Mạng xã hội có vô can?

(CL&CS) - Mới đây cơ quan Công an của tỉnh Bạc Liêu đã bắt quả tang một đối tượng là nam sinh viên một trường cao đẳng ở địa phương trồng trái phép một vườn cần sa trên mái nhà. Tang vật vụ việc là 30 cây cần sa trồng trong thùng xốp và một số cây khô đã sơ chế. Điều đáng nói, đối tượng này khai đã tìm mua hạt giống trên mạng xã hội về trồng để bán lấy tiền tiêu xài.

Ảnh minh hoạ.

Đầu năm 2024, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lai Châu cũng tạm giữ hình sự một đối tượng về hành vi trồng cây thuốc phiện tại TP Lai Châu. Vật chứng của vụ việc là 1.347 cây thuốc phiện được trồng trong vườn nhà. Đối tượng cũng khai đã mua hạt giống loại cây bị pháp luật cấm trồng và buôn bán trái phép này từ trên mạng về trồng...

Không khó để tìm trên các báo điện tử hàng loạt vụ việc vi phạm pháp luật tương tự mà các đối tượng đều tìm mua hạt giống, học cách trồng loại cây cấm trồng này thông qua mạng xã hội.

Người dùng mạng xã hội cũng không khó khăn để tiếp cận loại hạt giống cây và cây thành phẩm này trên mạng cũng như cách trồng chúng mà nhiều người vẫn thường gọi “mua trên chợ mạng”. Nguy hiểm hơn, với công nghệ số, công nghệ AI hiện nay, khi người dùng mạng xã hội chỉ cần đánh từ “anh túc”, “cần sa” thì tài khoản người dùng sẽ bị “dội” về hàng loạt thông tin quảng bá, giới thiệu về loại hạt, loại cây và cả các tài khoản bán thứ hàng cấm này. Do đó, đôi khi một người không có ý định về việc mua bán hay trồng loại cây cấm này, nhưng vô tình tìm kiếm thông tin về vụ án, đối tượng liên quan đến ma túy nhưng kết quả lại được hướng đến các tài khoản giới thiệu mua bán loại sản phẩm này.

Nhìn thẳng thực tế, mạng xã hội đang góp phần tiếp tay quảng bá cho việc trồng, mua bán trái phép cây cần sa, cây thuốc phiện. Điều này cần được các cơ quan hữu quan quan tâm nhiều hơn, rà soát trên môi trường internet, mạng xã hội những đối tượng lợi dụng môi trường công nghệ để mua bán loại hàng hóa trái phép này. Xử lý nghiêm các doanh nghiệp mạng xã hội để xảy ra việc người dùng lợi dụng mạng xã hội thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Các nhà mạng cần nâng cao trách nhiệm với người dùng, với xã hội trong kiểm soát và lọc các tài khoản thực hiện hành vi trái pháp luật. Mỗi người dân cần tìm hiểu, nâng cao ý thức pháp luật về phòng chống ma túy, cụ thể là không tham gia mua bán sản phẩm của các loại cây này và kịp thời tố giác khi phát hiện các đối tượng có hành vi vi phạm.

TIN LIÊN QUAN