Ném còn - trò chơi dân gian đầy ý nghĩa
Người Thái hay còn gọi là Tày Khao (Thái Trắng), Tày Đăm (Thái Đen) là một dân tộc sống tập trung chủ yếu ở vùng Tây Bắc nước ta, có số dân cư đông thứ 3 trong số các dân tộc ở Việt Nam. Tới nay, người Thái đã di cư tới nhiều vùng miền, trong đó có mảnh đất cao nguyên Lâm Đồng.
Là một trong những dân tộc có nhiều bản sắc độc đáo, có nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc, mang tính cộng đồng. Đặc biệt, mỗi độ Xuân về phải kể tới lễ hội “Ném còn” hay còn gọi là “Tung còn”.
Ném còn là trò chơi dân gian của người Thái thường diễn ra vào mùa Xuân hay những dịp vui chơi sau khi cúng bản, tế mường. “Còn” to bằng quả cam lớn, có hình tròn thường được làm bằng vải, được thêu theo múi với hoa văn nhiều màu sắc. Những mảnh vải vụn cắt thành hình ô vuông, có cạnh khoảng 18cm, gấp chéo 4 góc vào nhau, bên trong nhồi các loại hạt như hạt bông hay hạt thóc, biểu thị của sự cầu mong nảy nở sinh sôi.
Dây còn cũng được khâu bằng vải, độ dài bằng nửa sải tay, một đầu đính vào tâm giao của quả còn. Tua được cắt bằng vải vụn, đủ màu sắc, sau đó đính vào 4 góc của quả còn và đính so le điểm trên dây còn, tạo thành biểu tượng như hình con rồng bay. Tiếng Thái còn gọi là “Cón cuống”, mang niềm tin gửi gắm nơi con rồng đem lại sự phồn thịnh, hạnh phúc.
Khi hoàn thành xong những quả còn đầy màu sắc, cả bản sẽ cùng nhau ra chơi tại một khoảng sân rộng lớn. Có hai cách chơi ném còn, một là ném còn qua vòng, nếu ai ném qua được vòng trên cột thì được coi là thắng cuộc, tài giỏi và may mắn cả một năm. Cách thứ hai là chia làm hai tốp nam nữ (còn độc thân) hoặc cả nam và nữ tùy theo đội chơi. Đây là cách chơi để “gieo duyên” khi mỗi cặp nam nữ sẽ ném còn qua lại, nếu ai đón trượt sẽ phải có một món quà trao cho người thắng cuộc.
Đây là một trò chơi dân gian đậm bản sắc của người Thái, vừa có tính văn hóa vừa mang tính thể thao, rèn luyện sự khéo léo, nhanh nhạy. Người chơi vừa được tỏ tình, kết duyên, vừa được gặp gỡ và gắn bó, tăng tinh thần đoàn kết cho bản làng, mang ý nghĩa nhân sinh cao đẹp, cần được gìn giữ.
Người Thái tại Lâm Đồng không còn duy trì được các trò chơi khác như nhảy sạp. |
Ném còn - Tìm lại bản sắc Thái trên vùng đất cao nguyên
Trên mảnh đất cao nguyên Lâm Đồng, một bộ phận người dân tộc Thái đã di cư và sinh sống nhiều năm. Trong đó, người Thái tập trung sinh sống tại xã Tùng Nghĩa và xã N’Thol Hạ ở huyện Đức Trọng.
Sau nhiều năm sinh sống tại vùng đất mới, nhiều bản sắc văn hóa dân tộc của người Thái đã “hòa chung” với người Kinh, nhưng ném còn vẫn là lễ hội được người Thái trên vùng cao nguyên Lâm Viên tổ chức hàng năm vào dịp Tết Nguyên đán.
Hòa mình vào không khí Tết Nguyên đán, người Thái nơi đây cũng tổ chức lễ hội Ném còn cho tất cả người dân bản Thái. “Hàng năm thôn Thái Sơn vẫn tổ chức Ném còn cho bà con tại sân bóng của thôn. Bất cứ ai cũng được tham gia, không phân biệt già trẻ, hay nam nữ, chỉ cần tự ném những quả còn của mình qua vòng tròn trên cao sẽ được chính quyền trao thưởng, có thể là một bình rượu, 1 con gà hay những giỏ quà đơn giản nhưng vẫn khiến bà con vui vẻ tham gia” - ông Lò Văn Thạch trưởng thôn Thái Sơn, xã N’Thol Hạ, huyện Đức Trọng chia sẻ.
Ông Thạch cho biết dù vẫn còn duy trì lễ hội Ném còn, nhưng nhiều tập tục ngày Xuân của người Thái tại đây đã nhạt phai như không còn những bộ trang phục đậm nét của người Thái, không còn những món ăn đặc trưng trong dịp Tết như bánh chưng đen, cá độn cơm… Việc tổ chức Ném còn cũng chỉ là hoạt động tự người dân trong thôn cùng với chính quyền thôn tổ chức, chưa được sự quan tâm của chính quyền cấp trên. Theo thời gian, nhiều người cũng không còn mặn mà với lễ hội Ném còn.
Tiếng khèn trên đình núi Tây Bắc cũng không còn được người Thái ngân vang trên cao nguyên Lâm Viên. |
“Tất cả người Thái ở thôn Thái Sơn đều ăn Tết theo người Kinh, đi chơi ở các khu hội chợ, thác nước, cũng ăn uống như họ, chủ yếu đi tới nhà người thân, không có trưởng bản mà giờ là trưởng thôn giống như người Kinh. Múa xòe, nhảy sạp cũng không còn nữa vì đa phần ở đây là người trẻ. Các cụ già đã mất rồi, nên không còn giữ được các tập quán của người Thái chúng tôi, bọn trẻ sau này chỉ nói được dăm ba câu tiếng Thái” - chia sẻ của Cà Thì Ái Luân, chi hội trưởng hội phụ nữ của thôn Thái Sơn. Bà Luân cũng cho biết do di cư vào Lâm Đồng mấy chục năm, cộng thêm việc lo khai hoang, đầu tư để trồng trọt, tiếp xúc nhiều với người Kinh nên hai phong tục đã hòa trộn lại. “Chúng tôi cố gắng tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, lễ hội của người Thái nhưng không còn mấy ai quan tâm, đặc biệt là những thanh niên trong thôn".
Trong thời kỳ hội nhập hiện nay, không chỉ ở thành thị mà ngay cả những vùng quê cũng đổi khác rất nhiều từ lối sống, nhu cầu cho tới văn hóa cộng đồng. Cuộc sống không ngừng đổi mới cũng là lúc nhu cầu mưu sinh cùng với dịch vụ của cuộc sống được đẩy lên cao đồng nghĩa với việc bản sắc dân tộc cũng trở thành một thứ rất “xa xỉ”. Không phải ngẫu nhiên mà những nét văn hóa đặc sắc của người Thái bị phai mờ trên mảnh đất cao nguyên.
Việc gìn giữ nét riêng của dân tộc Thái cũng như những bản sắc văn hóa được đúc kết, lưu truyền qua nhiều thế hệ là điều hết sức cần thiết và cấp bách. Tuy bản sắc văn hóa tồn tại tự nhiên không ép buộc nhưng nó là giá trị của một dân tộc “hòa nhập nhưng đừng hòa tan”.
Chính quyền các cấp cần có kế hoạch và giải pháp đồng bộ về việc bảo tồn nét đẹp của người Thái. Những lễ hội, hoạt động cộng đồng dành cho người dân mang truyền thống văn hóa dân tộc Thái cần được quan tâm đầu tư và tổ chức nhiều hơn.
Ném còn còn có ý nghĩa kết duyên với mỗi đôi nam nữ chưa lập gia đình. |
Bích Nguyễn - Ảnh: Trần Hải