Độc quyền 15 năm
Sun Life bước chân vào thị trường Việt Nam thông qua liên doanh Bảo hiểm Nhân thọ PVI Sun Life.
Tháng 11/2016, PVI Sun Life trở thành công ty 100% vốn của Tập đoàn Sun Life Financial (Canada) và đổi tên thành Sun Life Việt Nam.
Hợp tác độc quyền giữa ACB và Sun Life sẽ kéo dài 15 năm, bắt đầu từ ngày 1/1/2021. Tuy nhiên, giá trị thương vụ này không được tiết lộ. Sun Life sẽ được phân phối bancassurance qua mạng lưới 371 chi nhánh trên 48 tỉnh, thành của ACB.
Ông Larry Madge, Tổng Giám đốc Sun Life Việt Nam cho biết: “ACB là ngân hàng hàng đầu tại Việt Nam và cùng chia sẻ với chúng tôi mong muốn mang đến những trải nghiệm khách hàng khác biệt dựa trên nền tảng công nghệ số và phân tích dữ liệu, cùng với những giải pháp sáng tạo. Với việc hợp tác này, chúng tôi và ACB cùng hướng tới mục tiêu mang đến một tương lai tươi sáng hơn cho khách hàng tại Việt Nam”.
Ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch HĐQT ACB, chia sẻ: “ACB đặt ra một tầm nhìn lâu dài trong việc lựa chọn đối tác độc quyền cung cấp bảo hiểm nhân thọ và chúng tôi rất hào hứng bắt đầu hành trình hợp tác 15 năm với Sun Life để mang tới những dịch vụ tài chính toàn diện cho khách hàng”.
Tổng Giám đốc ACB Đỗ Minh Toàn cho biết: “Sun Life, với bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ trên toàn cầu và cam kết mạnh mẽ với thị trường Việt Nam, và ACB, với năng lực triển khai vượt trội, sẽ cùng nhau xây dựng kênh phân phối bảo hiểm nhân thọ qua ngân hàng hàng đầu tại Việt Nam.”
Thị trường bảo hiểm Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng to lớn do tỷ lệ người tham gia bảo hiểm còn khiêm tốn và sự gia tăng đáng kể của tầng lớp trung lưu. Chính vì vậy, trong những năm gần đây, hoạt động phân phối các sản phẩm bảo hiểm qua kênh ngân hàng đang ngày càng phát triển nhanh chóng, và hiện nay đóng góp gần 30% tổng doanh thu bảo hiểm nhân thọ.
Việc hợp tác giữa Sun Life và ACB là một phần trong chiến lược dài hạn của Sun Life nhằm phát triển năng lực phân phối, với sự đóng góp mạnh mẽ từ kênh phân phối qua ngân hàng.
Cổ phiếu ACB vượt đỉnh
Trước đó, CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định: ACB sở hữu nhiều lợi thế cạnh tranh cho đối tác bảo hiểm để đảm bảo đạt được một thỏa thuận bancassurance độc quyền với những điều khoản có lợi cho ngân hàng.
Hiện nay, ACB đang phân phối các sản phẩm bảo hiểm cho Manulife, AIA, FWD. Trong đó, các sản phẩm của AIA đang bán tốt nhất trong số ba công ty bảo hiểm nhân thọ. Cuối năm 2019, ACB đứng ở vị trí thứ 5 trong top các nhà phân phối bancassurance Việt Nam dù chưa có thỏa thuận độc quyền nào. Tại thời điểm đó, thị phần bancassurance của ACB đạt 6,1%, xếp sau VIB (14,3%, hợp đồng độc quyền với Prudential), MB (10,9%, qua MB Ageas Life JV), Techcombank (9,1%, hợp đồng độc quyền với Manulife), Sacombank (7,8%, hợp đồng độc quyền với Dai-ichi Life).
BVSC nhận định, kết quả kinh doanh bancassurance hấp dẫn trước khi ký hợp đồng bancassurance độc quyền sẽ giúp gia tăng quyền thương lượng cho ACB với công ty bảo hiểm nhân thọ, qua đó đạt được tổng phí trả trước cao hơn so với các ngân hàng khác. Với 3,6 triệu khách hàng, BVSC ước tính phí trả trước của ACB có thể hơn 90 triệu USD.
Trước đó, Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCP Chứng khoán SSI (SSI Research) đề cập ACB đưa giả định về một khoản phí trả trước theo thỏa thuận bancassurance độc quyền có thể giúp làm tăng tổng vốn chủ sở hữu của ACB năm 2021.
Quan sát các giao dịch bancassurance độc quyền gần đây, phí bancassurance mỗi khách hàng dao động từ 20 - 35 USD. Do đó, SSI Research giả định phí độc quyền trong trường hợp của ACB có thể khoảng 2.500 - 3.000 tỷ đồng, giúp tăng vốn chủ sở hữu năm 2021 tăng 6-7%.
Đóng cửa ngày 18/11, cổ phiếu ACB đạt 27.200 đồng/cổ phiếu, đây là mức cao nhất mọi thời đại của cổ phiếu này. Ở mức giá này, vốn hóa của ACB đạt 58.794 tỷ đồng.
Trong 9 tháng đầu năm nay, tổng thu nhập của ACB đạt 12.966 tỷ đồng, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 5.133 tỷ đồng, tăng 15,4%.
Tại thời điểm 30/9, tổng tài sản đạt 418.748 tỷ đồng, tăng 9,2% so với đầu năm; tiền gửi của khách hàng đạt 334.729 tỷ đồng, tăng 8,6%; cho vay khách hàng đạt 330.551 tỷ đồng, tăng 10,7%. Nợ xấu đạt 2.480 tỷ đồng, tăng 71,1%; tỷ lệ nợ xấu mở mức 0,83%, tăng 0,29 điểm phần trăm so với đầu năm.