Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, chiều 5/11, các đại biểu đã thảo luận tại hội trường chung quanh Dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản.
Bộ trưởng Bộ TN&MT Đỗ Đức Duy giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Quốc hội Nguyễn Tâm Hùng (Đoàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) cho biết cơ bản nhất trí với bố cục dự thảo Luật. Tuy nhiên, đại biểu bày tỏ băn khoăn về việc phân loại và quản lý nhóm khoáng sản (Điều 6).
Theo đại biểu, dự thảo Luật hiện phân loại khoáng sản dựa trên công dụng và mục đích quản lý, nhưng tiêu chí phân loại chưa đủ cụ thể, dễ dẫn đến một loại khoáng sản có thể thuộc hai nhóm khác nhau. Điều này không chỉ gây khó khăn trong quản lý mà còn dễ dẫn đến tình trạng khai thác lộn xộn, thất thoát tài nguyên.
Đặc biệt, đối với khoáng sản làm vật liệu san lấp và xây dựng, có nhiều đặc thù về chất lượng và công dụng nên cần quy định cụ thể hơn, tránh lẫn lộn với các nhóm khoáng sản khác. Vì vậy, đại biểu đề xuất bổ sung quy định rõ ràng hơn về tiêu chí phân loại nhóm khoáng sản và cần có danh mục cụ thể về từng loại khoáng sản trong các nhóm.
Góp ý dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản, đại biểu Trương Trọng Nghĩa, đoàn Tp.Hồ Chí Minh nhấn mạnh, với khoáng sản, công dụng là rất quan trọng. Hiện nay, Việt Nam chia khoáng sản theo các nhóm 1, 2, 3, 4. Theo đó, nhóm I là kim loại và năng lượng nhưng trong nhóm này có những loại kim loại và năng lượng cực kỳ quan trọng như đất hiếm, Vonfram, Uranium, Boxit, băng cháy…
Dẫn các thông tin, đại biểu cho biết đất hiếm và titan ở Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về trữ lượng; Vonfram chiếm khoảng 1/3 trữ lượng thế giới… Đây là những loại tài nguyên có vai trò rất quan trọng khi Việt Nam tiến vào kỷ nguyên công nghệ số và phát triển các lĩnh vực mới như công nghiệp bán dẫn, xe điện, hàng không…
Dự thảo có liệt kê cụ thể, đầy đủ các loại khoáng sản nhóm 1 nhưng đánh đồng các loại tài nguyên, trong khi đó có những loại tài nguyên đóng vai trò ở tầm chiến lược quan trọng, đại biểu nêu ý kiến. Cũng theo đại biểu, mặc dù dự thảo luật có nêu định nghĩa khoáng sản chiến lược quan trọng nhưng không có quy định riêng cho những loại khoáng sản này.
Về thẩm quyền cấp phép, dự thảo quy định cơ bản giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND tỉnh. Đại biểu đoàn Tp.Hồ Chí Minh đề nghị cần có danh mục các loại khoáng sản chiến lược quan trọng và đặc biệt quan trọng; đồng thời các quyết định thăm dò, khai thác, thu hồi… thì Thủ tướng quyết định.
Ở một số quốc gia, trong một số trường hợp chuyển nhượng các dự án, Chính phủ sẽ can thiệp và không cho phép chuyển nhượng vì liên quan tới phát triển lâu dài và đặc biệt là chủ quyền, an ninh quốc gia. Ngoài ra, đại biểu cũng đề cập đến vấn đề tài nguyên vị thế là các loại tài nguyên có vị trí và tính chất nhưng dự thảo luật sửa đổi định nghĩa tài nguyên vị thế chỉ còn yếu tố vị trí địa lý. Ví dụ như băng cháy, không chỉ là lợi thế về địa lý mà là một tài nguyên tương lai rất quan trọng.
Do đó, đại biểu đề nghị khôi phục lại và nói rõ là tài nguyên vị thế, theo định nghĩa cũ, đồng thời quy định về khoáng sản chiến lược quan trọng, khoáng sản có tài nguyên, vị thế đặc biệt quan trọng làm thành một danh mục riêng và giao cho Chính phủ quyết định những điều này. Thiết kế như thế để chúng ta sẽ không vướng mắc những chuyện chuyển nhượng hoặc tranh chấp sau này.
Thông tin trước Quốc hội, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy cho biết, về việc phân nhóm khoáng sản, từ kỳ họp trước đã có nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội tham gia đóng góp ý kiến và hiện nay trong dự thảo luật đưa ra quy định phân nhóm khoáng sản dựa trên công dụng và mục đích quản lý, đây là một cách phân loại phù hợp với thông lệ quốc tế.
"Chúng tôi đồng tình với nhiều ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, đó là tuy cùng một nhóm như khoáng sản nhóm 1 là khoáng sản kim loại nhưng có nhiều loại khoáng sản có tính chất, vai trò hay vị thế như một số đại biểu nêu khác nhau, như khoáng sản chiến lược, đất hiếm, vonfram hay có một số khoáng sản có tính chất đặc thù như bôxít hay, titan khi phân bố trên một bề mặt rộng, ở một chiều sâu không lớn", người đứng đầu ngành Tài nguyên và Môi trường cho hay.
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cũng cho biết thêm, mặc dù các ý kiến phân loại rất thỏa đáng, nhưng nếu quy định chi tiết trong luật đến cả danh mục, thí dụ như nhóm 1A, nhóm 1B thì sẽ khó khăn. Ngoài ra, trong trường hợp khi phát hiện thêm các loại khoáng sản mới theo xu thế của thế giới hoặc tùy theo yêu cầu quản lý, sử dụng trong từng giai đoạn, hôm nay có thể là khoáng sản thông thường nhưng ngày mai lại trở thành khoáng sản chiến lược.
"Như vậy sẽ dẫn đến khó trong việc điều chỉnh về phân nhóm, phân loại này, cho nên Chính phủ đã đề xuất trong luật quy định giao cho Chính phủ quy định phân loại chi tiết", Bộ trưởng Đỗ Đức Duy giải thích.
Cũng liên quan tới vấn đề trên, Bộ trưởng thông tin: Đối với các khoáng sản chiến lược như đất hiếm hay vonfram không chỉ có các quy định trong dự thảo luật này mà hiện nay cấp có thẩm quyền cũng đưa ra chủ trương cần phải xây dựng chiến lược để quản lý các loại khoáng sản chiến lược này.
"Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường theo chỉ đạo của Chính phủ cũng đang nghiên cứu để xây dựng, hướng tới đưa ra những khung chính sách riêng, đặc thù và chiến lược để quản lý các loại khoáng sản này", Bộ trưởng Tài nguyên và môi trường, cho biết.