Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), năm 2019 là năm thứ hai liên tiếp, thị trường và các doanh nghiệp bất động sản phải đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức. Quy mô thị trường và nguồn cung dự án, nguồn cung sản phẩm nhà ở sụt giảm mạnh, nhất là phân khúc nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội. Giá nhà tăng cao, trong đó, căn hộ chung cư tăng giá khoảng 15-20%. Cá biệt, tại Q.9, TP.HCM có trường hợp một dự án nhà ở có mức giá bán căn hộ tăng đến 39% so với năm 2018. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp bất động sản đều bị sụt giảm mạnh về doanh thu và lợi nhuận, thậm chí một số doanh nghiệp bị thua lỗ hoặc đứng trước nguy cơ bị phá sản.
Trước những khó khăn của thị trường bất động sản trong thời gian qua, mới đây tại “Hội nghị gặp gỡ và trao đổi giữa lãnh đạo chính quyền TP.HCM với doanh nghiệp kinh doanh bất động sản”, nhiều giải pháp đột phá đã được nêu ra nhằm giải quyết khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng, để thực hiện một dự án bất động sản có đất hỗn hợp, doanh nghiệp phải trải qua 6 bước gồm: Làm thủ tục quyết định chủ trương đầu tư; trình duyệt quy hoạch chi tiết 1/500; làm thủ tục giao thuê đất; quy định doanh nghiệp phải lập thủ tục xác định nghĩa vụ tài chính, nộp tiền sử dụng đất; cấp sổ đỏ dự án và cuối cùng là công nhận chủ đầu tư, thẩm định thiết kế, cấp giấy phép xây dựng và triển khai thực hiện.
Tuy nhiên trên thực tế, doanh nghiệp bất động sản luôn mong muốn được nộp tiền sử dụng đất càng nhanh càng tốt để họ sớm được bán sản phẩm nhưng quy trình nộp tiền hiện nay quá lâu. Sự chậm trễ này đã làm ảnh hưởng toàn bộ quy trình cấp phép, triển khai xây dựng dự án của doanh nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp bất động sản kỳ vọng thị trường sẽ phục hồi và tăng trưởng trở lại từ quý 3/2020. |
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho rằng, lãnh đạo TP.HCM cần tháo gỡ 4 vấn đề quan trọng mà các doanh nghiệp bất động sản hiện đang gặp phải đó là xác định quy trình thực hiện dự án nhà ở hợp lý (giảm từ 5 bước xuống còn 4 bước), giải quyết nhanh thủ tục nộp tiền sử dụng đất, xem xét giải quyết các dự án đang bị dừng triển khai và giải quyết rào cản “chỉ tiêu quy mô dân số” các quận, huyện.
Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, bất động sản là 1 trong 9 ngành dịch vụ chủ yếu của thành phố. Hiện nay, trên địa bàn thành phố có khoảng 415.000 doanh nghiệp, gồm gần 15.000 doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, trong 9.000 doanh nghiệp lớn thì có hơn 30% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản.
Tuy nhiên, trong năm 2019 chỉ có 4 dự án nhà ở thương mại được công nhận chủ đầu tư (giảm 24% so với năm 2018), 16 dự án nhà ở thương mại được chấp thuận đầu tư (giảm 64 dự án), 47 dự án được xác nhận đủ điều kiện huy động vốn (giảm 30 dự án). Nguyên nhân là do các quy định pháp luật, nhiều dự án đang trong quá trình thanh tra, kiểm tra, rà soát thủ tục pháp lý, sự đùn đẩy giải quyết của các cơ quan quản lý Nhà nước hoặc việc giải quyết chưa liên thông, đồng bộ gây khó khăn cho doanh nghiệp, làm giảm nguồn thu ngân sách.
Trước các kiến nghị của doanh nghiệp, lãnh đạo TP.HCM nêu rõ, các sở ngành phải cùng chia sẻ với doanh nghiệp, thấy sự thành công của doanh nghiệp là sự thành công của thành phố, không để sự trì trệ trong thực thi pháp luật, chính sách, không thể đứng ngoài guồng máy và dòng chảy đang tiến lên phía trước. Cán bộ khi giải quyết hồ sơ cho doanh nghiệp được hay không được phải trả lời, không thể “ngâm” hồ sơ trong khi nhiều doanh nghiệp chịu lãi suất ngân hàng và các chi phí khác đã đổ vào dự án.
Đối với những nội dung đề xuất tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền của thành phố, UBND thành phố sẽ đăng ký lịch làm việc với Văn phòng Chính phủ cùng các bộ, ngành cùng thành phố tháo gỡ vướng mắc cho các doanh nghiệp bất động sản trên địa bàn thành phố. Đối với những vướng mắc thuộc quy trình thủ tục của thành phố, đề nghị các sở, ngành quan tâm phối hợp giải quyết, đẩy nhanh việc triển khai thực hiện dự án cho doanh nghiệp. UBND thành phố sẽ thành lập Tổ công tác họp hằng tuần và đến ngày 30/4 phải giải quyết xong các vướng mắc mà nhiều doanh nghiệp đã kiến nghị.
Dự báo thị trường bất động sản năm 2020, Chủ tịch HoREA cho rằng, với sự tháo gỡ khó khăn vướng mắc của các cơ quan có thẩm quyền Trung ương và thành phố, có thể từ quý 3/2020 trở đi, thị trường bất động sản sẽ phục hồi và tăng trưởng trở lại theo hướng minh bạch, công bằng, lành mạnh hơn trước đây.
Cũng theo ông Châu, năm 2020, ít có nguy cơ xảy ra “bong bóng”, nhưng có thể xảy ra tình trạng sốt giá đất nền cục bộ ở một số khu vực có quy hoạch phát triển đô thị, phát triển giao thông. Phân khúc thị trường căn hộ chung cư nhà ở thương mại 1-2 phòng ngủ, có giá vừa túi tiền (trên dưới 2 tỷ đồng/căn) tiếp tục giữ vị trí chủ đạo trong thị trường bất động sản.
Ông Châu cũng đề nghị UBND TP.HCM phối hợp với các cơ quan Trung ương sớm có kết luận đối với các dự án thuộc diện rà soát, thanh tra, để các chủ đầu tư chấp hành, trước hết là thực hiện các nghĩa vụ tài chính bổ sung với Nhà nước (nếu có) và được tiếp tục triển khai thực hiện dự án, giúp bổ sung nguồn cung cho thị trường bất động sản, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho các tầng lớp nhân dân.
Bài và ảnh: Tấn Lợi