IFC kêu gọi doanh nghiệp tăng cường hỗ trợ chăm sóc trẻ em cho người lao động Việt Nam

(CL&CS) - Theo một báo cáo do IFC, thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới, công bố ngày 28/8, việc cung cấp dịch vụ chăm sóc trẻ em cho người lao động có tác động tích cực đối với doanh nghiệp Việt Nam, hỗ trợ việc tuyển dụng và giữ chân người lao động, và nâng cao năng suất lao động.

Doanh nghiệp cần tăng cường hỗ trợ chăm sóc trẻ em cho người lao động. Ảnh: N.N

Khu vực sản xuất – chế tạo theo định hướng xuất khẩu là một động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm ở Việt Nam, đặc biệt là việc làm cho phụ nữ, vốn chiếm tới trên 80% lực lượng lao động của khu vực này. Trong khi đại dịch COVID-19 trên toàn cầu gây ảnh hưởng đến nhu cầu của thị trường, ngành này có vị thế thuận lợi để phục hồi và tiếp tục tăng trưởng. Với dự báo về mức sụt giảm 5% của lực lượng lao động quốc gia vào năm 2040 do dân số già hóa, các nhà sản xuất sẽ phải đối mặt với thách thức trong thu hút và giữ chân người lao động có chất lượng.

Hỗ trợ chăm sóc trẻ em cho cha mẹ đi làm có thể là một trong những giải pháp thu hút và giữ chân người lao động trên thị trường lao động đang thu hẹp của Việt Nam, theo báo cáo mới của IFC “Chăm sóc trẻ em: Lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp hỗ trợ người lao động chăm sóc trẻ em tại Việt Nam”. Nhiều người lao động được phỏng vấn trong nghiên cứu này cho rằng dịch vụ trông giữ trẻ do người sử dụng lao động hỗ trợ - đặc biệt là cơ sở gửi trẻ tại nơi làm việc - là một trong những yếu tố quyết định để họ lựa chọn làm việc tại một doanh nghiệp.

“Nghiên cứu của IFC cho thấy có sự chênh lệch giữa cầu và cung đối với dịch vụ chăm sóc trẻ ở Việt Nam. Người sử dụng lao động có thể đóng một vai trò nhất định trong việc giải quyết sự thiếu hụt dịch vụ này, không chỉ bằng cách trực tiếp cung cấp dịch vụ trông giữ trẻ mà còn bằng cách tạo ra nơi làm việc thân thiện với gia đình, giúp người lao động kết hợp làm việc hiệu quả với trách nhiệm nuôi dạy con cái” - ông Kyle Kelhofer, Giám đốc Quốc gia IFC khu vực Việt Nam, Campuchia, và Lào, cho biết.

“Khi trường học và nhà trẻ đóng cửa trong đại dịch COVID-19, có thể thấy rõ năng suất làm việc có liên quan chặt chẽ thế nào với công việc chăm sóc trẻ. Chúng ta không nên quên điều đó khi bắt đầu phục hồi sau khủng hoảng COVID-19. Doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội đạt được lợi thế cạnh tranh và tạo sự khác biệt với việc triển khai dịch vụ trông giữ trẻ để hỗ trợ người lao động” - ông nói tiếp.

Báo cáo dựa trên sáu nghiên cứu tình huống về các công ty trong lĩnh vực may mặc và da giày, cung cấp nhiều phương án hỗ trợ chăm sóc trẻ - từ trông giữ trẻ tại nơi làm việc cho đến tiền trợ cấp chăm sóc trẻ hàng tháng. Sử dụng khoảng 94.000 công nhân, sáu công ty - Evervan, Feng Tay, Greenland, Now Vina,Pou Chen Việt Nam và Taekwang Vina - được hưởng lợi nhờ giảm thiểu tỷ lệ người lao động nghỉ việc, tuyển dụng dễ dàng hơn, và tăng năng suất. Báo cáo trình bày các lựa chọn chăm sóc khác nhau, từ những chiến lược sử dụng ít nguồn lực hơn (dịch vụ cung cấp thông tin và giới thiệu, và chăm sóc dự phòng) đến những chiến lược sử dụng nhiều nguồn lực hơn (nhà trẻ tại nơi làm việc).

Ông EricLee, Giám đốc Nhân sự của Taekwang Vina, công ty da giày có vốn đầu tư nước ngoài với bốn nhà máy, Official Use cho biết: “Tỷ lệ nghỉ làm đột xuất bình quân 0,6% trên tổng số lao động 33.000 người khiến công ty mất một khoản chi phí gần một triệu đô la Mỹ mỗi năm. Việc mở một trường mẫu giáo đã giúp tỷ lệ nghỉ phép đột xuất tại các nhà máy của chúng tôi giảm 20%. Chúng tôi cũng nhận thấy mức giảm đáng kể về tỷ lệ người lao động nghỉ việc hàng tháng so với các nhà máy khác của chúng tôi không có trường mẫu giáo. Những lợi ích này chắc chắn vượt lên trên những thách thức và chúng tôi tin rằng cung cấp dịch vụ trông giữ trẻ đóng vai trò quan trọng trong chiến lược tăng trưởng của công ty.”

Khu vực tư nhân, cung cấp khoảng 90% tổng số việc làm ở các nước đang phát triển, là động lực quan trọng để tạo ra nhiều việc làm hơn và việc làm tốt hơn. Giải quyết vấn đề chăm sóc trẻ em là một phần trong những nỗ lực của IFC nhằm giải quyết chênh lệch giới trong việc làm và xác định cách thức để khu vực nhà nước và tư nhân có thể phối hợp tốt hơn để tạo ra thị trường cho các hoạt động chăm sóc trẻ.

Nguyễn Ngọc

Nên đọc