy chuẩn, tầng nấc bảo vệ người tiêu dùng sử dụng dịch vụ tài chính. Còn bản thân người dùng cũng cần trang bị kiến thức, kỹ năng về an toàn, bảo mật như không thể cho người khác mượn thẻ, không cung cấp thông tin bảo mật, mã OTP cho người khác. Với người chưa sử dụng, thì công tác truyền thông sẽ tiếp tục hướng đến tiện lợi khi sử dụng, về phí, cách sử dụng… với các hình thức truyền thông dễ nhớ, dễ hiểu", bà Lê Thị Thúy Sen nói.