Sau Hội nghị Trung ương 10, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV diễn ra với những nhiệm vụ đặc biệt, không chỉ về khối lượng công việc lớn, đặc biệt là trong công tác lập pháp, mà còn ở sự đổi mới trong tinh thần xây dựng luật. Các đại biểu Quốc hội kỳ vọng những đổi mới này sẽ góp phần tháo gỡ các điểm nghẽn trong phát triển kinh tế-xã hội, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của đất nước.
Nhiều luật đảm bảo chất lượng được thông qua, nhằm tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn trong thực thi để phát triển kinh tế-xã hội
Đại biểu Trần Thị Thu Hằng – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắc Nông: Tôi mong muốn nhiều luật đảm bảo chất lượng được thông qua, nhằm tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn trong thực thi để phát triển kinh tế-xã hội, ổn định cuộc sống của người dân. Về công tác chuẩn bị Kỳ họp được đảm bảo cả về cơ sở vật chất và nguồn lực; tài liệu gửi đến đại biểu Quốc hội kịp thời, có những tài liệu gửi đến đại biểu Quốc hội rất sớm, đảm bảo về thời gian theo quy định. Các Đoàn ĐBQH cũng tổ chức tiếp xúc cử tri, lấy ý kiến các đơn vị có liên quan đến các luật, giúp công tác lập pháp đạt hiệu quả cao, bám sát thực tiễn cuộc sống.
Tại Kỳ họp thứ 8, tôi cũng quan tâm đến một số dự thảo luật như: Luật Di sản văn hóa, Luật Quảng cáo, Luật Điện lực, với nhiều nội dung mới. Tôi cho rằng, cần nghiên cứu thật kỹ lưỡng, thận trọng, đảm bảo chất lượng, để khi được thông qua và có hiệu lực có thể áp dụng ngay trong thực tiễn. Ngoài ra, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn cũng được đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm; thông qua đó đại biểu có thể truyền tải ý kiến, kiến nghị của cử tri và mong muốn các bộ trưởng, trưởng ngành giải quyết những vướng mắc đang nảy sinh trong công tác quản lý trong từng lĩnh vực của bộ, ngành quản lý.
Đại biểu Nguyễn Quang Huân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương: Dự kiến Kỳ họp thứ 8 sẽ thông qua 15 luật, cho ý kiến lần đầu đối với 13 luật và một số nội dung quan trọng như: chủ trương đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam; về việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương, hoạt động giám sát tối cao, giám sát chuyên đề... Trong đó, đối với công tác lập pháp có một số nội dung quan trọng, nhận được sự quan tâm của đại biểu Quốc hội, cử tri và Nhân dân như dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), dự án Luật Điện lực (sửa đổi). Tôi cho rằng, trong trường hợp nếu các dự án luật quan trọng chưa thông qua theo quy trình một kỳ họp, có thể ban hành nghị quyết riêng để tháo gỡ một số vướng mắc cấp bách.
Tôi cũng đánh giá cao điểm mới trong công tác xây dựng pháp luật, đó là bàn về các quyết sách lớn, tăng thời gian thảo luận tổ để ghi nhận được nhiều ý kiến của đại biểu phát biểu góp ý vào các dự thảo luật.
Đại biểu Nguyễn Hải Dũng - Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định nhận định: "Kỳ họp thứ 8 diễn ra ngay sau Hội nghị Trung ương 10, và tôi cho rằng đây là một kỳ họp với nhiều sự đổi mới đáng chú ý, đặc biệt trong công tác lập pháp. Chúng ta đã xác định rõ mục tiêu xây dựng luật pháp phải ngắn gọn, dễ hiểu, có tính thực tiễn cao và không lồng ghép các nội dung thuộc nghị định, thông tư". Ông cũng khẳng định, quan điểm xây dựng luật này hoàn toàn phù hợp với xu hướng quốc tế và sẽ giúp tháo gỡ các điểm nghẽn hiện nay trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: Bày tỏ sự kỳ vọng về chất lượng của kỳ họp. Bà Mai cho biết: "Thời gian của kỳ họp này được kéo dài hơn và nội dung nhiều hơn. Chúng tôi tin rằng với sự đổi mới trong cách điều hành của lãnh đạo Quốc hội, toàn bộ các nội dung sẽ được hoàn thành với chất lượng tốt nhất". Một trong những nội dung quan trọng tại kỳ họp này là các dự án luật và nghị quyết được đưa ra để thảo luận, thông qua. Dự kiến, Quốc hội sẽ thông qua 15 luật, đồng thời cho ý kiến lần đầu đối với 13 luật khác.
Một số nội dung đặc biệt quan trọng, được cử tri và nhân dân quan tâm, bao gồm các dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), Luật Điện lực (sửa đổi), chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao bắc-nam, việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương...
Các đại biểu Quốc hội đều đồng thuận rằng kỳ họp thứ 8 lần này mang lại nhiều cơ hội và kỳ vọng cho sự phát triển của đất nước, với sự đổi mới trong cách tiếp cận và xây dựng luật, cùng với sự giám sát chặt chẽ, Quốc hội sẽ tháo gỡ được nhiều khó khăn, đặc biệt là các vấn đề tồn đọng trong sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội.