Theo Vụ thị trường châu Á - châu Phi, cách đây ít ngày Bộ Công thương nhận được thông tin từ Sở Công thương tỉnh Quảng Ninh về việc Chính quyền Đông Hưng, Quảng Tây, Trung Quốc thông báo tạm dừng thông quan nhập khẩu đối với mặt hàng thanh long của Việt Nam qua khu vực Cầu phao tạm Đông Hưng (phía Việt Nam là Điểm xuất hàng Km3+4, Quảng Ninh) từ ngày 15-21/9/2021 do phát hiện virus Sars-CoV-2 trên bao bì bọc quả thanh long và thùng các-tông đựng thanh long nhập khẩu từ Việt Nam.
Theo thông báo của phía Đông Hưng, sau 23 giờ ngày 21/9/2021, mặt hàng thanh long sẽ tự động được khôi phục thông quan nhập khẩu qua địa điểm này. Tuy nhiên, nếu tiếp tục phát hiện virus Sars-CoV-2 (bằng phương pháp xét nghiệm PCR) trên thanh long hoặc mặt hàng khác, cơ quan phòng chống dịch Covid-19 Đông Hưng sẽ gia hạn thời gian tạm dừng thông quan nhập khẩu thêm 1 tuần đối với mặt hàng đó. Nếu phát hiện 3 lần dương tính, mặt hàng đó sẽ bị tạm dừng thông quan 4 tuần.
Sở Công thương Quảng Ninh đã có văn bản thông báo tới Sở Công thương các địa phương, doanh nghiệp, thương nhân thường xuyên hoạt động xuất khẩu tại Điểm xuất hàng Km 3+4 để chủ động phương án phân luồng hàng hóa.
Bộ Công thương đề nghị các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long chủ động theo dõi, cập nhật thông tin và trao đổi với đối tác Trung Quốc để thay đổi địa điểm giao nhận hàng phù hợp. Đồng thời, đề nghị các tỉnh, các doanh nghiệp học tập kinh nghiệm của tỉnh Bắc Giang, chủ động kiểm tra, rà soát quy trình thu hoạch, đóng gói, chế biến và vận chuyển nông sản, nhất là trái cây, để giúp đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm trong bối cảnh dịch Covid-19.
Trung Quốc đã thận trọng kiểm tra thực phẩm nhập khẩu, đặc biệt là thịt và hải sản, để tìm dấu vết của vi-rút, mặc dù Tổ chức Y tế Thế giới cho biết không có bằng chứng về việc người dân nhiễm vi-rút từ thực phẩm và bao bì thực phẩm.
Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương, dẫn thông tin từ Hải quan Trung Quốc, cho biết Trung Quốc nhập khẩu thanh long chủ yếu từ Việt Nam với lượng chiếm 99,99% tổng lượng thanh long nhập khẩu, còn lại là lượng nhập khẩu từ thị trường Đài Loan.
Còn theo lời ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, Trung Quốc là điểm đến hàng đầu của thanh long Việt Nam, chiếm hơn 80% tổng lượng xuất khẩu và lên tới 1 tỷ USD mỗi năm. Tuy nhiên nếu trước đây thanh long Việt Nam sang đến Quảng Tây cũng chỉ mất 2-3 ngày là vào các chợ, siêu thị nhưng nay lại đội lên tới 10 ngày.
“Dù Trung Quốc có thông báo một số lô hàng phát hiện virus SARS-CoV-2 phải tạm dừng nhập khẩu ở một số cửa khẩu, trong một thời điểm nhất định nhưng nguyên nhân sâu xa hơn và cũng không loại trừ đây là hàng rào kỹ thuật nhằm bảo hộ hàng nội địa, tiêu thụ thanh long cho nông dân Trung Quốc”, ông Nguyên nói.
Đại diện Hiệp hội Rau quả Việt Nam kiến nghị, ngoài tìm cách mở các thị trường mới cho trái cây này, đã đến lúc Bộ NN-PTNT và các địa phương phải tính toán và cơ cấu lại diện tích trồng thanh long để tránh đụng độ hoặc phải cạnh tranh trực tiếp với hàng nội địa của nước bạn. Dự báo những năm tới đây, Trung Quốc có nguồn cung trong nước đủ lớn và thanh long Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc sẽ càng khó khăn hơn.
Đáng nói diện tích thanh long Trung Quốc tăng mạnh trong những năm qua và đã tương đương diện tích ở Việt Nam, khoảng 35.555ha. Điều này sẽ gây tác động tới việc thanh long Việt nam xuất khẩu sang nước này.
Quảng Tây là địa phương có diện tích trồng lớn nhất với khoảng 10.666 ha, kế đó là các địa phương như Quảng Đông, Quý Châu, Hải Nam, Vân Nam, Phúc Kiến... Diện tích trồng và sản lượng thanh long của Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng trong một vài năm tới.
Trung Quốc bắt đầu thu hoạch từ tháng 5 - 11 hằng năm, không chênh lệch nhiều so với mùa vụ của Việt Nam. Quảng Tây cũng là một trong số các địa bàn chính tiêu thụ thanh long Việt Nam, bên cạnh các tỉnh Quảng Đông, Vân Nam. Vì thế, việc nhập khẩu thanh long Việt Nam vào Trung Quốc hiện nay ngày càng không chỉ khó khăn khi bị kiểm tra gắt gao về tiêu chuẩn kỹ thuật mà còn phải cạnh tranh với thanh long bản địa.