MSB trình phương án sáp nhập thêm một ngân hàng khác

(CL&CS) - Tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 tổ chức vào ngày 21/4 tới tại Hà Nội, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) sẽ trình phương án sáp nhập thêm một ngân hàng.

Mạng xã hội đang đồn đoán MSB nhận sáp nhập PGBank sau khi Petrolimex thoái 40% vốn.

MSB cho biết, từ những thay đổi của thị trường, kế hoạch kinh doanh của ngân hàng cũng linh hoạt chuyển đổi để phù hợp và thích ứng. Việc sáp nhập mang tới hiệu quả hoạt động cao hơn cho ngân hàng khi tận dụng được nền tảng công nghệ, nguồn lực giao dịch hay mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch…

Bên cạnh việc tăng trưởng quy mô cũng như thúc đẩy nguồn vốn, ngân hàng có thể điều tiết chi phí tổng thể hợp lý hơn khi giảm thiểu sự trùng lặp trong cơ cấu vận hành, cắt giảm chi phí quản lý và hoạt động. Nếu sáp nhập thành công, hai bên có thể khai thác được những lợi thế của nhau, tăng thị phần, tận dụng quan hệ khách hàng, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo ra cơ hội kinh doanh mới.

“Dựa trên kinh nghiệm sáp nhập trước đây với Ngân hàng TMCP Phát triển Mê Kông (MDB), hi vọng kế hoạch này sẽ nhận được sự đồng thuận từ đại hội đồng cổ đông, mở ra tương lai mới cho ngân hàng. Sáp nhập không đơn thuần là phép cộng giá trị, với kế hoạch được nghiên cứu kỹ càng để tận dụng tối đa lợi thế, giá trị MSB sẽ lớn hơn, chất lượng hơn phép cộng số học đó”, đại diện MSB chia sẻ.

Trong thời gian tới, ngành ngân hàng có vài thương vụ thoái vốn cổ phần. Đó là, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) thoái vốn 140.501.644 cổ phiếu LPB của Ngân hàng TMCP Bưu Điện Liên Việt (Lienvietpostbank) - tương đương 10,15% vốn điều lệ của Lienvietpostbank - với giá khởi điểm 22.908 đồng/cổ phiếu qua hình thức đấu giá công khai tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).

Ngày 7/4, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) tổ chức đấu giá 40% vốn điều lệ của Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank), tương đương 120 triệu cổ phiếu với giá khởi điểm 21.300 đồng/cổ phiếu tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE). Đáng chú ý là PGBank có nhiều nhân sự cao cấp từ MSB chuyển sang.

Đó là tháng 5/2020, ông Hoàng Xuân Hiệp từ MSB sang đầu quân cho PGBank và hiện là Phó Tổng Giám đốc phụ trách Khối Xử lý và Thu hồi nợ, Phòng Pháp chế và Tuân thủ.

Tháng 11/2020, ông Nguyễn Phi Hùng, nguyên Phó Tổng Giám đốc MSB cũng được bổ nhiệm làm quyền Tổng Giám đốc và hiện là Tổng Giám đốc PGBank.

Tháng 4/2021, ông Nilesh Banglorewala, cựu Giám đốc Tài chính kiêm Kế toán trưởng MSB được bổ nhiệm làm Thành viên HĐQT PGBank.

Tháng 4/2022, ông Oliver Schwarzhaupt, cựu Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc khối Quản lý Rủi ro MSB cũng được bổ nhiệm làm Thành viên HĐQT PGBank.

Tháng 2/2023, ông Đỗ Thành Công từng nắm giữ nhiều chức vụ Thành viên Hội đồng tín dụng và đầu tư; Thành viên Ủy ban Quản lý rủi ro; Thành viên Hội đồng xử lý rủi ro... giữ chức Phó Tổng Giám đốc PGBank phụ trách Khối Tái thẩm định và Phê duyệt.

Lợi nhuận trước thuế (tỷ đồng) của MSB giai đoạn 2008 - 2022 và kế hoạch 2023.

Năm 2022, tổng tài sản của MSB đạt 212.776 tỷ đồng, Cho vay khách hàng đạt hơn 120.600 tỷ đồng, tăng trưởng gần 19% so với năm 2021.

Tiền gửi huy động từ khách hàng ghi nhận trên 117.000 tỷ đồng, tăng khoảng 24% so với 2021. Đáng chú ý là tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tại MSB đạt 31,16% tại thời điểm 31/12/2022, trung bình năm đạt 36%, nằm trong nhóm cao nhất thị trường.

Tổng thu nhập hoạt động (TOI) đạt gần 10.700 tỷ đồng, trong đó ghi nhận tăng trưởng tốt từ hoạt động kinh doanh ngoại hối. Lãi thuần mảng này tăng 2,6 lần so với năm 2021, đạt trên 1.000 tỷ đồng. Thu nhập lãi thuần đạt hơn 8.300 tỷ đồng, tăng 34% so với năm trước với biên lãi thuần đạt mức hiệu quả so với mặt bằng chung thị trường, ở mức 4,5%.

Kết thúc năm tài chính, lợi nhuận trước thuế của MSB đạt 5.787 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 14%. Mức lợi nhuận này đạt 85% kế hoạch năm, do kế hoạch bán FCCOM bị ảnh hưởng trực tiếp từ bối cảnh thị trường biến động.

Sau hai năm liên tiếp chia cổ tức và phát hành cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 30%, MSB sẽ không chia cổ tức cho năm 2022 để giữ vốn chủ sở hữu và vốn điều lệ như hiện tại để tạo nguồn lực cho hoạt động kinh doanh.

Về các chỉ tiêu an toàn, ngân hàng ghi nhận tỷ lệ dư nợ trên huy động (LDR riêng lẻ) đạt mức 68,77% (so với giới hạn 85%) và tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của mảng ngân hàng được kiểm soát ở mức 23,57% (so với yêu cầu 37%). Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) hợp nhất theo thông tư 41 đạt 12,33%. Tỷ lệ nợ xấu (NPL mảng ngân hàng) theo thông tư 11/NHNN đang ở mức 1,21%.

Bước sang năm 2023, MSB đặt ra kế hoạch kinh doanh thận với tổng tài sản 230.000 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế 6.300 tỷ đồng; dư nợ tín dụng dự kiến 141.700 tỷ đồng, tùy theo tỷ lệ tăng trưởng tín dụng được Ngân hàng Nhà nước cấp theo chính sách điều hành từng thời kỳ; nợ xấu duy trì dưới 3% theo quy định.

TIN LIÊN QUAN