Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở không xuất trình được hoá đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của hàng hoá và cũng không xuất trình được giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Chủ cơ sở khai nhận, toàn bộ số hàng hoá trên đều được mua lại của một người không rõ lai lịch sau đó rao bán trên mạng thông qua hình thức livestream bằng nhiều tài khoản facebook, zalo. Sau khi “chốt đơn” sẽ “chuyển phát nhanh” hoặc giao cho “shipper” vận chuyển cho người mua.
Đội QLTT số 5 đã ra Quyết định tạm giữ toàn bộ số hàng hoá không có hoá đơn, chứng từ nói trên và hành vi kinh doanh không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của chủ cơ sở để xử lý theo quy định của pháp luật.
Với sự phát triển nhanh chóng của các mạng xã hội trên nền tảng internet và tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp nên việc kinh doanh trên môi trường Thương mại điện tử (TMĐT) đang phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam. Việc giao dịch trên mạng giữa người bán và người mua chỉ thông qua một cái “click” chuột là có thể ngồi nhà nhận hàng. Lợi dụng sự nhanh chóng, thuận tiện đó các tổ chức, nhân thường thực hiện các hành vi gian lận thương mại để trục lợi.
Công tác phát hiện và xử lý các vụ việc vi phạm trên nền tảng TMĐT rất khó khăn vì các đối tượng thường sử dụng nhiều tài khoản trên nhiều nền tảng mạng xã hội. Có đối tượng còn tinh vi hơn, sử dụng phần mềm “lậu” để đánh tráo địa chỉ IP (địa chỉ để nhận biết một người khi tham gia mạng internet) nhằm trốn tránh sự quản lý của cơ quan chức năng, gây khó khăn cho công tác thu thập, kiểm tra xử lý các hành vi gian lận thương mại trên nền tảng TMĐT. Nắm bắt được tình hình, Lãnh đạo Cục QLTT Tuyên Quang quán triệt cho Cán bộ công chức tại đơn vị phải bám sát các văn bản hướng dẫn về TMĐT của Bộ Công Thương, Tổng cục QLTT để thực hiện. Bên cạnh đó, phải luôn trao dồi, cập nhật kiến thức về công nghệ thông tin để nâng cao trình độ phục vụ công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát các cơ sở kinh doanh theo hình thức TMĐT trên địa bàn tỉnh.