Bên cạnh đó, xu hướng chung của các ngân hàng hiện nay là sử dụng tên viết tắt dưới dạng rút gọn nhất có thể, dễ đọc, dễ nhớ. Do đó, ngân hàng này muốn thay đổi tên viết tắt bằng tiếng Anh từ LienVietPostBank thành LPBank.
Được biết, tiền thân của LienVietPostBank là Ngân hàng TMCP Liên Việt (LienVietBank) được Ngân hàng Nhà nước cấp phép hoạt động từ 28/3/2008 với trụ sở chính tại Hậu Giang, vốn điều lệ 3.300 tỷ đồng. Ngân hàng do các cổ đông sáng lập là Công ty TNHH Thương mại Him Lam, Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra), Công ty Dịch vụ Hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO).
Đến 2011, Tổng công ty Bưu chính Việt Nam - hiện nay là Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) tham gia góp vốn vào ngân hàng bằng giá trị 360 tỷ đồng của Công ty Dịch vụ Tiết kiệm Bưu điện (VPSC) và vốn góp thêm bằng tiền mặt 450 tỷ đồng. Sau giao dịch này, VNPost sở hữu 12,54% vốn điều lệ 6.460 tỷ đồng của ngân hàng.
Từ đó, ngân hàng khai thác hệ thống hơn 10.000 điểm giao dịch bưu điện của VNPost trên toàn quốc. Đồng thời, Ngân hàng TMCP Liên Việt (LienVietBank) đổi tên thành Ngân hàng TMCP Bưu Điện Liên Việt (LienVietPostBank), ngân hàng bưu điện đầu tiên của Việt Nam. Từ đó, LienVietPostBank được sử dụng trên tất cả các văn bản pháp lý và các kênh truyền thông.
Tuy nhiên theo quy định pháp luật, các khoản đầu tư ngoài ngành của VNPost phải thoái vốn và khoản đầu tư tại LienVietPostBank không là ngoại lệ. Mới đây, VNPost thông báo tổ chức đấu giá công khai 140.501.644 cổ phiếu LPB của LienVietPostBank tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vào 21/4/2023.
Tuy nhiên, không có nhà đầu tư nào đăng ký tham gia đấu giá bởi vì giá khởi điểm do VNPost đưa ra lên đến 22.908 đồng/cổ phiếu, cao hơn 40% so với cổ phiếu LPB đang giao dịch trên thị trường chứng khoán. Trước đây, VNPost cũng từng tổ chức đấu giá nhằm thoái vốn khỏi LienVietPostBank nhưng giá khởi điểm cao hơn thị giá LPB đang giao dịch trên sàn nên không thu hút sự quan tâm của công chúng. Bên cạnh đó, tỷ lệ sở hữu của VNPost tại LienVietPostBank không đủ lớn để một nhóm nhà đầu tư nào đó thực hiện “ý tưởng” đổi chủ hay thâu tóm (M&A) ngân hàng.
Như vậy, ngoài việc rút ngắn thành LPBank, ngân hàng này thực hiện lộ trình “xóa” dần chữ Bưu Điện - Post trong tên gọi sau khi VNPost thoái vốn.
Theo số liệu từ VNPost, đến hết năm 2022, số dư tiền gửi tiết kiệm bưu điện đạt 79.770 tỷ đồng và đến hết tháng 2 năm nay, con số là trên 82.500 tỷ đồng.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, năm 2011, khi VNPost góp vốn 810 tỷ đồng và trở thành cổ đông của LienVietPostBank, tổng số bưu cục cung cấp dịch vụ tiết kiệm bưu điện là 798 và chuyển thành phòng giao dịch bưu điện của ngân hàng. Tại thời điểm 20/6/2022, tổng số phòng giao dịch bưu điện là 585.