Công ty cổ phần quản lý Quỹ Phú Hưng (PHS) đã có phân tích về ngành ngân hàng năm 2020 và đưa ra dự báo năm 2021.
Lợi nhuận 2020 tăng trưởng mạnh
Tính đến cuối năm 2020, tổng thu nhập lãi thuần của các ngân hàng niêm yết đạt 279.880 tỷ đồng, tăng 11,8% so với năm trước đó. Tăng trưởng thu nhập lãi thuần tăng được đóng góp chính bởi các ngân hàng thương mại tư nhân, với mức tăng 17,5% lên tổng cộng 172.217 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, các ngân hàng thương mại có yếu tố Nhà nước chỉ ghi nhận mức tăng trưởng vỏn vẹn 3,8% lên 107.663 tỷ đồng.
Thu nhập ngoài lãi thuần của các ngân hàng niêm yết cũng đã tăng mạnh 16,5% lên 91.765 tỷ đồng vào năm 2020. Có thể kể đến một số ngân hàng thương mại ghi nhận mức tăng vượt trội như Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (CTG) tăng 33%, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (TCB) tăng 22% hay Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BID) tăng 17%…. Thu nhập ngoài lãi tăng mạnh trong năm vừa qua nhờ vào 2 động lực chính là lãi từ kinh doanh Trái phiếu Chính phủ và thu nhập từ hoạt động bảo hiểm tăng mạnh.
Tổng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của ngân hàng niêm yết cũng đã ghi nhận mức tăng 20% trong năm vừa qua do tác động của đại dịch Covid-19. Trong đó, TCB ghi nhận mức tăng đột biến 185%, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội (SHB) tăng 92%, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB) tăng 46% ….
“Chúng tôi cho rằng việc tăng mạnh chi phí trích lập dự phòng của các ngân hàng thương mại trong năm vừa qua nhằm tạo ra bộ đệm vốn giúp cho các nhà băng có thể chống chọi lại tác động của đại dịch. Trong năm 2021, chúng tôi cho rằng chi phí trích lập dự phòng có thể sẽ không tăng đột biến như năm 2020 khi nền kinh tế cho thấy sự hồi phục mạnh mẽ, qua đó giúp cho các khoản nợ không bị chuyển nhóm. Đồng thời thông tư 03 vừa được ban hành cũng sẽ phần nào giúp cho áp lực trích lập của ngân hàng thương mại phần nào giảm bớt”, PHS nhận định.
Tính chung, lợi nhuận sau thuế của các ngân hàng thương mại niêm yết cán mức 110.368 tỷ đồng, tăng trưởng 16%. Các ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng lớn nhất bao gồm: CTG (+45%), VIB (+42,1%) hay OCB (+36,9%)…
Trong năm 2020, tỷ lệ nợ xấu (NPL) của các ngân hàng thương mại niêm yết đã giảm từ mức 1,48% trong năm 2019 xuống còn 1,36%. Nợ xấu sụt giảm trong năm 2020 vừa qua nhờ vào tác động của thông tư 01 đã giúp các ngân hàng thương mại trì hoãn việc ghi nợ xấu, đồng thời một số ngân hàng thương mại cũng đã mạnh tay trích lập và xử lý nợ xấu.
Ngân hàng nào bứt phá trong năm 2021?
Trong quý 1/2021, hàng loạt các ngân hàng thương mại cũng đã công bố kết quả kinh doanh tương đối khả quan nhờ vào hệ số NIM mở rộng dưới tác động của chi phí vốn thấp và tăng trưởng tín dụng khởi sắc so với cùng kỳ.
Về hệ số NIM, môi trường lãi suất thấp đặc biệt là chi phí huy động thấp với thanh khoản toàn hệ thống tiếp tục dồi dào là điều kiện thuận lợi giúp cho các ngân hàng tiếp tục cải thiện hệ số NIM của mình. Tăng trưởng tín dụng ghi nhận sự khởi sắc trong quý 1/2021 so với cùng kỳ nhờ vào việc nền kinh tế hồi phục.
“Do đó, chúng tôi kỳ vọng các ngân hàng thương mại sẽ tăng trưởng mạnh mẽ vào năm 2021, được hỗ trợ bởi tăng trưởng tín dụng toàn ngành vững chắc ở mức 14% và cải thiện hệ số NIM. Sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam sẽ thúc đẩy tín dụng tăng lên trong khi tín dụng tiêu dùng sẽ tiếp tục tăng trưởng sau khi tạm dừng vào năm 2020 do đại dịch Covid-19”, PHS lạc quan.
PHS dự báo tỷ suất lợi nhuận trên tài sản sinh lời sẽ cao hơn vào năm 2021 do các ngân hàng sẽ không phải giảm lãi suất cho vay trong khi chi phí huy động vốn có thể tiếp tục giảm nhờ CASA cải thiện và lãi suất huy động tiếp tục duy trì ở mức thấp.
PHS cho rằng chi phí dự phòng sẽ đi ngang hoặc giảm nhẹ so với năm 2020 nhờ Thông tư số 03 và cùng với đó là việc nền kinh tế hồi phục sẽ hỗ trợ tích cực tới các khoản cho vay. Lợi nhuận của ngân hàng niêm yết trong danh mục phân tích của PHS ước tính tăng 27%.
Theo dự báo, các ngân hàng thương mại có yếu tố Nhà nước trong năm 2021 sẽ ghi nhận tốc độ tăng trưởng lợi nhuận vượt trội so với nhóm ngân hàng thương mại tư nhân nhờ tỷ lệ NIM tăng mạnh và chi phí trích lập dự phòng ổn định hơn trong năm 2021.
Nhờ vào tăng trưởng lợi nhuận được duy trì tích cực trong năm nay, PHS đưa ra khuyến nghị: Tích cực đối cổ phiếu ngân hàng và các lựa chọn hàng đầu của là VCB, TCB và ACB, nhờ chất lượng tài sản vượt trội và bộ đệm vốn được duy trì ở mức an toàn.