Báo cáo kết quả giám sát về đổi mới chương trình, sách giáo khoa của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá, đến nay, sách giáo khoa triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới được bảo đảm đầy đủ theo đúng lộ trình quy định. Nội dung sách giáo khoa cơ bản đã đáp ứng yêu cầu, được đổi mới theo hướng tinh giản, tăng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn.
Tuy nhiên, đoàn giám sát cũng chỉ ra tồn tại, hạn chế trong thực hiện đổi mới SGK giáo dục phổ thông.
Thứ nhất, việc thẩm định, tiếp thu chỉnh sửa một số SGK chưa chặt chẽ dẫn tới chất lượng chưa bảo đảm, còn nhiều lỗi, nội dung thiếu chính xác, văn phong chưa chuẩn mực ở nhiều SGK, nhất là với SGK tiếng Việt lớp 1, khoa học tự nhiên lớp 6 và lịch sử lớp 11.
Chất lượng một số SGK của chương trình giáo dục phổ thông mới còn hạn chế, nội dung chưa phù hợp với học sinh, còn khó, kiến thức nặng. Còn một số nội dung khó hiểu, khó giải thích vấn đề; chưa phù hợp với một số vùng miền, có từ ngữ mang tính địa phương; một số đoạn văn, bài thơ đưa vào SGK chưa được đánh giá cao.
Thứ hai, việc tổ chức lựa chọn SGK cũng có bất cập. Nhiều địa phương chỉ chọn 1 bộ sách giáo khoa thực hiện chung trên địa bàn cả tỉnh.
Cùng đó, việc lựa chọn sách giáo khoa khá gấp về thời gian, số bản mẫu sách giáo khoa nhiều (nhất là ở cấp tiểu học), lại diễn ra trong năm học, khiến giáo viên gặp khó khăn trong việc đầu tư thời gian nghiên cứu, lựa chọn.
Kiến nghị thanh tra, điều tra toàn diện chiết khấu sách giáo khoa
Báo cáo của đoàn giám sát cũng dẫn báo cáo của Ban Dân nguyện (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) cho hay, có 36 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư đề nghị nên có 1 bộ sách giáo khoa để sử dụng chung.
Việc lựa chọn nhiều bộ sách giáo khoa tạo ra khó khăn trong khâu đặt hàng, bảo đảm cung ứng sách giáo khoa trước năm học mới. Sự khác biệt về nội dung, cấu trúc trong mỗi bộ sách khó khăn cho việc ra đề thi chung, học sinh chuyển trường phải mua lại sách giáo khoa, khó tiếp cận kiến thức.
Thứ ba, giá SGK tăng 2-4 lần giá SGK chương trình cũ.
Đoàn giám sát dẫn chứng với Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam, các bộ SGK lớp 1 mới có giá từ 179-194 nghìn đồng/bộ, khoảng 19 nghìn/cuốn; bộ sách cũ có giá 54 nghìn đồng, khoảng 9 nghìn đồng/cuốn. Tương tự, các bộ SGK lớp 2 mới có giá từ 179-186 nghìn đồng/bộ, khoảng 18 nghìn/cuốn; bộ cũ có giá 53 nghìn đồng.
Đoàn giám sát cho rằng, SGK cao gây khó khăn cho một bộ phận người dân, nhất là ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số.
Ngoài ra còn có tình trạng bán SGK kèm sách bài tập, tài liệu tham khảo diễn ra ở nhiều nơi, dẫn tới tăng chi phí mua sách.
Điều đáng nói là mặc dù có nhiều nhà xuất bản tham gia làm SGK, có nhiều bộ SGK, nhưng giá sách không giảm, mà thực tế đang tăng. Giá SGK môn tiếng Anh cao hơn nhiều so với các môn học còn lại nhưng không sử dụng được nhiều lần.
Thứ tư, chi phí phát hành SGK cao, chưa hợp lý so với các mặt hàng thiết yếu. Mức tối đa phí phát hành (chiết khấu) sách theo chương trình mới cho các đơn vị đầu mối phát hành phục vụ năm học 2020-2021, 2021-2022 với SGK là 29% giá bìa, sách bài tập là 33%, sách giáo viên là 15%.
Năm học 2022-2023, chiết khấu với SGK là 28,5% giá bìa, sách bài tập là 35%, sách giáo viên là 15%.
Đề cập đến giải pháp, đoàn giám sát kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét chuyển cơ quan chức năng thanh tra, điều tra toàn diện việc xác định, sử dụng chiết khấu sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới.
Với Chính phủ, đoàn giám sát cũng kiến nghị chỉ đạo thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhất là công tác đấu thầu, mua sắm thiết bị giáo dục; công tác in, phát hành sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 của các nhà xuất bản, việc xác định, sử dụng chi phí phát hành (chiết khấu) sách giáo khoa; chuyển cơ quan điều tra khi xác định dấu hiệu vi phạm.