Năm 2015: Doanh nghiệp lắng nghe để bảo vệ quyền lợi Người tiêu dùng

(NTD) - Tổng Cty Viễn thông Viettel (Viettel Telecom) khắc phục sự cố sóng yếu cho khoảng 3 vạn thuê bao tại các khu chung cư cao tầng trên địa bàn TP Hà Nội; hay Tổng Cty Điện lực Hà Nội xử lý sự cố mang lại nguồn điện ổn cho hàng nghìn hộ dân tại Thanh Trì…Đây là 2 trong số nhiều kết quả từ công tác đấu tranh bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước lắng nghe giải quyết dứt điểm trong năm 2015.

Hơn 2 vạn thuê bao được dùng sóng điện thoại khỏe

Ngày 15/4/2015, Báo Người tiêu dùng nhận được thông tin phản ánh của người dân tại các chung cư cao tầng phía Tây Nam Hà Nội như CT11,12A,B,C Kim Văn Kim Lũ (Đại Kim, Hoàng Mai), VP3,5,6 Linh Đàm (Hoàng Liệt, Hoàng Mai), Xa La (Hà Đông), Tân Triều, Đại Thanh (Thanh Trì)… về sự cố mất sóng điện thoại.

Sáng ngày 16/4, sau khi trao đổi với phóng viên Báo Người tiêu dùng, đại diện nhà mạng Viettel đã cử bộ phận kỹ thuật đưa xe chuyên dụng xuống khu vực này kiểm tra thực trạng sóng điện thoại tại khu vực này. 

Kết quả bộ phận kỹ thuật của Viettel cho biết, đúng như người dân phản ánh toàn bộ tầng hầm, thang máy, và các căn hộ cao tầng tại các tòa nhà CT11,12A,B,C Kim Văn Kim Lũ (Đại Kim, Hoàng Mai) đều không có sóng.

Trước thực trạng này nhà mạng Viettel đã phối hợp với các đối tác đưa ra phương án tối ưu nhất để giúp khu vực này có sóng ổn định.

Chỉ sau 15 năm ngày kể từ khi Báo Người tiêu dùng phản ánh nhà mạng Viettel đã đã khắc phục thành công sóng tại khu vực này. 

 Chị P.T. N. L sống tại CT12C – Người đã từng phản ánh đến Báo Người tiêu dùng về sự cố sóng yếu chia sẻ: “nhà tôi ở trên tầng cao trước ông bà, nội ngoại gọi điện sang hỏi thăm cháu vào buổi tối đàm thoại rất khó khăn, hay bị gãy sóng, tuy nhiên một tuần trở lại đây sóng rất khỏe lúc nào cũng ở mức 5 vạch”.

“Mọi khi mọi người đi thang máy mà có cuộc gọi đến, hay có việc đột suất muốn gọi đi là chịu chết không sao liên lạc được, nhưng hiện sóng trong thang máy, dưới tầng hầm đều rất khỏe và ổn định” – chị L. chia sẻ thêm.

Cùng quan điểm với chị L, anh Tùng một cư dân sống tại tầng 40CT12C cho biết: “Trước tôi ở tầng 40 sử dụng mạng Viettel không sao liên lạc được, sống ở chung cư mà như đang ở đảo hoang ý. Còn hiện nay trên nhà, thậm chí hiện tôi đang ở dưới tầng hầm để xe sóng lúc nào cũng ở mức 4 – 5 vạch”.

Tiếp theo các khu chung cư nói trên, tính đến cuối tháng 9/2015, nhà mạng Viettel đã kích sóng thành công thêm cho khoảng 2 vạn thuê bao tại khu chung cư VP3,4,5,6… Linh Đàm (Hoàng Mai), Tân Triều, Đại Thanh (Thanh Trì), KĐT Xa La (Hà Đông).

Hơn 2 vạn thuê bao điện thoại, tại hơn 20 tòa chung cư cao tầng hưởng lợi từ việc kích sóng. Ảnh: Bình Minh

Về lợi ích của việc khắc phục sự cố sóng yếu tại các tòa nhà chung cư cao tầng, ông Phạm Công Thành, chuyên gia trong lĩnh vực phân tích thị trường đánh giá: Việc khắc phục tình trạng sóng yếu nó giúp cho người dân sử dụng dịch vụ chất lượng hơn, còn nhà mạng thì thu được nhiều tiền hơn. “Tại sao tôi lại nói vậy? trước đây nếu như hàng vạn thuê bao sống tại các tòa chung cư cao tầng đàm thoại chỉ ít giây rồi tắt ngấm không giải quyết được công việc, cũng như mối quan hệ tình cảm thì giờ đây họ có thể gọi đến hàng phút, hàng chục phút…mà không bị sóng kém cắt quãng gây ảnh hưởng. Với việc dân đông, số lượng lại dùng nhiều hơn rõ ràng lợi ích mang lại cho nhà mạng là không hề nhỏ” - ông Thành phân tích thêm.

Giữ Lưới điện ổn định cho hàng nghìn hộ dân

Ngày 2/7, Báo Người tiêu dùng có nhận được thông tin phản ánh của chị Nguyễn Thị Nguyệt Oanh, sống tại Thanh Liệt, Thanh Trì Hà Nội về sự cố mất điện làm ảnh hưởng đến hàng 1000 hộ dân trên địa bàn huyện Thanh Trì vào những ngày cao điểm của đợt nắng nóng lên đến 40oC.

Cụ thể (từ 1-5/7) đều đặn từ 21 giờ ngày hôm trước đến 2 giờ sáng ngày hôm sau, bị cắt điện không có thông báo trước khiến cho cuộc sống của người dân nơi đây ảnh hưởng rất nhiều.

Trước sự việc này, Báo Người tiêu dùng đã phản ánh đến Tập đoàn điện lực Việt Nam chỉ đạo Cty điện lực Thanh Trì xác định nguyên nhân sớm khắc phục sự cố.

 Kết quả chỉ sau 1 ngày (3/7), ông Nguyễn Văn Sơn, GĐ Cty điện lực Thanh Trì xác nhận là có tình trạng mất điện như người dân phản ánh.

 Về nguyên nhân dẫn tới sự cố nói trên được ông Sơn giải thích, trong đợt nắng nóng kỷ lục vừa qua, do nắng nóng đột biến; khách hàng sử dụng điện đã lắp đặt bổ sung và sử dụng tối đa các thiết bị chống nóng. Mức độ dùng điện tăng cao đột xuất có thời điểm gấp đôi bình thường dẫn đến quá tải đường trục, quá tài MBA làm nhảy ATOMAT (ATM) bảo vệ trong những giờ cao điểm.

Cụ thể tại khu vực khách hàng phản ánh: Trạm biến áp Thanh Liệt 8 bị quá tải cục bộ,đột xuất trong những giờ cao điểm. 

Trước sự việc trên sau khi báo chí và người dân phản ánh, Công ty Điện lực Thanh Trì đã lập phương án thay máy để nâng công suất chịu tải từ 400kVA lên 560kVA ngay trong đêm rạng sáng ngày 05/7/2015. 

Là người đã từng phải chịu cảnh mất điện vào những ngày nắng nóng nhất trong năm, đồng thời cũng là người đầu tiên phản ánh đến Báo Người tiêu dùng, chị Nguyễn Thị Nguyệt Oanh cho biết: “Kể từ khi Cty điện lực Thanh Trì nâng công suất tại trạm biến áp Thanh Liệt 8 cho đến nay đã hơn 5 tháng điện chúng tôi dùng đã rất ổn định, không còn tình trạng mất thường xuyên do quá tải như trước nữa. Thậm chí sau sự cố hồi tháng 7 Cty điện lực Thanh Trì có thường xuyên xuống khu vực này để kiểm tra bảo trì đường điện cho người dân”.

Bổ sung thêm 2 căn tái định cư cho dân bị thu hồi

Tháng 6/2015, ông Hoàng Quang Tuyến, tại địa chỉ 514 đường Trường Chinh, phường Ngã Tư Sở (quận Đống Đa) có đơn phản ánh đến Báo Người tiêu dùng kiến nghị Ban Bồi thường và tái định cư quận Đống Đa xem xét lại việc bố trí căn hộ tái định cư cho các hộ sống trên thửa đất 514 đường Trường Chinh.

Sau khi Báo Người tiêu dùng phản ánh ngày 23/6/2015, ông Vũ Hồng Khanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội đã có văn bản số 4223/UBND-TN MT chỉ đạo quận Đống Đa xem xét xử giải quyết kiến nghị, khiếu nại của ông Hoàng Quang Tuyến theo quy định của pháp luật, báo cáo kết quả về UBND TP Hà Nội theo quy định.

Từ văn bản chỉ đạo của ông Vũ Hồng Khanh, lãnh đạo UBND quận Đống Đa đã chỉ đạo Ban bồi thường và tái định cư rà soát xem xét lại trường hợp bố trí tại định cư của các hộ tại địa chỉ 514 đường Trường Chinh.

Ngày  8/12, trả lời phóng viên Báo Người tiêu dùng, ông Nguyễn Hoàng Giáp - phó Chủ tịch quận Đống Đa khẳng định: “Về trường hợp gia đình ông Hoàng Quang Tuyến Tại địa chỉ 514 đường Trường Chinh, phường Ngã Tư Sở, quận Đống Đa sau nhiều lần họp với Ban đền bù và tái định cư đã đi đến thống nhất gửi đơn đề nghị UBND TP Hà Nội xem xét giải quyết bổ sung thêm 2 căn hộ tái định cư”.

Việc xem xét giải quyết thỏa đáng trong trường hợp này, không chỉ có ý nghĩa giúp các hộ dân sớm an cư ở vùng đất mới khi bị mất đất, mà còn có ý nghĩa giúp cho quận Đống Đa sớm hoàn thành công tác GDMP tuyến vành đai 2 (đoạn Tôn Thất Tùng – Ngã Tư Sở) bàn giao đất sạch cho nhà thầu triển khai dự án theo đúng tiến độ (trước quý I/2016).

Người bệnh bị ép làm thẻ ATM

Theo phản ánh của người dân đến báo Người tiêu dùng, Tại phòng khám bệnh theo yêu cầu thuộc Khoa Khám bệnh của Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), người bệnh bị buộc phải làm thẻ ATM để nạp tiền trước vào tài khoản mới được khám. 

Bà Trần Thị Thu (ở Thái Bình), vào tháng 3/2015 có đến khám bệnh ở Bệnh viện (BV) Bạch Mai, kể lại: “Họ bảo tôi phải nộp tạm ứng 2 triệu đồng vào tài khoản của Ngân hàng TMCP Công thương VN (Vietinbank) thì mới được khám. Nhưng bệnh nhân quá đông nên việc làm thẻ ATM (tại BV) mất rất nhiều thời gian, có hôm phải đợi đến cả giờ đồng hồ vẫn không làm được thẻ, phải quay lại vào hôm khác, rất vất vả”.

Theo bà Thu, khi nạp 2 triệu đồng, nhân viên làm thẻ ngân hàng nói nếu khám bệnh xong còn dư tiền thì ra cây ATM rút lại toàn bộ số tiền dư, nhưng thực tế lại không phải vậy. “Tôi khám 12 loại dịch vụ hết tổng cộng 709.000 đồng, tôi ra cây ATM rút số tiền còn lại nhưng rút đến khi còn lại 70.450 đồng thì không thể rút được nữa”, bà Thu khẳng định.

Nhiều khách hàng có cảm giác bị ép làm thẻ khi khám bệnh tại khu vực khám bệnh tự nguyện (Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội). Ảnh: Bình Minh

Tương tự, bệnh nhân Đ. (ở Hà Nội) đến khám ở BV Bạch Mai được yêu cầu nộp 1 triệu đồng vào tài khoản ATM của Vietinbank. Khám xong, ông Đ. rút tiền dư đến khi còn 125.000 đồng thì không rút được nữa. Ngày 1.4, chúng tôi cùng ông Đ. đến cây ATM của Vietinbank (đặt tại tầng 4 BV Bạch Mai) để rút thử trước sự chứng kiến của nhiều người thì máy báo không rút được số tiền 125.000 đồng còn lại trong tài khoản.

Khác với bà Thu và ông Đ. vốn chưa từng sử dụng thẻ ATM, anh N.Đ.M (ở Hà Nội) đã dùng thẻ ATM từ lâu của Ngân hàng Vietcombank và Techcombank, nhưng cũng gặp khó khi đến khám tại BV Bạch Mai. Bởi anh phải mở thêm tài khoản Vietinbank mới có thể thanh toán viện phí.

“Thông thường sử dụng thẻ thanh toán của một ngân hàng bất kỳ có thể thanh toán một số dịch vụ khác nhau tại các điểm có chấp nhận thanh toán trực tuyến, nhưng không hiểu tại sao BV Bạch Mai lại chỉ chấp nhận thanh toán cho mỗi thẻ ATM của Vietinbank?”, anh M. thắc mắc.

Sau khi Báo Người tiêu đung phản ánh những bất cập này, ông Cao Hưng Thái, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã yêu cầu BV Bạch Mai có báo cáo giải trình đầy đủ về sự việc bệnh nhân phản ánh như trên. 

Theo ông Hưng, quan điểm chỉ đạo của Bộ Y tế là tăng cường chất lượng khám, chữa bệnh và đáp ứng nhu cầu, sự hài lòng của người bệnh, trong đó có đổi mới cải cách thủ tục hành chính. “Chúng tôi khuyến khích các BV khi có đủ điều kiện thì ứng dụng công nghệ thông tin. 

Tuy nhiên việc ứng dụng đó nếu gây phiền hà như người bệnh phản ánh thì chúng tôi sẽ kiểm tra lại. Nếu đúng có phiền hà, bất cập chúng tôi sẽ yêu cầu điều chỉnh ngay”, ông Hưng nói.

Trước sự việc này phía bệnh viện Bạch Mai Hà Nội đã có những điều chỉnh hết sức "gượng ép". Đó là mọi người bệnh có quyền khám bệnh theo yêu cầu không bắt buộc phải dùng thẻ ATM của Ngân hàng Vietinbank, nhưng lại không có những hướng dẫn cụ thể cho người bệnh đến khám; thanh toán viện phí qua thẻ ngân hàng là chủ trương đúng góp phần phát triển hoạt động thanh toán điện tử, tuy nhiên việc triển khai này tính đến thời điểm hiện tại chỉ có duy nhất một ngân hàng được tham gia (tài trợ nên bệnh viện cho vào) đã tạo ra thế độc quyền gây khó cho người bệnh?

Năm 2014 hầu hết các vụ việc xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của NTD, đều phải đấu tranh mạnh mẽ trên mặt báo buộc các cơ quan, doanh nghiệp phải vào cuộc giải quyết dứt điểm. Tuy nhiên sang năm 2015, phần lớn các vụ việc sau khi NTD phản ánh đến thông qua báo Người tiêu dùng, thì đều được các doanh tiếp thu phối hợp giải quyết trên tinh thần thượng tôn khách quan, lắng nghe để phát triển. Đây chắc chắn cũng là phương pháp chủ đạo được Báo Người tiêu dùng tiếp lựa chọn trong năm 2016. Trên tinh thần đảm bảo quyền và lợi ích NTD, nhưng cũng phải đồng hành khích lệ doanh nghiệp phát triển hướng tới những sản phẩm, hàng hóa chất lượng cao, dịch vụ tốt, chuyên nghiệp vì người tiêu dùng.

Thông tin mới nhất mời bạn đọc theo dõi tại đây.

PV

Nên đọc