Dù không phải người có chuyên môn sâu trong lĩnh vực y tế nhưng đứng trước những khó khăn chung của đất nước, đặc biệt là tâm dịch TP.HCM trong giai đoạn này, doanh nhân Nguyễn Hoài Nam cũng hiến một số "kế sách" đáng lưu tâm trong công tác phòng chống dịch Covid-19.
Theo ông, việc tiêm vắc xin nên được áp dụng theo tuổi từ cao xuống thấp và căn cứ theo căn cước công dân, không cần phân biệt nghề nghiệp, thành phần. Phân tách nhóm tiêm vắc xin theo độ tuổi: Trên 55 tuổi; từ 45 - 54 tuổi; từ 35 - 44 tuổi…
Bên cạnh đó, để giảm áp lực cho các khu cách ly tập trung thì áp dụng phương pháp treo biển theo màu sắc để phân biệt các trường hợp nhiễm hoặc tiếp xúc người nhiễm Covid-19. Cụ thể, F0 gắn màu đỏ, F1 màu cam và màu vàng cho F2. Biển được treo tại nhà có người bệnh hoặc nghi nhiễm, ghi rõ thông tin để nhân viên y tế cũng như hàng xóm biết cách xử lý, hỗ trợ khi cần thiết. Việc làm này sẽ hạn chế nguy cơ lây nhiễm chéo, giảm sức người, sức của ở các khu cách ly.
Lương thực, thực phẩm và đồ ăn nấu sẵn cũng nên được phép bán mang về thông qua lực lượng shipper cũng như các ứng dụng giao hàng trực tuyến. Riêng các hộ gia đình gặp khó khăn về lương thực, thực phẩm, bị cách ly thì có thể thống nhất treo cờ trắng như phương pháp mà Malaysia đang áp dụng để Chính quyền địa phương, các đội thiện nguyện nhận biết và giúp đỡ chính xác tránh tình trạng lợi dụng phong trào tràn lan, khó kiểm soát, dễ lây nhiễm bệnh trong cộng đồng.
Đối với các tập đoàn, doanh nghiệp đóng góp lớn, được tiêm vắc xin cho nhân viên nhưng không quá 10% giá trị đóng góp.
Cùng với đó, các nguồn vận động tài trợ, ủng hộ chống dịch sẽ được tập trung tối đa vào thiết bị, đồ bảo hộ cho đội ngũ y tế và lực lượng tuyến đầu. Thực hiện chốt chặn ở khu vực giáp ranh các tỉnh thành, còn trong Thành phố chỉ tuần tra, kiểm soát lưu động mà không chốt chặn. Nếu có thể, nên giảm bớt văn bản hành chính, khó hiểu dẫn đến hiểu sai ý, thực hiện không đúng chủ trương.
Về mặt truyền thông, vị doanh nhân này mong rằng Trung tâm Báo chí sẽ ra thông cáo hàng ngày, chính xác để hỗ trợ và tạo cảm giác an toàn. Cũng như tăng cường các biện pháp hướng dẫn cụ thể cách chăm sóc tại nhà, các triệu chứng bệnh và cách dùng thuốc cho người dân.
Cuối dòng hiến kế, ông Nam cũng không quên kêu gọi người dân giang rộng vòng tay đoàn kết, tránh kỳ thị và sẵn sàng hỗ trợ, cảm thông để cùng nhau vượt qua dịch bệnh.
Ngay sau khi đăng tải, những chia sẻ của doanh nhân Nguyễn Hoài Nam nhận được rất nhiều bình luận tích cực, ủng hộ trên trang cá nhân. Đa số cho rằng đây cũng là một trong những giải pháp mà Chính quyền Thành phố cần lưu tâm để tiếp tục các chính sách chống dịch Covid-19 trong thời gian tới.
“Hiến kế này có phù hợp với chuyên môn và tình hình thực tế của TP.HCM hay không thì chưa biết nhưng tôi cho rằng đây là tín hiệu lạc quan trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn. Nó cho thấy mọi tầng lớp xã hội của chúng ta đang thực sự chung tay chống dịch, toàn xã hội đã cùng lo một mối lo chung mà không phải chỉ có Nhà nước, người bị nhiễm bệnh, bị ảnh hưởng mới lo. Vậy nên, tôi tin chúng ta sẽ nhanh chóng vượt qua dịch bệnh để trở lại bình thường”, bình luận của một tài khoản facebook.